Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để người tiêu dùng hưởng lợi

Kính Lúp| 04/05/2020 07:28

(HNM) - Mặc dù giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm nhiều lần, nhưng theo các chuyên gia, mức giảm vẫn chưa theo kịp với đà lao dốc của thị trường thế giới. Bởi, trên thực tế, giá xăng dầu trong nước đang bị áp nhiều loại thuế, phí và cả Quỹ bình ổn xăng dầu.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới, giá xăng dầu rơi không có điểm dừng. Vào thời điểm 7h30 ngày 1-5 theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI là 19 USD/thùng, dầu Brent 25,4 USD/thùng. Tính tổng thể trong tháng 4-2020, giá dầu thô trên thế giới giảm 30%. Trước đó, ngày 20-4, giá dầu WTI rơi xuống mức âm...

Bất chấp giá dầu thế giới có thời điểm lao dốc không phanh, giá xăng dầu trong nước không được điều chỉnh theo thị trường. Bởi theo quy định, giá trong nước được điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày và có sự can thiệp của Quỹ bình ổn xăng dầu.

Thông thường, giá xăng dầu trong nước có sự điều hành của Nhà nước nhằm bảo đảm sự cân đối giữa lợi ích của người kinh doanh xăng dầu, lợi ích của người tiêu dùng, cũng như mục đích phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng kinh tế toàn cầu rơi vào cảnh đóng băng khiến không ít doanh nghiệp khó khăn. Để có thể kích cầu, đẩy kinh tế phát triển trở lại, phương án dừng trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu, giảm bớt một số loại thuế phí sẽ tạo cơ hội để tiêu dùng giá xăng dầu ở mức thấp hơn. 

Hiện tổng các loại phí, thuế, trích lập Quỹ bình ổn đang chiếm khoảng 66% giá bán lẻ xăng E5 và chiếm khoảng 72% giá bán lẻ xăng RON95. Với giá thế giới ở mức thấp như hiện nay, nếu dừng trích Quỹ bình ổn xăng dầu, bỏ một số loại thuế, phí, giá xăng trong nước có thể chỉ còn 7.000-8.000 đồng/lít. 

Rõ ràng, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu với hàng nghìn tỷ đồng lưu lại tại các doanh nghiệp xăng dầu chính là "nguồn vốn tĩnh" không giúp được gì cho nền kinh tế. Để giá xăng dầu có thể vận hành theo cơ chế thị trường, nên chăng cần xem xét dừng trích cho quỹ này giúp người tiêu dùng được hưởng lợi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để người tiêu dùng hưởng lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.