Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung phát triển thương mại điện tử và các ngành công nghiệp chủ lực

Thanh Hiền| 12/01/2021 19:10

(HNMO) – Chiều 12-1, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tham dự.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm 2020.

Khép lại năm 2020, ngành Công Thương Hà Nội đã hoàn thành "nhiệm vụ kép" vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Giá trị khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,39% so với năm trước. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 3.060,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 584,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7%. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 1,8%.

Năm 2021, ngành Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 9% (cao gấp hơn 1,8 lần năm 2020); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7% đến 8% (gấp gần 3 lần năm 2020); phấn đấu công nhận 25-28 sản phẩm là sản phẩm công nghiệp chủ lực… Thời gian tới, ngành tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; triển khai có hiệu quả chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, nhằm thúc đẩy thương mại phát triển, nhất là thương mại điện tử, Sở sẽ đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; thiết lập, củng cố, phát triển, phân bổ hợp lý các kênh phân phối, mạng lưới các loại hình thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội đẩy mạnh thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại. Trong đó, đôn đốc các chủ đầu tư khởi công xây dựng các cụm công nghiệp đã được UBND thành phố thành lập trong 2 năm qua; triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến công; thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại hiện đại, điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu phát triển, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu và nội địa, đặc biệt, quan tâm công tác bình ổn thị trường trong dịp Tết Tân Sửu 2021.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung phát triển thương mại điện tử và các ngành công nghiệp chủ lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.