Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hưng vượng vận nước

Thế Nguyên| 10/06/2019 06:11

(HNM) - Ngày 7-6, một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng ghi đậm dấu ấn nước ta trên trường quốc tế là Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Sự kiện đó không chỉ khiến mỗi người thêm tự hào, cũng như đặt thêm nhiều kỳ vọng vào sự hưng vượng của vận nước mà còn là một cột mốc cho thấy thế và lực đất nước, trên hành trình dài hội nhập một cách chủ động, sâu rộng, ngày càng được củng cố, tăng cường.


Thành quả ấy có được là nhờ sức mạnh nơi cội nguồn sức sống của dân tộc; tiềm năng, nội lực và nguồn lực toàn dân, lòng yêu nước nơi mỗi người được phát huy, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Qua đó, cùng với sự phát triển của đất nước, Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp xứng đáng cho công việc quốc tế và khu vực.

Ngày mai, 11-6, đúng 71 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11-6-1948), cũng là “Ngày Truyền thống thi đua yêu nước”. Người căn dặn: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Từ lời dạy của Người, thi đua đã trở thành một phong trào cách mạng, lan tỏa thành nhiều phong trào cách mạng, diễn ra ở mọi ngành, lĩnh vực, địa phương, để đất nước thực hiện thành công những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước; để Việt Nam trên nền tảng những thành tựu 30 năm đổi mới, bước vào giai đoạn đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay, tiếp tục gặt hái thêm những thành tựu mới mà sự kiện nêu trên là một ví dụ.

Thi đua đã thực sự trở thành động lực, mang đến thêm những luồng sinh khí và nguồn lực mới cho sự phát triển của đất nước. Nhiều phong trào thi đua phong phú, thiết thực, sáng tạo, có sự đổi mới phù hợp với tình hình thực tế được tổ chức thực hiện sâu rộng trên khắp cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Mới ngày cuối tuần qua, 8-6, Hà Nội đã phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”.

Bổ sung “nội hàm” mới phù hợp tình hình mới, từ đó, mỗi một cá nhân, tập thể “góp gió thành bão” để các phong trào thi đua đạt hiệu quả cao luôn là vấn đề đáng để suy ngẫm. Cách làm bảo đảm sao cho thực chất, tránh hình thức - câu trả lời nằm ở từng địa phương, đơn vị và tất nhiên, ở cả động lực, ý thức đóng góp nơi mỗi người. Lòng yêu nước chính là sợi dây dẫn dắt.

Lòng yêu nước cũng chính là động lực thôi thúc mỗi người ra sức thi đua, đóng góp xứng đáng khả năng của bản thân cho đất nước. Thành quả từ những phong trào xóa đói, giảm nghèo; thanh niên tình nguyện; dạy tốt - học tốt; vì an ninh Tổ quốc; rèn đức, luyện tài; cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới... là minh chứng sinh động cho thấy tính tất yếu về yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức thi đua.

Với cả nước, trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là năm 2019 - năm có ý nghĩa quan trọng của nhiệm kỳ 2016-2021, thi đua gắn liền với việc khơi dậy các phong trào yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra.

Thi đua, dù qua những phong trào, nội dung cụ thể nào thì đều nhằm phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thi đua cũng gắn liền với phương châm 12 chữ của Chính phủ: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá".

Trong kỷ nguyên 4.0 và hội nhập quốc tế một cách chủ động, sâu rộng, thi đua còn là động lực, đồng thời là giải pháp nhằm tận dụng những lợi thế, thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại mà rất nhiều lĩnh vực mới đã mở ra: Thi đua sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển - ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nền tảng công nghệ số... cho sự phát triển của nước nhà.

Với Hà Nội - trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, đồng thời là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, trái tim của cả nước, đích đến của các phong trào thi đua là xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, với vị thế và uy tín đối ngoại ngày một được tăng cường.

"Những người thi đua là những người yêu nước nhất" - Lời căn dặn ấy của Bác đến giờ vẫn như thôi thúc mỗi người. Bằng cách “biểu thị” lòng yêu nước, thông qua thi đua sáng tạo, đóng góp công sức, trí tuệ của mình, mỗi người, mỗi tập thể đã thực sự “góp gió, thành bão”, đã thực sự tiếp thêm nguồn lực, vận hội cho sự hưng vượng của đất nước. Trong đó, mỗi một thành tựu, như sự kiện đã đề cập đầu bài viết này, là hành trang quý giá trên hành trình Việt Nam vươn lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hưng vượng vận nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.