Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phía trước là chân trời mở

Duy Biên| 19/06/2019 06:24

(HNM) - Thời điểm này, nhiều học sinh trên địa bàn Hà Nội sau khi biết điểm thi vào lớp 10 đang chuẩn bị làm thủ tục xác nhận nhập học. Tuy vậy, với hơn 85.000 học sinh dự thi tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng chỉ có gần 65.000 chỉ tiêu vào lớp 10 trường trung học phổ thông công lập và trường chuyên thì vẫn còn khoảng 20.000 học sinh không đậu tuyển sinh lớp 10. Đây thực sự là những lo lắng, suy tư của không chỉ học sinh mà cả phụ huynh.


Không đậu tuyển sinh lớp 10 là điều không học sinh nào mong muốn, không phụ huynh nào chờ đợi. Bởi 9 năm học trôi qua với biết bao nỗ lực, phấn đấu của học sinh, bao kỳ vọng của cha mẹ dành cho con em mình. Tuy nhiên, đây là bước phân luồng cần thiết để góp phần hình thành cơ cấu trình độ, cơ cấu nguồn lao động sát với yêu cầu của thực tiễn.

Thực tế cho thấy, những năm qua, một bất cập vẫn tồn tại là nhiều cử nhân đại học, thậm chí là tốt nghiệp cao học vẫn phải cất bằng chuyên môn để đi học nghề vì không xin được việc làm phù hợp với ngành đã học. Trong khi đó, nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý hướng con em đi theo con đường khoa bảng mà chưa chú tâm đến việc học nghề. Rào cản này khiến việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau trung học cơ sở gặp khó khăn.

Để công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở hiệu quả, thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng được những trường nghề uy tín, vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cho học sinh. Thậm chí, có trường còn bảo đảm việc làm cho các em, hoặc học sinh có thể học lên cao đẳng, đại học sau khi tốt nghiệp trường nghề. Vì thế, học lớp 10 trường công lập không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp, gặt hái thành công.

Với độ mở của nền kinh tế hiện nay, rất nhiều ngành nghề đang cần những người thợ giỏi, do đó việc học để "có nghề" là đòi hỏi tất yếu của xã hội. Đặc biệt, với những đòi hỏi mới trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đất nước đang rất cần nguồn lao động trẻ, tiếp cận nhanh công nghệ. Đón bắt cơ hội này, nhiều trường nghề đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người học, sau khi học nghề xong, các em dễ dàng tìm được việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, các trường cao đẳng cũng tuyển hệ trung cấp sau khi học sinh học hết lớp 9 với đa dạng ngành nghề được đào tạo.

“Học tập suốt đời”, nên sự học có thể nói là không có hồi kết. Vì vậy, khi đã có nhu cầu học để có kiến thức thì không nhất thiết phải học ở hệ thống trường công lập. Song, để trường ngoài công lập trở thành lựa chọn của nhiều người thì chính hệ thống trường này cũng cần đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng, điều kiện dạy và học, bảo đảm học thực chất, có chất lượng và mức học phí phải phù hợp với phần đông người dân. Ở chiều ngược lại, các trường ngoài công lập cũng cần được đối xử công bằng như trường công.

Về phía phụ huynh và học sinh, thay vì trách cứ con và “than thân trách phận”, cần nhìn vào thực tế để định hướng bước tiếp những chặng đường phía trước. Các phụ huynh và học sinh cần thay đổi quan niệm chỉ nhất nhất hướng con em vào các trường công lập, mà có thể lựa chọn cho con em mình vào học các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề... Cùng với đó là sự thay đổi trong cách nghĩ, bởi ai cũng muốn làm thầy thì ai sẽ làm thợ? Làm thợ mà có công việc, thu nhập ổn định sớm sẽ tốt hơn rất nhiều cử nhân ra trường lay lắt đi tìm công việc từ năm này qua năm khác.

Không đỗ vào lớp 10, không hẳn học sinh đã “hết cửa” học tập bởi phía trước còn là chân trời rộng mở giúp các em hoàn thiện, tạo lập nghề nghiệp ổn định cho cuộc sống của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phía trước là chân trời mở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.