Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trao cơ hội, nuôi khát vọng

Gia Khánh| 24/06/2019 07:25

(HNM) - Từ thương hiệu Vinpearl ra đời năm 2001 và Vincom ra đời năm 2002, năm 2012 Tập đoàn Vingroup chính thức được hình thành. Khởi đầu chủ yếu là hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Vingroup đã phát triển sang các lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ viễn thông... và mới nhất là sản xuất ô tô, điện thoại di động.

Một điểm chung là dù kinh doanh ở lĩnh vực nào, Vingroup cũng đều có sự đầu tư bài bản, chắc chắn. Sự phát triển, thành công của doanh nghiệp gắn với sự phát triển của địa phương, đất nước như Vingroup đang làm, có thể coi là hình ảnh tiêu biểu về sự phát triển, lớn mạnh, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân nói chung thời gian qua.

Ngược dòng thời gian, có thể thấy qua các kỳ Đại hội Đảng, vị trí và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân dần được khẳng định rõ ràng hơn. Văn kiện Đại hội X của Đảng năm 2006 nhận định: Kinh tế tư nhân là khu vực “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”; Nghị quyết Đại hội XI của Đảng năm 2011 nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”; Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 cũng chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Tiếp đến, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (tháng 5-2017) đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP). Nghị quyết được đánh giá là một bước tiến quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế.

Trên thực tiễn, kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội. Con số thống kê mới nhất cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân đã khẳng định giá trị thương hiệu của mình trên thị trường và được người dân trong nước tin tưởng, như Sungroup đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng tại tỉnh Quảng Ninh và nhiều địa phương khác, trong đó có sân bay Vân Đồn - sân bay đầu tiên do tư nhân đầu tư, khai thác tại Việt Nam...; như Thaco - Trường Hải đầu tư hình thành trung tâm công nghiệp ô tô tầm cỡ quốc tế tại tỉnh Quảng Nam, tạo việc làm, đóng góp ngân sách cho địa phương, đưa địa phương này từ tỉnh nghèo, lạc hậu trở thành tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, mạnh ở khu vực miền Trung...

Những thương hiệu doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân như Vingroup, Sungroup, Thaco - Trường Hải... được ví như các tập đoàn Samsung, LG của Hàn Quốc 30-40 năm về trước, ở khát vọng xây dựng, phát triển thương hiệu có tầm cỡ khu vực, toàn cầu; ở khát vọng đóng góp xây dựng một nền kinh tế quốc gia tự cường, giàu mạnh... Biến khát vọng thành hiện thực, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương và cụ thể hóa bằng thể chế, chính sách.

Trong vòng 2 năm kể từ khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XII ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, một môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng để mọi doanh nghiệp đều phát triển đang hình thành và ngày càng được cải cách mạnh mẽ. Niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đang được củng cố, với những từ khóa để kinh tế tư nhân phát triển, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu tại Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, đó là bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ và trao cơ hội.

Thế nhưng, thực tế cũng ghi nhận tại không ít địa phương có những dự án lớn do doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhiều năm qua vẫn giẫm chân tại chỗ, không chỉ làm nản lòng nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì để có "sếu đầu đàn" thì phải tạo ra vùng "đất lành" thực sự.

Không thành kiến với kinh tế tư nhân, bình đẳng, trao cơ hội cũng là những từ khóa nuôi dưỡng khát vọng lớn mạnh của doanh nghiệp tư nhân, để doanh nghiệp tư nhân gia tăng nhanh chóng cả về số lượng, quy mô, sức cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước, từ đó tiến vào các lĩnh vực giá trị cao trên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đó là cùng với hệ thống hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, doanh nhân cũng phải có tầm nhìn sáng tạo, kinh doanh có đạo đức, liêm chính, tuân thủ pháp luật; làm giàu chính đáng bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm, quan tâm nhiều hơn tới trách nhiệm với xã hội, bảo vệ môi trường, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng của nền kinh tế...

Trao cơ hội, nuôi dưỡng khát vọng, chắc chắn kinh tế tư nhân sẽ ngày càng khẳng định vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế; cùng các thành phần kinh tế khác xây dựng nước nhà tự cường, giàu mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trao cơ hội, nuôi khát vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.