Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư cho tương lai bền vững

Khánh Khoa| 20/07/2019 06:29

(HNM) - Thành phố Hà Nội đang triển khai đầu tư 5 dự án xử lý rác bằng công nghệ hiện đại (như đốt, thu hồi nhiệt để phát điện). Đây được coi là những dự án đầu tư cho tương lai, bởi lẽ phần lớn rác thải sinh hoạt hằng ngày đang xử lý theo hình thức chôn lấp, vừa tốn diện tích, không phù hợp với đô thị đất chật người đông như Hà Nội, vừa có khả năng gây ô nhiễm.

Thực tế, Hà Nội cũng đã có một số dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt hay tái chế rác thành phân bón. Song, những dự án này có công suất nhỏ, lượng rác tiếp nhận xử lý không nhiều; hơn nữa lại gặp khó trong hoạt động do người dân chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn; rác tái chế, không tái chế, thậm chí rác gây ô nhiễm môi trường (như đồ điện tử, kim loại…) vẫn thường để lẫn nhau.

Thông tin mới nhất từ Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - đơn vị được giao quản lý, vận hành 2 khu xử lý rác lớn nhất thành phố là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), với lượng rác tiếp nhận tổng cộng khoảng 6.000 tấn/ngày, nhưng đến năm 2020, cả hai khu này sẽ không còn khả năng tiếp nhận thêm. Trong khi đó, dự báo lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố năm 2020 sẽ tăng lên 8.500 tấn/ngày, nhiều hơn 2.000 tấn so với hiện tại. Xử lý rác thải sinh hoạt vì thế là sức ép ngày càng lớn đối với thành phố Hà Nội, đặt ra yêu cầu phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai các dự án xử lý rác sinh hoạt sử dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

So với các dự án đang hoạt động, 5 dự án xử lý rác thải mà thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư đều có tiêu chí cao hơn về công nghệ. Ngoài ra, thành phố cũng đề ra tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý rác, đặc biệt phải có cam kết thời hạn khởi công, hoàn thành… Hiện, các sở, ngành thành phố và nhà đầu tư đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục liên quan để sớm triển khai dự án. Tuy nhiên, trong số 5 dự án, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày được kỳ vọng cán đích sớm nhất, cũng phải đến cuối năm 2020 mới có thể tiếp nhận rác đốt thử.

Trước yêu cầu xử lý rác thải sinh hoạt, từ đầu năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã đốc thúc các sở, ngành, chủ đầu tư đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai các dự án; trong đó, một nhiệm vụ quan trọng là các sở, ngành phải tập trung hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành những thủ tục liên quan theo đúng tiêu chí đầu tư. Vì vậy, việc cấp thiết lúc này là các sở, ngành phải vào cuộc quyết liệt; một mặt chủ động tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho chủ đầu tư, mặt khác thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai, bảo đảm đúng quy định và các tiêu chí đầu tư đề ra.

Về phía chủ đầu tư, ngoài việc tính toán hiệu quả kinh tế, tuân thủ cam kết với thành phố, cũng cần tính đến "bài toán" xử lý rác thải của xã hội, từ đó đồng hành cùng thành phố đặt mục tiêu sớm hoàn thành các dự án, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Đi đôi với đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại cũng cần có giải pháp thực hiện sớm việc phân loại rác tại nguồn. Bởi, để khâu xử lý rác hiệu quả, dù với công nghệ nào, việc phân loại rác đều giữ vai trò quan trọng. Ở những nước phát triển, với hầu hết lượng rác thải được xử lý bằng công nghệ hiện đại như Thụy Điển, Nhật Bản hay Singapore..., rác thải được xem như nguồn tài nguyên và được chia thành nhiều loại (rác có thể tái chế, rác nguy hại, rác hữu cơ…) để từ đó có cách xử lý phù hợp, hiệu quả.

Rõ ràng, trong xu thế phát triển chung cũng như trong bối cảnh riêng của Thủ đô, đầu tư công nghệ xử lý rác thải là đầu tư cho tương lai bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho tương lai bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.