Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần tạo đột phá mới

Thế Văn| 10/02/2020 06:28

(HNM) - Hà Nội được biết đến là địa phương có nhiều loại nông sản mà không phải tỉnh, thành phố nào cũng có. Trong đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao đã chinh phục một số thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Thế nhưng, thay vì khai thác tốt lợi thế này, sản lượng nông sản xuất khẩu của Hà Nội vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Một loạt câu hỏi được người tiêu dùng đặt ra là vì sao sản lượng nông sản của Hà Nội - đặc biệt là nông sản chất lượng cao - vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường Thủ đô cũng như vươn ra thị trường thế giới? Là cái nôi của khoa học công nghệ, vì sao Hà Nội vẫn chưa có những vùng sản xuất trái cây chuyên canh áp dụng tiến bộ khoa học như các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Lâm Đồng?

Những câu hỏi trên đều có cơ sở, cần đặt ra trong tiến trình phát triển và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội. Rõ ràng, việc đưa nông sản Hà Nội vào siêu thị cao cấp, các nhà hàng, khách sạn tầm cỡ, tiêu chuẩn quốc tế hay đến với các thị trường khu vực và thế giới đều có ý nghĩa quan trọng. Để giải quyết bài toán thị trường với nông sản Hà Nội, cốt lõi của vấn đề là chất lượng sản phẩm. Và Hà Nội cũng đã xác định rất rõ mục tiêu là phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thông minh, an toàn thực phẩm, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế về thị trường...

Những năm gần đây ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đạt được nhiều thành công đáng khích lệ. Nhiều doanh nghiệp đã liên kết với người nông dân cũng như các doanh nghiệp nước ngoài để từng bước hình thành các vùng trồng cây đặc sản như nhãn muộn ở Hoài Đức, Quốc Oai; chuối tiêu hồng ở huyện Ba Vì hay những mô hình trồng hoa cúc, hoa lan theo hướng nông nghiệp công nghệ cao dành cho xuất khẩu... Song, để giải quyết những vấn đề đặt ra từ thị trường cũng như trong tiến trình phát triển, thì Hà Nội cần tạo ra những đột phá mới.

Trước hết là tạo đột phá trong việc hình thành những vùng sản xuất tập trung, bảo đảm hàng chất lượng cao cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Từ việc xác định cây ăn quả là một trong những sản phẩm chủ lực hướng tới phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, thời gian tới, thành phố cần tạo cơ chế phù hợp, từ đó tích tụ ruộng đất và thúc đẩy nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để có thể mở rộng các vùng chuyên canh cây đặc sản tập trung theo quy hoạch, cũng như các mô hình trồng hoa, trồng cây dược liệu.

Mặt khác, trong thời đại kinh tế tri thức thì công nghệ mới, công nghệ cao có vai trò đặc biệt quan trọng. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia phát triển hay từ một số địa phương trong nước cho thấy, công nghệ cao, công nghệ 4.0 chính là đột phá để nông sản Thủ đô có thể tạo nên chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Do vậy, ngành Nông nghiệp cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất; đồng thời, tăng cường đầu tư công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, mang đặc trưng riêng có của Hà Nội. 

Cùng với quy hoạch, quản lý quy hoạch, tạo ra sản phẩm chủ lực thì việc quan trọng không kém là xây dựng ý thức chuyên nghiệp trong mỗi người nông dân, từ đó thay đổi cung cách làm việc, đặc biệt là tuân thủ các nguyên tắc, quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm bảo đảm yêu cầu khắt khe của thị trường. 

Có thể nói, ngành Nông nghiệp Thủ đô còn nhiều việc phải làm để tạo đột phá mới trong việc xây dựng, mở rộng các vùng chuyên canh cây đặc sản; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; thu hút đầu tư phát triển công nghệ chế biến… Tạo được bước đột phá mới sẽ mang lại hiệu quả mới, hướng đến đích nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tạo đột phá mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.