Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy nhanh tiến độ lấy nước gieo cấy vụ xuân

Kim Nhuệ| 12/01/2022 06:45

(HNM) - Dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tiến độ lấy nước gieo cấy vụ xuân đợt 1 của thành phố Hà Nội và một số tỉnh thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ còn chậm. Để sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các hồ thủy điện trong đợt 2 tới đây, các địa phương và doanh nghiệp thủy lợi cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, đẩy nhanh tiến độ lấy nước.

Cán bộ Phòng Kinh tế huyện Ba Vì kiểm tra việc lắp đặt, khơi thông dòng chảy Trạm bơm dã chiến Sơn Đà sau đợt lấy nước thứ nhất.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, đợt điều tiết nước thứ nhất (từ ngày 4 đến 6-1), các nhà máy thủy điện thượng nguồn đã tăng cường phát điện bổ sung 1 tỷ mét khối nước cho các sông: Hồng, Đà, Đuống phục vụ thành phố Hà Nội và 10 tỉnh thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ lấy nước đổ ải, gieo cấy vụ xuân 2022. Tính đến ngày 6-1, các tỉnh, thành phố đã lấy đủ nước cho 82.930ha, đạt 16,4% diện tích kế hoạch gieo cấy lúa xuân. Đáng chú ý, tỷ lệ diện tích được cấp đủ nước của một số tỉnh, thành phố đạt rất thấp, như: Tỉnh Hưng Yên đạt 0,1%, tỉnh Bắc Ninh 1,4%, thành phố Hà Nội 1,7%, tỉnh Hải Dương 3,2%...

Đánh giá về kết quả lấy nước trong đợt 1 vừa qua, Tổng cục Thủy lợi cho rằng tiến độ chậm hơn so với những năm gần đây. Cụ thể trong đợt 1 năm 2021, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ lấy đủ nước cho 31,1% diện tích gieo cấy; còn năm 2020 là 54% và năm 2019 là 54,4%...

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là do số ngày điều tiết nước hồ thủy điện năm nay giảm 1 ngày so với những năm trước. Một số tỉnh, thành phố lấy nước chủ yếu là để thau rửa, tích trữ vào hệ thống thủy lợi mà chưa đưa nước lên ruộng. Bên cạnh đó, do thời tiết hanh khô, đất phơi ải tương đối khô nên cần lượng nước đổ ải nhiều hơn...

Để bảo đảm đủ nước làm đất, gieo cấy đúng khung thời vụ, các nhà máy thủy điện thượng nguồn sẽ tăng cường phát điện (đợt 2) để bổ sung nguồn nước cho các sông: Hồng, Đà, Đuống... Dự kiến từ 0h ngày 15-1 đến 24h ngày 22-1, mực nước trên sông Hồng tại Trạm thủy văn Hà Nội (đoạn cầu Long Biên, quận Long Biên) sẽ đạt trung bình khoảng 1,9m (cao hơn đợt 1 là 0,2m). “Để sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố phải quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác lấy nước, bảo đảm cơ bản hoàn thành kế hoạch sau khi kết thúc đợt điều tiết nước thứ hai này...”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị.

Thực hiện chỉ đạo trên, Sở NN&PTNT Hà Nội và các quận, huyện, thị xã đã tổ chức đoàn kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố, tổ chức thủy lợi cơ sở sửa chữa hư hỏng công trình; khẩn trương khơi thông cửa khẩu, bể hút, lắp đặt trạm bơm dã chiến; sẵn sàng vận hành công trình tiếp nguồn nước các sông: Hồng, Đà, Đuống ngay khi mực nước đạt mức cho phép...

Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Nguyễn Chí Hải cho hay: “Đến thời điểm này, Công ty đã hoàn thành sửa chữa, bảo dưỡng 32 tổ máy công suất 1.100m3/giờ ở Trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây); 3 tổ máy bơm 1.000m3/giờ Trạm bơm dã chiến Sơn Đà (huyện Ba Vì); nạo vét khơi thông các tuyến kênh chính, kênh cấp 2, cống, cửa khẩu các trạm bơm tưới...”.

Tương tự, 3 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố Hà Nội hiện đã hoàn thành lắp đặt và chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, vật tư sẵn sàng vận hành 162 trạm bơm dã chiến với 301 máy bơm các loại...

Cùng với doanh nghiệp thủy lợi, 23 quận, huyện, thị xã có diện tích sản xuất nông nghiệp đang tuyên truyền, vận động nông dân thu hoạch sớm cây vụ đông để đưa nước lên ruộng; phấn đấu cấp đủ nước cho hơn 70% diện tích trong đợt thứ hai này...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến độ lấy nước gieo cấy vụ xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.