Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm: Giải pháp quan trọng phòng, chống dịch bệnh

Ngọc Quỳnh| 25/06/2019 07:28

(HNM) - Hiện nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, số lượng lợn bị bệnh, phải tiêu hủy lớn. Trước thực trạng đó, Hà Nội đẩy mạnh kiểm tra chặt chẽ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhằm kiểm soát nguồn thực phẩm khi lưu thông; đồng thời, nâng cao ý thức cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh...

Kiểm soát chặt chẽ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế dịch bệnh.


Theo Chi cục Thú y Hà Nội, toàn thành phố hiện có 988 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 937 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công; 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp; 7 cơ sở giết mổ công nghiệp. Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 126 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát với lượng thịt thương phẩm khoảng 515 tấn/ ngày, đáp ứng 60% nhu cầu tiêu dùng; khoảng 40% lượng còn lại được cung cấp bởi các điểm giết mổ thủ công, nhỏ lẻ và nhập từ các tỉnh...

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công rất đa dạng, không có địa điểm cố định, rải rác trong khu dân cư tại các huyện, thị xã (trừ huyện Thanh Trì không còn giết mổ nhỏ lẻ). Một số cơ sở giết mổ hoạt động theo mùa vụ nên gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Đây là nguồn lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về những khó khăn trong quản lý hoạt động giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Mê Linh Vũ Sỹ cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 40 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phân tán, quy mô của các hộ chỉ từ 5 đến 20 con lợn/ngày; gà khoảng vài chục con/ngày. Một số xã chưa quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra xử lý vi phạm về quản lý giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm vệ sinh thú y, mất an toàn vệ sinh thực phẩm...

Trong khi các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hoạt động hết công suất thì các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công tập trung hoạt động chỉ đạt từ 15 đến 30% công suất, thậm chí có cơ sở đã ngừng hoạt động. Từ thực tế giết mổ, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) Đào Quang Vinh cho biết, công ty đầu tư khoảng 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy với công suất giết mổ 600 con lợn/ngày, nhưng đến nay chỉ giết mổ khoảng 200 con/ngày, đạt 30% công suất, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất.

Để kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm cung cấp trên địa bàn thành phố và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở tham mưu đề xuất thành phố hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt việc rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các điểm quy hoạch giết mổ công nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị khép kín. Mỗi huyện có các điểm giết mổ tập trung, từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện có ở từng địa phương. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ hình thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch; tích cực tìm kiếm, thu hút, giới thiệu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung...

"Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để tạo điều kiện cho các cơ sở này hoạt động hết công suất theo thiết kế. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư; đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật", ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ cơ sở giết mổ tập trung ở huyện Gia Lâm, kiến nghị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm: Giải pháp quan trọng phòng, chống dịch bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.