Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản xuất giống vật nuôi ở Hà Nội: Tạo đột phá từ nguồn giống chất lượng cao

Ngọc Quỳnh| 10/07/2019 08:32

(HNM) - Với những giải pháp mang tính đột phá về công nghệ sản xuất con giống chất lượng cao trong chăn nuôi, Hà Nội đã trở thành nguồn cung chính về giống gia súc, gia cầm cho cả nước... Cũng từ nguồn con giống này, ngành chăn nuôi của thành phố đã phát triển ngày càng hiệu quả và bền vững hơn.

Mô hình nuôi bò lai F1 BBB tại xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) cho hiệu quả kinh tế cao.         Ảnh: Hữu Tiệp

Nhiều giống mới chất lượng cao

Trong chăn nuôi, con giống đóng vai trò quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì vậy, hơn 10 năm qua, Hà Nội luôn định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống chất lượng cao. Trung bình mỗi năm, các trang trại chăn nuôi sản xuất hơn 4 triệu con lợn giống, nâng tỷ lệ lợn nuôi bằng giống chất lượng cao trên địa bàn thành phố chiếm hơn 90%/tổng đàn. Đối với gia cầm, trung bình mỗi năm thành phố sản xuất 100 triệu con gia cầm giống chất lượng, đưa tỷ lệ sử dụng giống chất lượng trong chăn nuôi gà công nghiệp chiếm 45%/tổng đàn, gà ta là 55%/tổng đàn.

Điểm sáng trong bức tranh sản xuất giống vật nuôi của Hà Nội là đã thực hiện thành công Dự án lai tạo giống bò thịt BBB trên nền đàn bò lai Sind thành đàn bò lai F1 BBB hướng thịt. Dự án này đã tạo ra 130.000 con bê F1 BBB. Hiện nay, sản xuất giống bò lai F1 BBB của Hà Nội không những đáp ứng đủ nhu cầu phát triển chăn nuôi của người dân trên địa bàn thành phố mà còn cung cấp 50% con giống cho các tỉnh, thành phố của cả nước, với giá bán bê giống F1 BBB cao hơn các giống khác từ 5 đến 7 triệu đồng/con.

Nhờ tích cực đưa con giống chất lượng vào chăn nuôi, nhiều hộ ở khu vực ngoại thành đã vươn lên làm giàu. Bà Nguyễn Thị Hân ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) chia sẻ: “Trung bình mỗi năm gia đình nuôi 10 con bê F1 BBB. Bê tăng trọng bình quân từ 26 đến 28kg/tháng, cá biệt có con tăng trọng 30kg/tháng, dễ nuôi, phàm ăn, lớn nhanh, trọng lượng xuất chuồng từ 1.100 đến 1.250kg/con... Sau khi trừ chi phí, gia đình thu về khoảng 100 triệu đồng”. Còn ông Nguyễn Văn Hải, chủ trang trại chăn nuôi gia súc ở xã Hữu Văn (huyện Chương Mỹ) cho biết, hiện nay, nhiều giống lợn nhập nội đã được lai tạo với giống bản địa, nên trang trại của ông đã nhập khoảng 3.000 lợn thịt giống Landrace về nuôi. Mỗi năm, trang trại thu lãi hàng tỷ đồng.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hà Tiến Nghi cho biết, nét nổi bật của Hà Nội là tăng cường đưa giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, cùng với đó, duy trì và phát triển các giống bản địa. Đơn cử, trong việc sản xuất giống gia cầm, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi tập trung chọn tạo giống bản địa, gồm: Gà ri, gà Mía, vịt cỏ…, đồng thời nhập nội giống gia cầm bố mẹ.

Đáng chú ý, để chủ động tạo nguồn con giống chất lượng, thành phố đã có chính sách hỗ trợ 100% tinh nhân tạo cho các trang trại chăn nuôi cùng vật tư, dụng cụ, thiết bị phục vụ việc thụ tinh nhân tạo và tiền công cho dẫn tinh viên... Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người dân về chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi theo từng công đoạn để đạt năng suất ở mức tốt nhất.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, thông qua các chương trình, dự án, sản xuất con giống của Hà Nội đã đáp ứng đủ nhu cầu phát triển chăn nuôi đại trà trên địa bàn thành phố, ngoài ra còn cung cấp số lượng lớn giống gia súc, gia cầm cho các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hướng tới sản xuất giống hiện đại

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh cho hay, với sự chỉ đạo sát sao của Hà Nội trong định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống chất lượng, đến nay, Hà Nội là địa phương tiên phong trong việc đưa công nghệ cao vào chăn nuôi với 88% là lợn giống ngoại và tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt, Hà Nội dẫn đầu cả nước về phát triển giống bò thịt BBB, Wagyu… cung cấp nguồn giống chất lượng cao cho các tỉnh, thành phố.

Là doanh nghiệp tham gia sản xuất giống gia súc, ông Bùi Đại Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội cho biết: Sau khi thực hiện thành công Dự án lai tạo giống bò thịt BBB trên nền đàn bò lai Sind thành đàn bò lai F1 BBB hướng thịt, thành phố tiếp tục giao công ty nhập khẩu trang thiết bị tiên tiến nhất để bảo quản, thụ tinh giống cho bò. Để công tác phát triển giống nói chung và giống bò nói riêng, ông Bùi Đại Phong đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm, ủng hộ để thành phố Hà Nội trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, cung ứng giống, tinh, phôi giống vật nuôi năng suất chất lượng cao và là nơi chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong phát triển chăn nuôi...

Để thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất giống gia súc, gia cầm hàng đầu của cả nước, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục hỗ trợ các trang trại thụ tinh nhân tạo cho 100% đàn bò sữa, bò thịt tại các xã trọng điểm với các giống bò chất lượng cao như: Wagyu, BBB… Mặt khác, Hà Nội chú trọng phát triển đàn lợn nái ngoại và nái thuần với mục tiêu năm 2020 chiếm hơn 90% tổng đàn và chiếm 95% vào năm 2030; đồng thời phát triển 5% đàn lợn nái giống bản địa; trong chăn nuôi gia cầm, duy trì các giống bản địa do phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

“Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung xây dựng vùng trọng điểm chuyên canh sản xuất giống nhằm đáp ứng phát triển giống tại chỗ và cung cấp cho các tỉnh, thành phố; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư chọn tạo, sản xuất giống gia súc, gia cầm theo hướng hiện đại; xây dựng thương hiệu cho một số giống vật nuôi chất lượng cao, như: Bò BBB, gà Mía Sơn Tây…, qua đó tạo sự phát triển bền vững, hiệu quả” - ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất giống vật nuôi ở Hà Nội: Tạo đột phá từ nguồn giống chất lượng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.