Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các tỉnh phía Nam: Tích cực gỡ "thẻ vàng" thủy sản của EC

Phương Nam| 27/09/2019 07:36

(HNM) - Tháng 11-2019, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ quay lại Việt Nam xem xét kết quả khắc phục việc bị phạt "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) mà EC áp dụng từ tháng 10-2017. Trước động thái đó, nhiều địa phương phía Nam đang tích cực triển khai các giải pháp để sớm thoát khỏi án phạt này.

Nhiều địa phương phía Nam đẩy nhanh việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá, chống đánh bắt trái phép.

Vẫn còn vi phạm

Theo thuật ngữ quốc tế, IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm 3 tiêu chuẩn với hàng hải sản nhập khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, thứ nhất, IUU cấm các tàu cá đánh bắt thủy sản ở những vùng biển trái phép hoặc cấm đánh bắt. Thứ hai, những hoạt động khai thác hải sản cần được báo cáo với cơ quan chức năng nhằm tuân thủ pháp luật trong nước và quốc tế. Cuối cùng, các tàu đánh cá phải treo cờ của một quốc gia nào đó và không được khai thác hải sản quá mức.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị "thẻ đỏ". Khi bị "thẻ đỏ", tất cả sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU và một số quốc gia khác...

Dự kiến tháng 11-2019, Đoàn kiểm tra của EC sẽ quay lại Việt Nam xem xét việc khắc phục các tồn tại. Vì thế, một trong những khuyến cáo quan trọng của EC với Việt Nam là phải chấm dứt việc tàu thuyền đánh cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Vậy nhưng, tình hình vi phạm trong thời gian qua vẫn diễn biến khá phức tạp. Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản, từ đầu năm 2019 đến nay, tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp (16 vụ/26 tàu/96 ngư dân vi phạm). Các tỉnh có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý gồm: Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang...

Đơn cử vừa qua, 2 tàu đánh bắt cá xa bờ của tỉnh Bình Thuận là tàu BTh-96171 và tàu BTh-97521 đã cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài ở phía Nam Biển Đông, bị giới chức nước sở tại bắt giữ và thông báo về Việt Nam. UBND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định loại 2 tàu này khỏi danh sách tàu đánh bắt khơi xa của tỉnh.

Đẩy nhanh lắp đặt thiết bị giám sát

Theo Tổng cục Thủy sản, Thái Lan và Philippines cũng từng bị EC phạt "thẻ vàng" và đã được gỡ thẻ bằng cách đầu tư kinh phí, thực hiện nghiêm việc lắp thiết bị giám sát tàu cá. Nhờ đó, đã hạn chế được việc đánh bắt cá trái phép.

Trước thực tiễn về tình hình khai thác thủy sản của các tỉnh phía Nam, nhiều tỉnh như Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá. Theo Luật Thủy sản 2017 (hiệu lực từ ngày 1-1-2019), tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình để quản lý trong quá trình khai thác thủy sản. Cụ thể, với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1-7-2019; tàu cá làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài từ 15m đến dưới 24m phải được lắp đặt trước ngày 1-1-2020; tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m phải được lắp đặt trước ngày 1-4-2020.

Quy định là thế, nhưng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 6 tháng đầu năm 2019, cả tỉnh mới có 614/2.900 tàu cá đánh bắt xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tàu cá dài trên 24m chỉ mới có 134/277 tàu cá đã lắp thiết bị. Nói về nguyên nhân, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, nhiều chủ tàu vẫn xem nhẹ, thậm chí cảm thấy phiền phức khi phải lắp đặt loại máy này vì tọa độ đánh bắt của họ sẽ bị thông báo về cơ quan quản lý. Khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND. Theo đó, chậm nhất đến ngày 1-4-2020, toàn bộ tàu cá của tỉnh sẽ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và phải bật 24/24 giờ để cơ quan chức năng kiểm soát. "Nếu chủ tàu vi phạm, sẽ bị xử phạt từ 300 đến 500 triệu đồng, theo Nghị định 42/2019/ NĐ-CP ngày 16-5-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản", ông Nguyễn Đức Hoàng nói.

Còn tại Bình Thuận, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Tỉnh có 33/33 tàu cá trên 24m đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Riêng tàu cá từ 15m đến 24m, mới có vài chục chiếc trên tổng số gần 2.000 chiếc gắn thiết bị này. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến cuối tháng 10-2019, sẽ có 400 tàu gắn giám sát hành trình; tới tháng 4-2020, 100% tàu cá gắn thiết bị giám sát hành trình.

Riêng tại Bình Định, theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 546 tàu cá được lắp đặt máy định vị vệ tinh Movimar, đạt 100% tiến độ với tàu cá từ 24m trở lên. Toàn tỉnh có 2.850 tàu cá chiều dài từ 15m đến dưới 24m; trong đó, có 2.200 tàu được hỗ trợ lắp đặt thiết bị VX-1700 (máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa tích hợp định vị vệ tinh GPS) để giám sát việc nhắn tin về trạm bờ... hơn 650 tàu còn lại sẽ sớm được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá.

Như vậy, thời gian để hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu thuyền đánh bắt hải sản không còn nhiều. Do đó, rất cần sự tuyên truyền, vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các sở, ngành, đơn vị chức năng để người dân nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân trong việc gỡ "thẻ vàng", hướng đến phương thức khai thác thủy sản bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tỉnh phía Nam: Tích cực gỡ "thẻ vàng" thủy sản của EC

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.