Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cải tiến khâu chế biến để tránh tình trạng "được mùa mất giá"

PV HNMO| 06/11/2019 09:53

(HNMO) - Sáng 6-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là trưởng ngành đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, xoay quanh các vấn đề được cử tri quan tâm như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; phát triển thị trường nông sản; phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn.

Giải pháp để tránh tình trạng "được mùa mất giá", giải cứu nông sản

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi) nêu câu hỏi về giải pháp nhằm thu hút doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào ngành nông nghiệp và nông thôn.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong vòng 3 năm qua, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tăng hơn 3 lần, từ hơn 3.000 lên khoảng 11.800 doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có 48.000 doanh nghiệp đầu tư gián tiếp, nhiều tập đoàn lớn đã hướng tới khu vực nông nghiệp, tạo nên chuỗi liên kết ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực này. 

“Đây là thành công lớn của Chính phủ. Các doanh nghiệp này được rải khắp các vùng miền, trên tất cả các lĩnh vực từ sản xuất trực tiếp tới chế biến và tổ chức thương mại. Nhưng con số này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường với 86 triệu dân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình).

Cũng liên quan tới vấn đề sản xuất nông nghiệp, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) nêu thực trạng, chỉ có 30% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hợp tác xã là loại hình kinh tế phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay và về lâu dài. Sau 5 năm triển khai, cả nước có 14.800 hợp tác xã, trong đó có hơn một nửa được thành lập hoàn toàn theo luật mới.  

“Số hợp tác xã này sẽ từng bước trở thành hạt nhân, có sự lan tỏa tốt. Số hợp tác xã còn lại cần thay đổi phương thức quản trị, hoạt động để phù hợp với luật mới. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục khuyến khích các hợp tác xã mới hoạt động hiệu quả hơn và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với hợp tác xã kiểu cũ”, Bộ trưởng khẳng định.

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Chau Chắc (Đoàn An Giang), đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) và đại biểu Ngô Thanh Danh (Đoàn Đắk Nông) về tình trạng giá nông sản còn bấp bênh, tình trạng được mùa mất giá và giải cứu nông sản còn tái diễn ở nhiều địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề xuất các giải pháp bao gồm tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh khâu chế biến và tổ chức thương mại. Theo Bộ trưởng, khâu chế biến và tổ chức thương mại hiện còn bộc lộ sự bất cập. Một số mặt hàng phát triển quá nóng, ví dụ sản lượng hạt tiêu lên tới 350.000 tấn, chiếm 60% sản lượng thế giới, dẫn tới dư thừa.

Bộ trưởng cho rằng, sản xuất nông nghiệp phải tuân thủ theo cơ chế thị trường. Trong thời gian tới, cần rà soát lại để giảm các diện tích canh tác kém hiệu quả, phát triển lợi thế, tổ chức chế biến sâu, mời một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới vào lĩnh vực chế biến để bảo đảm hiệu quả sản xuất bền vững...

Chênh lệch vùng miền trong xây dựng nông thôn mới

Đặt câu hỏi về chất lượng, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới, đại biểu Phạm Văn Tuân (Đoàn Thái Bình) cho rằng, các thiết chế hạ tầng nông thôn đã được xây dựng nhưng chưa thực sự chuyển biến trong sản xuất, vẫn còn hạn chế về vấn đề môi trường, và chất vấn Bộ trưởng về các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, bên cạnh những thành tựu bứt phá về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì vẫn có một số vấn đề còn tồn tại, như đời sống của người dân còn ở mức thấp, môi trường sản xuất còn nhiều vấn đề, sự liên kết chuỗi ở nông thôn đã được định dạng nhưng chưa phổ biến, có tình trạng người dân không mặn mà với ruộng đất...

Tới đây, ngành nông nghiệp cùng các ngành khác sẽ tham mưu chính phủ định dạng, tập trung nguồn lực, giải pháp để giải quyết các nút thắt nhằm thúc đẩy sản xuất, tổ chức sản xuất lớn, phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau) đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng việc cải thiện thu nhập của người dân và giảm hộ nghèo đạt kết quả chưa cao, vẫn còn sự chênh lệch về vùng miền, giàu nghèo, nông thôn và thành thị.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng thừa nhận, đến nay, 52,4% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng các vùng miền có sự khác biệt rõ rệt. Một số khu vực như Tây Bắc, Tây Nam Bộ đạt tỷ lệ số xã đạt chuẩn thấp, đi kèm với các thiết chế hạ tầng xã hội cũng kém hơn. 

“Các vùng này “lõm” về kinh tế, văn hóa, xã hội và y tế. Trong chính sách về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 sẽ có sự điều chỉnh để giảm dần khoảng cách, tiến tới sự đồng đều giữa các khu vực”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Hạn chế đánh bắt xa bờ, tập trung phát triển nghề nuôi biển

Về vấn đề phát triển ngành thủy, hải sản, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Ninh Bình) băn khoăn về thực trạng khai thác nguồn lợi thủy sản chủ yếu do kinh nghiệm của chính người dân, cần phải có giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng, kỹ thuật đánh bắt cá của ngư dân.

Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, tổng phương tiện đánh bắt cá vào khoảng 96.000 tàu, trong đó có khoảng 2.600 phương tiện rất hiện đại, trang bị máy dò cá nên sản lượng khai thác cao. Các phương tiện dưới 15m có trang thiết bị còn lạc hậu, nên năng suất khai thác và hiệu quả kinh tế chưa cao. 

Đại biểu Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) lo ngại về tình trạng tổng lượng khai thác thủy sản vượt công suất. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, hiện đang xảy ra tình trạng khai thác thủy, hải sản với sản lượng lớn hơn tiềm năng. 

“Vì vậy, chủ trương của Chính phủ, trước mắt là tăng cường cơ cấu lại theo hướng không tăng sản lượng khai thác nhưng đi vào chuỗi giá trị chế biến, không khai thác nhiều mà tập trung nuôi biển để phát triển bền vững ngành thủy, hải sản”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, ngành thủy sản cần tổ chức sản xuất theo chuỗi trên biển, tập trung phát triển công nghệ chế biến, phát triển thị trường theo hướng chú trọng thị trường cả trong và ngoài nước.

Cùng tham gia trả lời chất vấn trong sáng nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng thông tin về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chính sách cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Theo đó, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP hiện khoảng 10.500 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 33%. Từ cuối năm 2018, NHNN đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp tháo gỡ.

NHNN hiện đang chủ động phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá; hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất khai thác hiệu quả, bền vững cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho ngư dân vay vốn, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước, nợ lãi sau…

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng tham gia trả lời với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về một số câu hỏi đại biểu nêu về chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cải tiến khâu chế biến để tránh tình trạng "được mùa mất giá"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.