Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới: Sớm khơi thông những "điểm nghẽn"

Đỗ Minh| 07/02/2020 07:13

(HNM) - Thời gian qua, mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới đã phát huy hiệu quả tích cực, là cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững... Để tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mô hình này, thành phố Hà Nội cần tập trung tháo gỡ một số điểm nghẽn…

 Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã đổi mới công tác tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Trong ảnh: Mô hình trồng rau thủy canh theo công nghệ hiện đại Israel của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì). Ảnh: Thái Hiền. 

Vẫn còn những "điểm nghẽn"...

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, hiện toàn thành phố có 1.015 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 89 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi liên kết, 60 hợp tác xã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, hữu cơ... Những năm gần đây, việc đổi mới, thành lập các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới (Hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012) tại Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các hợp tác xã đã làm tốt công tác tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm…

Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp cho thấy vẫn còn một số "điểm nghẽn" cần tháo gỡ. Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Trung Thành, "điểm nghẽn" lớn nhất trong việc phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực có trình độ... Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm, khả năng ứng dụng công nghệ cũng là vấn đề đặt ra với nhiều hợp tác xã nông nghiệp hiện nay.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết: Cơ sở vật chất, hạ tầng đang là khó khăn của hợp tác xã nông nghiệp. Toàn huyện có 80 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập mới, đổi mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 thì có 59 hợp tác xã phải hoạt động nhờ tại trụ sở UBND xã, đình làng…

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Hồng cho hay: Hợp tác xã đã xây dựng được khu nhà lưới rộng 2.600m2 trồng rau thủy canh theo công nghệ hiện đại của Israel. Đầu tư công nghệ cao cần số vốn lớn, tuy nhiên khi vay vốn, các đơn vị tín dụng yêu cầu phải có "sổ đỏ" làm tài sản thế chấp… nhưng toàn bộ diện tích sản xuất của hợp tác xã là đi thuê, trụ sở làm việc được đặt trong khu sản xuất nên không có tài sản thế chấp để vay vốn. 

Còn với đầu ra của sản phẩm, dù nhiều hợp tác xã đã chuyển đổi sản xuất theo quy trình sạch, an toàn nhưng việc tiêu thụ còn khó khăn… Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) Lê Văn Lanh băn khoăn: Sản phẩm bưởi Diễn của hợp tác xã đã có thương hiệu, sản xuất theo quy trình VietGAP nhưng nhiều năm qua, gần như toàn bộ sản phẩm do các xã viên tự tiêu thụ qua thương lái, chưa có hợp đồng tiêu thụ với đầu mối lớn, ổn định để xã viên yên tâm sản xuất…

Mô hình trồng rau theo quy trình VietGAP của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Khuê Diệp

... Nhiều giải pháp khơi thông 

Để khơi thông những "điểm nghẽn" đang đặt ra đối với hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, nhằm hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp phát triển, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai thành lập các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới theo tiêu chí số 13 (hình thức tổ chức sản xuất) về xây dựng nông thôn mới. Trong năm nay sẽ phối hợp với Liên minh Hợp tác xã thành phố hỗ trợ thành lập 50 hợp tác xã tại các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, nguồn vốn từ các chương trình khuyến nông, xây dựng nông thôn mới…

Về nguồn vốn cho các hợp tác xã nông nghiệp, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã thành phố Hà Nội Vũ Mạnh Nam cho hay, hiện quỹ có tổng nguồn vốn 125 tỷ đồng. Trong năm 2020, quỹ sẽ giải ngân tối đa cho các hợp tác xã nguồn vốn này và vốn vay từ Chương trình quốc gia về giải quyết việc làm; đồng thời đơn giản hóa các thủ tục vay vốn…

Còn Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Lê Văn Thư cho biết, Liên minh sẽ bám sát việc thực hiện sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 để vận dụng cơ chế mới, tạo động lực phát triển cho các hợp tác xã; phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các chủ thể này thuê đất đầu tư kinh doanh, sản xuất; thực hiện các quy định ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí theo hướng thấp hơn mức áp dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa… 

Với vấn đề tích tụ ruộng đất, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Lê Văn Thư cho rằng, các hợp tác xã cần căn cứ vào quy hoạch của địa phương để có phương án tích tụ ruộng đất phù hợp. Mặt khác, các huyện sớm rà soát quỹ đất để bố trí trụ sở, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hợp tác xã làm căn cứ vay vốn… Cùng quan điểm đó, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy chia sẻ, căn cứ vào quy hoạch vùng sản xuất, huyện sẽ làm đầu mối kết nối người dân và hợp tác xã để thu hút nguồn lực, tạo quỹ đất lớn thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, mở rộng các vùng chuyên canh theo hướng hàng hóa...

Từ thực tế hoạt động tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, huyện sẽ rà soát quỹ đất công và các nguồn quỹ đất khác để bố trí trụ sở làm việc cho các hợp tác xã, giúp các hợp tác xã có cơ sở vay vốn phát triển… Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, doanh nghiệp… tổ chức hội chợ, tham gia chương trình xúc tiến thương mại, tham gia hội thảo giữa các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội đầu tư cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã…

Các giải pháp trên được kỳ vọng sẽ giúp các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới vượt qua vướng mắc, khó khăn, lớn mạnh hơn nữa, đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới: Sớm khơi thông những "điểm nghẽn"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.