Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng nông sản Hà Nội: Một hướng đi, hai đích đến

Đỗ Minh| 10/02/2020 06:37

LTS: Hà Nội có nhiều nông sản đặc sản như: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn... Dù những năm gần đây nông sản Hà Nội đã chinh phục được một số thị trường kỹ tính như: Mỹ, Nhật Bản, Australia..., song sản lượng chưa nhiều. Để phát huy thế mạnh, với hai mục tiêu là phục vụ thị trường xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thành phố, Hà Nội sẽ kiên trì hướng đi nâng cao chất lượng nông sản. Làm rõ vấn đề này, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt 2 bài “Nâng cao chất lượng nông sản Hà Nội: Một hướng đi, hai đích đến”.

Trang trại trồng hoa lan tại Hợp tác xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng được đầu tư  theo mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Vũ Sinh

Bài đầu: Lời giải cho "bài toán" xuất khẩu nông sản

Không thể phủ nhận, nông sản của Hà Nội đa dạng, chất lượng cao và đã có sản phẩm bước được vào những thị trường khó tính trên thế giới. Song, bài toán xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội cần được đặt ra khi sản lượng của những sản phẩm đó còn hạn chế. Vậy đâu là vấn đề cốt lõi cho việc giải bài toán này?  

Tiềm năng đã được khẳng định

Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều nông sản - đặc sản, có giá trị cao như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, hồng xiêm Xuân Đỉnh… Năm 2018, 19 tấn nhãn chín muộn đầu tiên của Hà Nội được xuất sang thị trường Mỹ và châu Âu sau khi đã đáp ứng được hàng loạt đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Nối tiếp thành công đó, 1 tấn nhãn chín muộn của Hà Nội tiếp tục được xuất sang thị trường Australia trong năm 2019. “Dù số lượng còn khiêm tốn nhưng trái nhãn đã khẳng định vị thế khi chinh phục được các thị trường khó tính” - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết. 

Ngoài trái cây, năm 2019, một số nông sản khác của Hà Nội, như hoa, gạo... cũng đã thâm nhập thành công thị trường quốc tế. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư và Giống cây trồng Hà Nội Nguyễn Xuân Trường, đơn vị đã xuất khẩu 10.000 bông cúc sang Nhật Bản. Đây là giống hoa được nuôi cấy mô và trồng trong nhà kính với quy trình giám sát nghiêm ngặt.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và Phát triển dược liệu Sóc Sơn Nguyễn Thanh Tuyền thông tin, các chuyên gia về thảo dược của Nhật Bản đã sang thăm, kiểm tra thực tế mô hình sản xuất và đánh giá rất cao sản phẩm trà hoa vàng do hợp tác xã chế biến...

Từ thực tế này có thể khẳng định, sản xuất hữu cơ, theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông sản Hà Nội hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của những thị trường kỹ tính bậc nhất thế giới.

Vì sao chưa thể nhân rộng?

Nông sản của Hà Nội đã bước đầu chinh phục được thị trường quốc tế nhưng nếu đánh giá về kim ngạch xuất khẩu thì giá trị đạt được còn khiêm tốn, nhất là khi đặt trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản chung của cả nước và trong bối cảnh Hà Nội có nhiều lợi thế về cơ sở nghiên cứu, về ứng dụng khoa học - công nghệ... để phát triển các mô hình sản xuất hiện đại. 

Đoàn chuyên gia của Nhật Bản khảo sát mô hình trồng chuối tại huyện Ba Vì.

Về thực tế này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ lý giải, căn cứ điều kiện thực tế, Hà Nội đang hướng tới xây dựng nền nông nghiệp đô thị sinh thái gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, mục tiêu đầu tiên là cung ứng cho thị trường Hà Nội những sản phẩm chất lượng, an toàn. Đồng thời, nghiên cứu để lựa chọn những sản phẩm có thế mạnh, có diện tích sản xuất đủ lớn để đáp ứng bền vững những đơn hàng xuất khẩu cho thị trường thế giới…

“Việc xuất khẩu được tính toán trên cơ sở cân đối thị trường trong, ngoài nước và xuất khẩu nông sản sẽ dựa trên thế mạnh của từng vùng, miền. Điều này chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm từ tỉnh Lâm Đồng trong tận dụng điều kiện tự nhiên để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và xuất khẩu; còn các tỉnh Hòa Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn, Sơn La… có quỹ đất để hợp tác đầu tư mô hình sản xuất lớn” - Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ nói.

Điều này là có căn cứ bởi lẽ, hiện nay ngoài các mặt hàng thịt lợn, thịt gà, rau củ, trứng gia cầm, Hà Nội có thể đáp ứng khoảng 60-65% nhu cầu; các loại nông sản khác như gạo, trái cây, thịt bò mới chỉ đáp ứng từ 15% đến 35% nhu cầu của thị trường… Do vậy, ngoài mục đích xuất khẩu, ngành Nông nghiệp sẽ phải tập trung giải quyết bài toán về đáp ứng nhu cầu thị trường nội đô, tiếp tục liên kết với các tỉnh, thành đưa nông sản về Hà Nội. 

Từ góc nhìn của người sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt nói: Mỗi năm, hợp tác xã sản xuất 225 tấn lúa hữu cơ, theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Sản phẩm chưa cung ứng đủ cho các đơn hàng của công ty, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của thành phố. Thêm nữa, giá gạo xuất khẩu không chênh lệch nhiều so với giá bán trong nước nên hợp tác xã còn băn khoăn trong lựa chọn thị trường…

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Thị Thúy Hằng, Giám đốc Chuỗi cửa hàng nông sản hữu cơ Moomoo Farmily chia sẻ: Hiện nguồn cung thực phẩm sạch, hữu cơ có nguồn gốc tại Hà Nội còn ít, do vậy, trước mắt cần ưu tiên cho thị trường tại chỗ. Về lâu dài nên định hướng phát triển mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ mà Hà Nội có lợi thế, vừa đáp ứng thị trường trong nước, vừa tính đến việc xuất khẩu.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chủ động chuyển hướng sang sản xuất chất lượng, nhưng mới chỉ dừng lại ở cung ứng cho thị trường nội địa… Một vài sản phẩm thông qua doanh nghiệp đã xuất khẩu ra thị trường thế giới, song những hạn chế trong sơ chế, bảo quản đang là rào cản của nông sản Hà Nội. Để hướng tới xuất khẩu, các vùng sản xuất phải cần khu bảo quản, sơ chế sản phẩm với vốn đầu tư khá lớn… Trong khi số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội còn hạn chế, phần lớn dừng ở các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ…

Như vậy có thể thấy, nông nghiệp Hà Nội có những đặc thù, những khó khăn riêng; do vậy, cần có hướng đi riêng để đáp ứng nhu cầu nông sản chất lượng cao của thành phố cũng như chinh phục các thị trường thế giới. “Hà Nội sẽ phát triển những sản phẩm có thế mạnh với yêu cầu diện tích phù hợp với các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ… từ đó đáp ứng cả thị trường trong nước và xuất khẩu”- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường khẳng định.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng nông sản Hà Nội: Một hướng đi, hai đích đến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.