Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản

Minh Phú| 02/10/2020 16:42

Ngày 2-10, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Hội thảo triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Nghị định 98/2018/NĐ-CP ra đời đã tạo động lực rất lớn để phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như: Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hạ tầng phục vụ liên kết; khuyến nông, đào tạo, tập huấn; giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm... Đối với thành phố Hà Nội, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mang lại giá trị bền vững và thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường phát biểu tại hội thảo.

Triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay, thành phố Hà Nội đã tổ chức được 3 hội nghị, mỗi hội nghị có 350 người tham gia, bao gồm các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất... trên địa bàn thành phố.

Sau khi tổ chức các hội nghị, đã có hơn 20 chủ thể liên hệ với Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội để được hỗ trợ tư vấn về xây dựng dự án liên kết và trình tự, thủ tục lập hồ sơ đăng ký hỗ trợ dự án liên kết. Đến nay, đã có 17 đơn vị xác định lập dự án và tiến hành thuê tư vấn xây dựng dự án liên kết.

Dự kiến, trong 3 tháng cuối năm, thành phố sẽ thẩm định, xét duyệt hỗ trợ cho 3-5 dự án liên kết chuỗi; đồng thời, tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại lập kế hoạch liên kết…

Quang cảnh hội thảo.

Đối với cấp huyện, một số huyện đã chỉ đạo xây dựng các mô hình liên kết, đề án liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương giai đoạn 2015-2020 trước khi Nghị định số 98/2018/NĐ-CP được triển khai. Tiêu biểu như huyện Thanh Trì đã triển khai 2 chuỗi liên kết trong sản xuất rau an toàn và thịt lợn; huyện Thường Tín đã xây dựng 16 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 12 chuỗi liên kết trong trồng trọt, chăn nuôi và giết mổ; huyện Chương Mỹ xây dựng Đề án “Phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững huyện Chương Mỹ giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”...

Các mô hình liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản giúp người sản xuất thuận lợi, tránh rủi ro “được mùa - mất giá”. Bên cạnh đó, triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, các huyện, thị xã cũng đã niêm yết quy trình thủ tục hành chính; xây dựng quy chế hoạt động của Hội đồng thẩm định cấp huyện để thẩm định hồ sơ các dự án đề nghị hỗ trợ…

Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ) đã xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản.

Tham luận tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ là chính sách mới, các cấp tổ chức triển khai thực hiện còn lúng túng. Bên cạnh đó, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình có liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp còn chưa tích cực, chủ động nghiên cứu, tiếp cận chính sách hỗ trợ theo Nghị định trên nên hiệu quả còn hạn chế. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Nghị định này trên địa bàn thành phố còn chậm.

Theo ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), các điều kiện để được hưởng hỗ trợ từ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP đối với hợp tác xã còn những bất cập. Ví dụ, để được hỗ trợ, các bên tham gia liên kết phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có giấy chứng nhận hoặc cam kết bảo đảm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên quỹ đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp và quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp bị điều chỉnh; nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả không được phê duyệt quy hoạch sản xuất…

Để tháo gỡ khó khăn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về việc triển khai thực hiện các nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND thành phố liên quan đến việc khuyến khích, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường tuyên truyền, tập huấn Nghị định số 98/2018/NĐ-CP tới các doanh nghiệp, hợp tác xã được đánh giá phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và thực hiện tốt liên kết chuỗi trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, coi đây là lực lượng nòng cốt triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Chi cục sẽ tổng hợp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định, báo cáo Sở NN&PTNT, UBND thành phố để phản ánh tới các cơ quan có thẩm quyền, kịp thời bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện chính sách bảo đảm phù hợp thực tiễn... Các quận, huyện, thị xã cũng tập trung tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP trên địa bàn cấp huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.