Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để sinh viên hào hứng với nghiên cứu khoa học

Thu Hằng| 21/02/2023 06:22

(HNM) - Nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động quan trọng nhất của sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, hoạt động này chưa đáp ứng được kỳ vọng, mới chỉ dừng lại ở một bộ phận sinh viên nhất định. Để thúc đẩy sinh viên hào hứng tham gia nghiên cứu khoa học rất cần sự quan tâm, chung sức của nhà trường và doanh nghiệp.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội thuyết trình một đề tài nghiên cứu khoa học.

Thiếu cơ chế thu hút nghiên cứu

Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên ngày càng phát triển với số lượng đề tài nghiên cứu tăng. Nhiều trường đại học, cao đẳng đã có các hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy tinh thần nghiên cứu khoa học trong sinh viên như: Thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học; tổ chức các cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm dành cho giảng viên, sinh viên và doanh nghiệp... Qua đó, sinh viên được thỏa sức sáng tạo, góp phần ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Là đơn vị đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu công nghệ kỹ thuật, năm 2022, Đại học Bách khoa Hà Nội đã thu hút gần 800 sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Nhà trường đã nhận được gần 300 công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên thuộc 22 phân ban.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu (Đại học Bách khoa Hà Nội), mặt bằng chung về chất lượng nghiên cứu khoa học của sinh viên được nâng cao qua từng năm. Các nhóm sinh viên tham gia nghiên cứu trải rộng từ sinh viên năm cuối của chương trình kỹ sư 5 năm tới sinh viên mới vào trường.

“Các đề tài nghiên cứu của sinh viên ngày càng gắn liền với các vấn đề cấp thiết của xã hội, có khả năng ứng dụng và chuyển giao cao. Nhiều đề tài được doanh nghiệp quan tâm đặt hàng và trao thưởng vì tính thiết thực của sản phẩm. Những đổi mới này thể hiện sức sống ngày càng trẻ và mới mẻ của ngọn lửa đam mê khoa học trong cộng đồng sinh viên Bách khoa”, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết.

Bên cạnh những thành công nhất định, vẫn chưa có nhiều sinh viên thật sự say mê, hào hứng với hoạt động nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ sinh viên quan tâm đến nghiên cứu khoa học còn thấp, nhiều đề tài nghiên cứu có chất lượng không cao. Qua thực tế của một trường đại học ở Hà Nội, chỉ có 1/10 các đề tài nghiên cứu được giao là được sinh viên chủ động tiếp nhận. Số còn lại là phải phân công và vận động sinh viên tham gia.

Một trong những lý do chính dẫn đến những khó khăn của sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học là tính chủ động của bản thân mỗi bạn trẻ trong học tập chưa cao. Sinh viên chỉ học bài và ôn bài khi chuẩn bị bước vào các kỳ thi mà chưa chủ động tìm tòi cơ hội được nâng cao kiến thức thực tiễn. Nhiều sinh viên xem nghiên cứu khoa học là khá xa vời, chỉ dành cho những sinh viên xuất sắc.

Bên cạnh đó, cũng chưa có những cơ chế thu hút sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học. Có không ít bạn trẻ chưa hiểu rõ nghiên cứu khoa học là như thế nào, không biết bắt đầu từ đâu hay nghiên cứu những gì.

Cần tạo động lực cho sinh viên

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, để thúc đẩy sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu khoa học, nhà trường còn tích cực tổ chức các hoạt động khoa học như: Cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ TECHSTART, cuộc thi sinh viên nghiên cứu BK-V.IDEAS, sáng tạo trẻ Bách khoa... nhằm giúp sinh viên khai phá tinh thần khởi nghiệp và kinh doanh.

Theo Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, các hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên luôn hướng đến sự đổi mới và sáng tạo. Theo đó, nhà trường khuyến khích, tạo động lực để sinh viên theo đuổi các đề tài nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hoạt động này không chỉ giúp sinh viên làm quen với công việc nghiên cứu, chủ động tư duy, sáng tạo, hình thành phương pháp làm việc khoa học mà thông qua đó còn có nhiều đề tài được chuyển giao công nghệ.

Trong số những đề tài được chuyển giao ấy, có không ít đề tài được chính doanh nghiệp đặt hàng sinh viên nghiên cứu. Việc nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp sẽ là hướng đi mới cho hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học, góp phần gia tăng hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu của sinh viên.

Để đỡ đầu cho các sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên, Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng cơ chế tài chính giúp các thầy/cô giáo có thể hình thành các công ty spin-off (công ty khởi nghiệp từ trường đại học dựa trên việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được hình thành từ các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của trường đại học đó), còn sinh viên có thể hình thành công ty khởi nghiệp; có những quỹ như BK-Fund tập hợp nguồn tài chính từ các cựu sinh viên, các doanh nghiệp.

"Chúng tôi kỳ vọng số lượng công ty khởi nghiệp và spin-off của trường ngày một nhiều hơn. Những công ty này sẽ có hoạt động về tài chính đóng góp ngược lại cho hệ sinh thái của Bách khoa", Phó Giáo sư Huỳnh Quyết Thắng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để sinh viên hào hứng với nghiên cứu khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.