Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh phát triển thương hiệu “nội”

Việt Nga| 28/12/2019 07:41

(HNM) - Những năm qua, ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp lớn vào xuất khẩu. Tuy nhiên, lĩnh vực này chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nắm giữ. Điều đó đòi hỏi thời gian tới các doanh nghiệp của nước ta phải đẩy mạnh triển khai chương trình "Make in Vietnam" (sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại Việt Nam)… để phát triển thương hiệu "nội".

Sản xuất điện thoại ở Nhà máy Sản xuất thiết bị điện thoại thông minh Vinsmart (Khu công nghệ cao Hòa Lạc).

Công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (gồm các ngành điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông) Việt Nam những năm gần đây trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Số liệu của Vụ Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, giai đoạn 2014-2019, ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông đã có những bước phát triển vượt bậc với tăng trưởng trung bình 31,1%/năm, đồng thời đã hình thành đội ngũ lao động công nghệ số với hơn 1 triệu người.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI (chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu). Các doanh nghiệp nội địa hiện chủ yếu tham gia vào khâu có giá trị gia tăng chưa cao, như lắp ráp phần cứng, gia công phần mềm và chưa có nhiều sản phẩm đặc sắc mang thương hiệu Việt.

Do vậy, cùng với việc phát động chương trình "Make in Viet Nam", Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng “Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0" (gọi tắt là dự thảo chương trình).

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin cho biết, dự thảo chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có khả năng chủ động, làm chủ công nghệ sản xuất các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế chủ đạo, có doanh thu cao, giá trị sản xuất lớn, là ngành xuất khẩu dẫn đầu, đóng góp lớn cho GDP cả nước. Cụ thể, đặt mục tiêu có 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Nâng cao sức cạnh tranh của 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó 50 doanh nghiệp đạt các chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng...

Theo dự thảo chương trình, mục tiêu chủ đạo là sẽ hình thành, phát triển các doanh nghiệp "Make in Vietnam", hay nói cách khác là các doanh nghiệp "nội" về lĩnh vực này. Để đạt được mục tiêu trên, theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), phải bắt đầu bằng việc phát triển có chất lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và coi đó là động lực phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông. Cùng với đó là đẩy mạnh khâu đào tạo để hình thành đội ngũ nhân lực chất lượng. 

Về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ CMC cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần xây dựng, tham mưu đề xuất để Chính phủ có chính sách hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ thông tin trong nước. Theo đó, các chính sách này phải khuyến khích sử dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được tạo ra trong nước. Cụ thể là xây dựng các chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm công nghệ thông tin sản xuất trong nước, có thương hiệu Việt Nam trong các công trình, hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước, Chính phủ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phát triển thương hiệu “nội”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.