Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội phát triển truyền hình trực tuyến

Việt Nga| 01/05/2020 07:54

(HNM) - Dịch Covid-19 xảy ra đã thúc đẩy phát triển các ứng dụng trực tuyến, trong đó có giải trí trực tuyến. Do vậy, đây là cơ hội không nhỏ cho các “nhà đài” phát triển dịch vụ truyền hình qua mạng internet (OTT)...

Theo số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), lưu lượng dữ liệu tháng 3-2020 tăng đột biến tới 90% so với tháng 2-2020. Lưu lượng dữ liệu tăng tập trung chủ yếu từ các ứng dụng trực tuyến, trong đó có giải trí trực tuyến. Một khảo sát công bố tháng 3-2020 của Công ty Dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me (trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, do thực hiện cách ly xã hội, hạn chế đi lại, tỷ lệ xem video tại nhà tăng tới 97%; trong đó xem phim dài tập, phim lẻ là 60%; âm nhạc 50%; xem chương trình giải trí, trò chơi truyền hình, chương trình thực tế 48%.

Theo Giám đốc Truyền hình FPT (Công ty cổ phần Viễn thông FPT - Tập đoàn FPT) Tô Nam Phương, lượt xem phim truyện tháng 3 trên ứng dụng FPT Play (truyền hình OTT) tăng gấp 5 lần thông thường. Lượt xem các kênh truyền hình có chương trình giáo dục trực tuyến tăng gấp 10 lần; thời gian xem tăng từ 45% đến 65%. Còn Phó Giám đốc Trung tâm Nội dung số (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC) Nguyễn Lê Tân cho biết, VTC Now - ứng dụng truyền hình OTT có thời điểm ghi nhận tới 300.000 người theo dõi cùng lúc về nội dung liên quan đến dịch Covid-19.

Một loạt nhà đài đã tăng cường khuyến mại, đổi mới nội dung để thu hút người xem như SCTV (Tổng công ty cổ phần Truyền hình cáp Saigon tourist) áp dụng miễn phí hòa mạng và giảm 50% phí thuê bao cho khách hàng. Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC tặng 4 tháng cho thuê bao đăng ký mới VTC HD, miễn phí toàn bộ nội dung cung cấp trên ứng dụng VTC Now về các bài giảng cho học sinh lớp 5, lớp 9 và các nội dung giải trí. VTVCab (Tổng công ty cổ phần Truyền hình cáp Việt Nam) đưa ra một loạt gói kênh mới chất lượng cao...

Được biết, Đài Truyền hình Hà Nội đã phát sóng nội dung dạy học trên truyền hình vào các khung giờ sáng, tối từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Các nội dung giảng dạy trên cũng được phát tại kênh YouTube, trên fanpage Facebook thu hút một lượng lớn người đăng ký theo dõi.

Về cơ hội cạnh tranh của truyền hình OTT trong nước, ông Nguyễn Lê Tân nhận xét, nếu so sánh một cách trực diện thì truyền hình OTT trong nước còn nhiều hạn chế so với truyền hình OTT hoạt động theo hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam, như Netflix, Spotify, HBO, iFlix. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn là cơ hội cho những đơn vị có năng lực sản xuất nội dung riêng, tính bản địa hóa cao tạo ra giá trị bản sắc để cạnh tranh. Do vậy, VTC Now xác định kiên trì với nội dung tin tức để tạo giá trị khác biệt. Ngoài ra, các nội dung giáo dục miễn phí và có phí cũng sẽ là bước tiếp theo mà VTC Now đang chuẩn bị.

Với Truyền hình FPT, bà Tô Nam Phương cho biết, tiếp tục bổ sung các bộ phim hay, phim thiếu nhi để phục vụ nhu cầu giải trí cho người xem. Cùng với đó, bổ sung nhiều chương trình dạy học online theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo... Đặc biệt, Truyền hình FPT hỗ trợ tính năng giám sát nội dung trẻ em giúp các bậc phụ huynh dễ dàng thiết lập và quản lý nội dung xem của trẻ theo độ tuổi và thời gian.

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Cục khuyến khích các đơn vị phát triển nội dung đa dạng để phục vụ người xem về lâu dài, đồng thời giám sát chặt chẽ để bảo đảm nội dung được cung cấp đúng định hướng, phù hợp với văn hóa của người Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội phát triển truyền hình trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.