Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dùng chung hạ tầng viễn thông: Xu thế nhiều lợi ích

Việt Nga| 05/01/2021 06:28

(HNM) - Chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (cột ăng ten, nhà trạm) là xu thế tất yếu, mang lại nhiều lợi ích. Việc này không chỉ góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị mà còn giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp viễn thông, nhất là khi thời gian tới các nhà mạng cùng triển khai dịch vụ 5G.

Dùng chung hạ tầng viễn thông, đặc biệt là 5G sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp.

Có thể tiết kiệm tới 30% chi phí

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong những năm qua, các nhà mạng đã phát triển hạ tầng viễn thông rộng khắp cả nước (với hàng trăm nghìn vị trí trạm thu phát sóng - BTS) để cung cấp dịch vụ tới khách hàng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ vậy, hạ tầng viễn thông cũng chính là “vũ khí” để các nhà mạng cạnh tranh với nhau. Song, việc phát triển “nóng” này đặt ra vấn đề về bảo đảm cảnh quan đô thị và tiết kiệm nguồn lực.

Chia sẻ cụ thể, ông Phạm Mạnh Hà, chuyên viên Phòng Cơ sở hạ tầng và kết nối (Cục Viễn thông) cho biết, xu hướng dùng chung hạ tầng đang diễn ra nhanh chóng trên thế giới, đem lại lợi ích rõ ràng, thiết thực. Tính từ năm 2013 đến nay, tỷ lệ sở hữu của các doanh nghiệp chuyên xây dựng BTS đã tăng nhanh qua các năm, từ mức 10-15% năm 2013 lên đến 70% năm 2020. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chi phí thuê nhà trạm giảm đáng kể, lên tới 30%, khi có doanh nghiệp thứ 2 cùng tham gia khai thác nhà trạm đó.

Tại Nghị định số 72/NĐ-CP ngày 24-9-2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật, việc dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông đã được đặt ra. Tuy nhiên, phải đến năm 2018, vấn đề này mới được đẩy mạnh. Đặc biệt, sau Chỉ thị số 52/CT-BTTTT ngày 11-11-2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông, với tính chất “cầm tay chỉ việc”, các nhà mạng đã thống nhất, ký thỏa thuận sử dụng chung hạ tầng BTS.

Theo Trưởng phòng Bưu chính viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) Nguyễn Tiến Sỹ, hiện Hà Nội có gần 3.200 trạm BTS dùng chung. Thành phố cũng đã hoàn thành xây dựng công trình ngầm dùng chung trên 150/255 tuyến phố, phấn đấu cơ bản hoàn thành danh mục các tuyến đã phê duyệt trong quý I-2021. Việc dùng chung hạ tầng viễn thông đã mang lại hiệu quả về cảnh quan đô thị cho thành phố. Ngoài Hà Nội, một số địa phương có kết quả tốt trong việc thúc đẩy dùng chung trạm BTS như: Nam Định, Phú Yên, Quảng Ninh...

Sẽ dùng chung mạng 5G

Cuối tháng 12-2020, dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông, 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đã ký hợp đồng nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ cho thuê hạ tầng với 1.800 trạm BTS. Đánh giá về việc ký hợp đồng nguyên tắc này, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Lê Tuấn cho rằng, trong bối cảnh triển khai mạng 5G tới đây, sử dụng chung cơ sở hạ tầng quyết định đến hiệu quả đầu tư và sự thành công của mỗi doanh nghiệp, góp phần tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước và các nhà mạng.

Thông tin cụ thể hơn, ông Phạm Mạnh Hà, chuyên viên Phòng Cơ sở hạ tầng và kết nối (Cục Viễn thông) cho biết, với đặc điểm sử dụng băng tần cao, vùng phủ hẹp, mật độ trạm BTS 5G dày hơn so với 3G, 4G. Trong điều kiện đô thị, ngoài xây dựng các trạm BTS gốc, bắt buộc phải triển khai rất nhiều trạm nhỏ. Khi đó, mật độ trạm BTS 5G ước tính sẽ lên tới 40-50 trạm/km2 - gấp 5 lần mạng 4G (8-10 trạm/km2).

Chia sẻ về việc này, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam Huỳnh Quang Liêm phân tích, một số quốc gia trên thế giới đã yêu cầu các nhà mạng thống nhất phát triển hạ tầng 5G chia sẻ. Việc hợp tác này mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp viễn thông và xã hội, giúp chi phí đầu tư mạng 5G giảm thấp nhất, từ đó mở ra tiềm năng cho phát triển xã hội số, kinh tế số.

Cùng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng cho biết, nếu đặt mục tiêu phủ sóng 5G rộng khắp thì việc dùng chung hạ tầng viễn thông là rất quan trọng và có ý nghĩa. Còn theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone Thiềm Công Nguyên, việc hợp tác dùng chung hạ tầng BTS là định hướng được nhà mạng này áp dụng kể từ khi chính thức cung cấp dịch vụ di động trên thị trường vào năm 1993, bằng việc dùng chung hạ tầng với mạng VinaPhone...

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Lê Tuấn, việc dùng chung hạ tầng viễn thông mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đặc biệt trong điều kiện các nhà mạng trong nước đã, đang thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G, chuẩn bị kinh doanh chính thức. Do vậy, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp để cùng bàn thảo về việc dùng chung hạ tầng mạng 5G nhằm bảo đảm cảnh quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng chung hạ tầng viễn thông: Xu thế nhiều lợi ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.