Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tinh hoa từ đường kim mũi chỉ

Thiện Mỹ| 05/02/2016 06:28

(HNM) - Cơn mưa rả rích cuối năm đưa tôi về với Thường Tín, nơi in dấu những tài hoa của đất trăm nghề. Trong cái tinh túy của nghề truyền thống, người Quất Động vẫn nhẫn nại, cần mẫn vươn lên, tự khẳng định thế mạnh của vùng đất tổ nghề thêu.

Xưởng thêu tay truyền thống của chị Hoàng Thị Khương.


Trong từng đường kim, mũi chỉ như lặn mãi cái hồn sâu thăm thẳm, tinh tế, tôi tin nghề thêu truyền thống ở mảnh đất này mãi bền vững và vinh danh thương hiệu cho mình.

Nơi vang bóng nghề thêu…

Đường làng Quất Động - đất tổ nghề thêu - sáng mùa đông mưa lạnh vẫn quanh co, im ắng. Đi mãi mới thấy các bà, các chị ngồi thêu cười nói râm ran. Vào xưởng thêu ấy, được biết đây là xưởng thêu của chị Hoàng Thị Khương, tuy tàn tật nhưng chị đang là người từng ngày giữ nghề cho làng thêu đất tổ. Xưởng khá chật hẹp, đơn sơ, chỉ là một không gian vừa chỗ kê khung thêu cho khoảng chục thợ ngồi làm, trên tường một số tranh thêu được treo cẩn thận.

Gây ấn tượng đặc biệt với tôi là bức tranh thêu chân dung Bác Hồ và những bức phỏng theo tranh của một số danh họa nổi tiếng thế giới. Mỗi bức tranh toát lên một cái gì đó khó tả, màu sắc của chỉ thêu hòa quyện, đan xen mượt mà. Trên nền vải, những bông hoa xiu xíu như tràn khắp cả không gian, màu sắc biến hóa tài tình.

Nghề thêu lúc thịnh, lúc suy, nhưng thời nào cũng vậy, những nghệ nhân vẫn cần mẫn, đam mê. Phần thợ thêu không học qua trường lớp nào, họ làm nghề theo cách cha truyền con nối, theo cách tự cảm, tự tích lũy kinh nghiệm. Những người phụ nữ tôi gặp nói về nghề: "Nào có ai được học trường lớp gì đâu. Lên 8, 10 tuổi, hầu hết các con đều cầm kim, chỉ làm thêu theo cha, mẹ. Lúc ấy, cái khung thêu còn ngập cả cằm, bé loắt choắt ngồi lọt thỏm dưới khung… vẫn thêu. Trong máu của mỗi người nơi đây đều ngấm nghề, chỉ có điều ai kiên nhẫn theo nghề hay không". Ngày nay, khi xã hội thay đổi, các cụm, điểm công nghiệp hình thành, nhiều nghề mới mang lại lựa chọn cho người lao động. Họ có thể tìm công việc bận rộn hơn, vất vả hơn… ngày công so với làm thêu cũng cao hơn.

Nói về nghề thêu, chị Khương cho biết: Lên 8 tuổi tôi đã làm thêu. Ngày ấy, mẹ dạy cẩn thận từ cách cầm kim. Mấy ngày liền chỉ cầm kim đâm lên, đâm xuống vải. Người kiên trì với động tác ấy sẽ là người có thể theo đuổi được nghề thêu. Nhưng, lớp trẻ hiện nay chẳng còn ai học cầm kim như vậy. Cách đây khoảng 30, 40 năm, có rất nhiều khách nước ngoài đặt hàng thêu tay, người dân làng Quất Động làm không xuể. Thời ấy, xã Quất Động có rất nhiều nghệ nhân, nhưng đến nay chẳng còn ai.

Đầu những năm 2000, cả 8 thôn trong xã được công nhận là làng nghề và Quất Động trở thành xã nghề. Nhưng cũng liền sau đó, kinh tế thế giới suy giảm, khách nước ngoài thưa dần. Do đó, thị trường tranh thêu bị thu hẹp nhanh chóng. Đầu ra cho sản phẩm bị bó hẹp, khách trong nước cũng không nhiều vì điều kiện kinh tế không cho phép. Vậy là cả ngàn cây kim đành phải tìm nghề khác để sống. Song, với bản thân chị Khương, mỗi bức tranh là vô giá bởi chị làm bằng cả niềm đam mê.

Chị Khương nói: Với tôi, mỗi bức tranh thêu không thể tính công bằng ngày, bằng tháng hay bằng bao nhiêu tiền. Nhiều bức tôi tháo ra, gỡ vào nhiều lần, chỉ đến khi tôi thật sự ưng mới được gọi là xong. Chính vì thế, có những bức tranh khách trả đến cả trăm triệu đồng, nhưng tôi vẫn không bán cho dù cơ sở vẫn còn rất thiếu vốn. Bên cạnh những đam mê với nghề, chị cũng dạy nghề cho những ai ham học, đặc biệt với người tàn tật.

Đến nay, chị đã dạy nghề được cho khoảng 70 người khuyết tật. Sản phẩm thêu của chị khá đa dạng, từ tranh phong cảnh đến thêu chân dung, thêu cho áo dài, áo truyền thống của Nhật Bản, Hàn Quốc… Các sản phẩm của chị bán tại địa phương và cũng có nhiều khách nước ngoài đến tận xưởng để tham quan và đặt mua hàng. Trong nhiều dịp lễ lớn của thành phố, chị đều được mời mang tranh đến để trưng bày. Không những thêu trên vải, có lần chị còn nhận thêu trên da thuộc theo đặt hàng của khách nước ngoài. Cho dù ngày công không cao nhưng là một cách để tự học và củng cố tay nghề.

...và câu chuyện thị trường

Rời đất tổ nghề thêu Quất Động, tôi đến các xã làm thêu lân cận. Cũng là những làng thêu đã được công nhận đất nghề, nhưng một số làng thêu ở xã Dũng Tiến, xã Thắng Lợi lại có một không khí khác, sôi động và tấp nập hơn. Chỉ một đoạn đường ngắn từ quốc lộ 1A rẽ vào làng Một Thượng (xã Thắng Lợi) có tới cả chục cửa hàng, xưởng tranh thêu tay, xưởng làm khung tranh. Các cửa hàng trưng bày đủ loại sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Vân, chủ cửa hàng tranh thêu tay Vân Tin nói với tôi: 5, 6 tuổi đã cầm kim thêu và đến nay chúng tôi đang sống vì nghề. Chúng tôi nhận thêu theo mọi yêu cầu của khách, từ hàng bình dân đến hàng cao cấp. Phải tôn trọng thị trường và phải tuân theo quy luật cung cầu. Có lẽ, với cách suy nghĩ mạnh mẽ, vận dụng sáng tạo nghề vào thị trường nên nhiều cửa hàng tranh thêu tay truyền thống ở xã Thắng Lợi vẫn phát triển. Tuy nhiên, chị Vân cũng trăn trở: Hàng thêu của chúng tôi chuyển ra bán ở Hải Phòng, Quảng Ninh rất nhiều, chủ yếu là cho khách du lịch nước ngoài. Vì thế, nếu kết nối được với các tour du lịch thì có lẽ làng nghề sẽ phát triển mạnh hơn.

Rời cơ sở tranh thêu tay Vân Tin, tôi đến với cơ sở tranh thêu truyền thống nổi tiếng Nguyễn Quốc Sự (xã Thắng Lợi). Chị Nguyễn Thị Hằng, con gái thứ ba của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự vui vẻ tiếp khách thay cha. Chị cho biết: Những ngày cuối năm, ông đang tập trung cao độ để gấp rút hoàn thiện bức tranh thêu chân dung. Ở tuổi 74 nhưng chưa ngày nào ông chịu nghỉ. Nhà có 10 con cả dâu rể, trai gái đều theo nghề nên mỗi người một khâu như một chu trình khép kín, trong đó ông Sự vẫn là trụ cột, là chỗ dựa cho cả nhà. Đến nay, cũng không nhớ chính xác ông đã truyền dạy được cho bao nhiêu người, truyền dạy ở bao nhiêu nơi, nhưng ông dạy rất bài bản.

Ông đã tự biên soạn giáo trình và luôn tỉ mẩn chỉ bảo thợ thêu từng kỹ thuật cho dù là nhỏ nhất. Từ những bàn tay tài hoa, xưởng thêu Quốc Sự đã cho ra đời những sản phẩm tinh hoa, nức lòng người gần xa. Những sản phẩm thêu tay đằm thắm, tinh tế, được người thêu đã thổi hồn vào mỗi bức tranh và có điều không nói mà ai cũng biết. Ấy là ông đã thành công khi gây dựng được nghề thêu mà tất cả các con đều đang gìn giữ và phát triển. Bằng cái tâm của người làm nghề, ông đã có nhiều đóng góp với quê hương, với làng nghề. Bằng cái tài của người cầm kim, ông đã góp phần làm tiếng thơm làng thêu ngày càng vươn xa…

Còn nhiều làng, thôn đang từng ngày, từng giờ gìn giữ và phát huy vốn quý của nghề thêu… Song, có điều tôi nhận thấy chưa có sự kết nối với các ngành nghề khác để gây dựng thị trường. Bên cạnh đó, cũng còn quá nhiều thợ thêu làm nghề mà không được trang bị thêm các kiến thức cơ bản về hội họa, về văn hóa. Điều này là sự lãng phí và thiếu chiều sâu. Có lẽ, những thợ thêu cần phải bứt phá hơn nữa, phải năng động và linh hoạt để tự tạo cho mình những tiềm năng mới khi mà thị trường đang ngày càng mở rộng như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tinh hoa từ đường kim mũi chỉ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.