Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chanh “ngọt” trên vùng phèn mặn

Hà Phạm| 06/05/2019 07:04

(HNM) - Tại các địa phương như Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Thạnh Hóa... (tỉnh Long An), nhiều gia đình kiếm được từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng nhờ cây chanh.

Thu hoạch chanh ở huyện Bến Lức.


Đổi đời nhờ trồng chanh

Những ngày này dọc các tuyến đường ĐT 823, 824, 838 hay quốc lộ N2, quốc lộ 62..., tỉnh Long An, chanh đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Mùi thơm thoang thoảng trong gió khiến ai đi qua cũng tứa nước miếng. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, trên địa bàn tỉnh có gần 9.000ha diện tích trồng chanh, chiếm khoảng 15% diện tích cây chanh trên cả nước và khoảng gần 30% toàn vùng đất Nam Bộ.

Trong đó, chủ yếu là giống chanh không hạt, chanh giấy và chanh Indonesia, với đặc điểm trái lớn, mọng nước, thơm và năng suất cao. Đặc biệt, ở Long An đã xuất hiện những trang trại chanh lớn tới vài chục héc ta được đầu tư bài bản, quy trình sản xuất hiện đại.

Ông Bùi Văn Thức, 51 tuổi, ở xã Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ), một hộ dân nhiều năm trồng chanh kể: Do đây là khu vực vùng đệm khu Đồng Tháp Mười nên thổ nhưỡng rất khắc nhiệt. Phèn mặn quanh năm khiến cây lúa không sống được. Vì thế, khi cây chanh bắt đầu xuất hiện ở đây, người dân lập tức nhận ra đó là loại cây thích hợp nhất vì chanh chịu phèn mặn cũng như ngập nước.

“Ban đầu, gia đình tôi nghe cán bộ nông nghiệp trên huyện hướng dẫn trồng chanh nên thử trồng 30 cây, được hai năm thì bắt đầu thu hoạch. Thấy lợi nhuận cao, gia đình tôi mở rộng diện tích lên 5.000m2 với gần 300 gốc. Mỗi năm, trung bình thu không dưới 150 triệu đồng. Thế là hàng chục gia đình khác trong ấp cũng bắt đầu trồng...”, ông Thức chia sẻ.

Cũng sản xuất chanh được hơn mười năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Cường ở xã Lương Hòa (huyện Bến Lức) cho biết, hiện nhà ông có 3ha trồng chanh không hạt. “Cả tôi và bốn người con đã lập gia đình đều sử dụng đất để trồng chanh không hạt. Đây là loại chanh xuất xứ ở vùng California (Mỹ), mới du nhập về Việt Nam khoảng hơn mười năm nay. Trung bình, một cây chanh không hạt trồng khoảng 20 tháng là cho thu hoạch. Từ năm thứ tư, mỗi cây chanh không hạt có năng suất tới 1.000 trái/năm. Với giá thương lái thu mua tại ruộng từ 14.000 đến 18.000 đồng/kg loại 1, mỗi héc ta chanh không hạt cho lãi khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ các loại chi phí”, ông Cường tính toán.

Với đặc điểm là thu hoạch gần như quanh năm, chanh thường được hái mỗi tháng 2 lần, hầu hết các chủ vườn trồng từ vài héc ta trở lên phải thuê thêm người để hái chanh. Công việc này đã mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều người trong vùng. Ngoài ra, hàng loạt các vựa thu mua chanh xuất khẩu, thu mua chanh cho các nhà máy chế biến cũng mọc lên ở những trục đường lớn vùng này.

Bà Nguyễn Thị Nhỏ, chủ vựa thu mua ở ngã ba trên quốc lộ N2 đoạn qua xã Thạnh Lợi (huyện Bến Lức) cho biết, thời điểm mùa nắng nóng như hiện nay, mỗi ngày bà thu mua hơn 2 tấn chanh. “Tôi mua chanh ở đây nhiều năm rồi. Nông dân các xã Long Thành, Thạnh Lợi hay Bình Hòa Nam, Bình Hòa Bắc... cũng mang chanh lên đây bán. Sau khi dùng máy phân loại chanh (to, nhỏ) để đóng bao xuất khẩu thì những loại chanh nhỏ hơn sẽ được bán ở các chợ dân sinh. Chanh xuất khẩu có giá cao gấp đôi bán trong nước nhưng yêu cầu khắt khe, ngoài trái chanh lớn, mọng nước thì phải đạt chuẩn an toàn”, bà Nhỏ kể.

Tìm hướng đi bền vững

Khoảng hơn chục năm qua, cây chanh đã thay đổi đời sống của nông dân ở vùng đất cằn cỗi phía Tây Nam Tổ quốc. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại nông sản khác, giá của chanh thương phẩm vẫn còn rất bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường đối tác xuất khẩu. Khi các đối tác này giảm lượng mua hay thay đổi tiêu chuẩn, lập tức nông dân bị đẩy vào thế khó và giá chanh đi xuống.

Vì vậy, để tạo hướng đi bền vững và giúp nông dân chủ động trong việc sản xuất cũng như tiêu thụ chanh, lãnh đạo ngành Nông nghiệp Long An đang triển khai những giải pháp hữu hiệu để bảo đảm cây chanh không bị thất thế trên thị trường.

Cụ thể, đầu tiên là việc đẩy mạnh tuyên truyền giúp nông dân sản xuất theo hướng đạt chứng chỉ an toàn như VietGAP, GlobalGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, xu hướng liên kết không chỉ với doanh nghiệp tiêu thụ chanh mà cả doanh nghiệp làm du lịch sinh thái cũng đang được triển khai, kỳ vọng sẽ mang đến nguồn thu mới cho cây chanh.

Hiện nay, chanh ở các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Hậu Nghĩa... (tỉnh Long An) chủ yếu được trồng thành luống, có kênh rạch nhỏ ở giữa vừa giúp tiết chế nồng độ phèn mặn, vừa để tưới tiêu khi cần. Đây cũng là tiền đề để các ghe thuyền du lịch đi giữa vườn chanh, như nhiều mô hình du lịch sinh thái dưới vườn dừa, vườn trái cây khác vùng Nam Bộ rộng lớn.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, trong mấy năm trở lại đây, diện tích cây chanh trên địa bàn luôn được mở rộng, tăng lên hằng năm. Dự kiến đến năm 2020, diện tích chanh đạt khoảng 10.000ha. Hiện chanh đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân Long An với 200 tỷ đồng/năm, đứng đầu trong số tất cả các loại trái cây. Thị trường tiêu thụ chanh chủ yếu, ngoài tiêu dùng nội địa thì còn xuất khẩu sang các nước như: Trung Đông, Liên minh châu Âu, Thái Lan...

“Hiện nay, ngoài các doanh nghiệp tiêu thụ chanh tươi để cung cấp cho thị trường thì còn có nhiều doanh nghiệp sản xuất hương liệu, nước chanh, nước giải khát từ chanh, sản phẩm khác từ chanh... Vì thế, nếu nông dân liên kết sẽ có đầu ra ổn định, không phụ thuộc vào thị trường bán lẻ luôn bấp bênh. Đó là hướng đi bền vững và cần thiết, bởi đó mới là sự chuyên môn hóa cao của người sản xuất, người cung cấp hay khâu trung gian trong xu thế hiện nay. Đặc biệt, để doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung, nông dân cũng phải sản xuất chanh theo hướng an toàn như VietGAP, GlobalGAP để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chanh “ngọt” trên vùng phèn mặn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.