Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nhân Nguyễn Gia Thọ: Đam mê thì sẽ thành công

Thu Hằng| 27/05/2019 11:21

(HNMO) - Cuộc đời Công dân Thủ đô ưu tú Nguyễn Gia Thọ - Chủ nhiệm HTX Song Long là cuộc chiến đấu không ngừng ở cả chiến trường lẫn thương trường. Đi lên từ hai bàn tay trắng, học vấn chỉ đến lớp 7/10 nhưng với niềm đam mê và ý chí hơn người, thành công của ông đã khiến bao người nể phục.


“Anh chủ nhiệm” của thế kỷ XXI

Sáng tháng Năm. Con phố Tràng Tiền vẫn còn đang ngái ngủ trong cơn mưa mát sau hai ngày nắng nóng cực điểm. Thời tiết quả là chiều lòng người cho buổi gặp sớm nay. Chật vật hẹn với ông, đã có lúc tôi nghĩ bài viết này không thể thực hiện được nhưng may mắn đã đến vào phút cuối khi ông Nguyễn Gia Thọ bất ngờ đổi ý.

Doanh nhân Nguyễn Gia Thọ - Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011.


Gặp tôi, sau cái bắt tay thật chặt, người đàn ông với mái tóc bạc trắng như cước nói ngay lý do “né” báo chí là vì “chỉ muốn âm thầm làm tốt công việc của mình thôi”. Tính ông không thích phô trương, ồn ào.

Cầm lái con thuyền Song Long đi lên từ một hợp tác xã thủ công nghiệp thời kỳ bao cấp nhiều khó khăn… trở thành một điển hình tiên tiến của khối kinh tế tập thể không chỉ của Hà Nội mà còn của cả nước, luôn làm việc với tất cả say mê và nhiệt huyết, ông Nguyễn Gia Thọ có nhiều điều để tự hào.

Doanh nhân Nguyễn Gia Thọ tại lễ vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú tháng 10-2011.


Hiện nay, hàng nghìn sản phẩm nhựa của Song Long đã có mặt tại hầu hết các gia đình, từ những vật dụng nhỏ bé, giản đơn như rổ, rá, chậu, bàn, ghế… đến những sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao như phụ tùng, thiết bị của tivi, máy giặt, tủ lạnh, xe máy... Thương hiệu "Song Long plastic" nhiều năm liền được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao .

Song Long hiện có 3 nhà máy ở Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội), Phố Nối (Hưng Yên) và Hòa Khánh (Đà Nẵng) thu hút 1.200 xã viên và lao động với thu nhập bình quân ở mức 10 triệu đồng/người/tháng.

Buổi đầu gian nan

Trong câu chuyện của mình, ông Nguyễn Gia Thọ kể về quá khứ. Gương mặt ông rạng ngời khi nhớ về tuổi thơ trên phố Hàng Gà, rồi Đội Cấn cho đến ngày lên đường nhập ngũ tháng 9-1971.

“Ngày ấy chúng tôi là những chàng trai Hà Nội 17-18 tuổi nhưng trước tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã xung phong nhập ngũ đi B. Những đêm hành quân, những cơn sốt nôn mật xanh mật vàng, những trận chiến một mất một còn nơi chiến trường Quảng Đà ác liệt là những ký ức không bao giờ quên. Sau khi đất nước giải phóng, tôi tiếp tục cùng đơn vị hành quân vào Tây Nguyên tiễu phỉ Fulro, rồi cùng đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Mãi đến năm 1979 mới phục viên, trở về Hà Nội”.

Ông Nguyễn Gia Thọ bên hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.


Hành trang của người lính trẻ trở về khi ấy là một cơ thể không lành lặn (tỷ lệ thương tật là 21%) với cái balo lép kẹp chỉ có hai bộ quần áo và một chiếc khung xe đạp làm quà.

Cuộc sống vô cùng khó khăn. Cái nghèo bủa vây. Thôi thì xoay đủ mọi nghề, từ nấu xà phòng, nấu thạch đến làm cơ khí, làm nhựa… kiếm sống qua ngày.

Năm 1982, ông xin làm xã viên Hợp tác xã (HTX) Sông Hương. Lúc này, tình hình sản xuất của các HTX gặp rất nhiều khó khăn do thiết bị lạc hậu, sản xuất manh mún, lãnh đạo và xã viên còn nặng tư tưởng bao cấp. HTX Sông Hương cũng trải qua rất nhiều ngành nghề như sản xuất bao bì, xà phòng, dệt chỉ... nhưng cũng chỉ cầm chừng. Bế tắc về phương hướng sản xuất, Sông Hương đứng trước nguy cơ giải thể. Đúng vào lúc đó, năm 1991, ông được bà con xã viên bầu làm chủ nhiệm.

- Trước muôn vàn khó khăn như thế, ông nhìn thấy điều gì ở tương lai để tìm ra hướng đi cho Sông Hương?

- Những ngày đầu tiên bước ra thương trường thật sự là khó khăn. Thời kỳ đó chỉ có doanh nghiệp nhà nước chứ chưa có doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn khó vì các ngân hàng cũng ít, chưa có ngân hàng thương mại cổ phần như hiện nay. Kể cả việc tiếp cận công nghệ cũng là học mót...

Sau nhiều đêm mất ngủ, trăn trở, chúng tôi quyết định đổi tên HTX thành Song Long với bao khát vọng gửi gắm và thống nhất chuyển đổi theo mô hình mới.

Nhận thấy 90% thị trường nhựa gia dụng miền Bắc khi đó là do người Hoa ở Chợ Lớn cung cấp nên tôi quyết định đầu tư tập trung vào sản xuất các mặt hàng nhựa dân dụng và công nghiệp bằng công nghệ hiện đại.

Sau đó, tôi cũng nhận thấy sự phát triển mất cân đối của Trung Quốc (chỉ tập trung ở phía Đông trong khi phía Tây vẫn còn lạc hậu) và khoảng cách địa lý từ Hà Nội gần hơn là một lợi thế lớn để đưa hàng hóa của Song Long sang chiếm lĩnh thị trường phía Tây Trung Quốc đang bỏ ngỏ.

- Song Long lúc bấy giờ chỉ có 9 xã viên với số vốn hơn 300 triệu đồng, nhà xưởng thì chật hẹp. Lấy đâu ra vốn lớn để đổi mới công nghệ hiện đại?

- Trong cái khó đã ló cái khôn. Bài toán này được tháo gỡ bằng cách huy động trong xã viên. Ngoài ra, Song Long là HTX đầu tiên ở Hà Nội tìm đến Công ty cho thuê tài chính của Ngân hàng Công Thương Việt Nam, vay tiền bằng thế chấp tài sản.

Để mở rộng sản xuất, chúng tôi thuê mua được 10.000m2 đất bên phường Bồ Đề (quận Long Biên) để chuyển cơ sở sản xuất từ phố Cao Thắng (quận Hoàn Kiếm) sang, xây nhà xưởng kiên cố, lắp đặt máy móc, thiết bị… Song Long đã cho ra đời hàng trăm loại mẫu mã sản phẩm mới, chất lượng cao, giá cả phù hợp. Từ đó, sản phẩm của Song Long được người tiêu dùng tin yêu, dần dần chiếm lĩnh được thị trường hàng nhựa trong nước.

- Đúng là đồng vốn như chiếc đũa thần, chỉ cần vung lên là…

- Chuyện sản xuất, kinh doanh trong cơ chế thị trường không đơn giản như thế. Đầu tư xây dựng nhà xưởng khang trang hiện đại để tạo điều kiện tốt cho việc quản lý, điều hành sản xuất tập trung và nâng cao năng lực sản xuất mới chỉ là bước đầu. Xác định làm chủ kỹ thuật mới là mấu chốt để thành công. Tư duy này trở thành con đường đi của chúng tôi.

Phát triển bền vững, tận tâm với từng sản phẩm làm ra là những giá trị cốt lõi mà chúng tôi luôn theo đuổi. Và hôm nay, khi đã trở thành một trong những thương hiệu mạnh về nhựa gia dụng tại Việt Nam, tôi và cộng sự vẫn tiếp tục đổi mới công nghệ, hoàn thiện sản phẩm để phục vụ khách hàng tốt hơn, đồng thời bước đầu chinh phục nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Phần Lan...

- Chưa tròn 18 tuổi đã lên đường nhập ngũ, lúc đấy ông mới chỉ tốt nghiệp cấp 3. Nhìn cách lãnh đạo và điều hành Song Long, tôi thấy ông là một vị chỉ huy nhạy bén và tỉnh táo: Từng bước đầu tư, đổi mới những thiết bị công nghệ hiện đại, xây dựng những chiến lược kinh doanh hợp lý và đưa ra những quyết sách phù hợp với từng thời điểm để Song Long phát triển. Vậy ông đã học thêm để nâng cao trình độ vào lúc nào?

- Tôi toàn mày mò, tự học tự làm thôi. Cho đến nay, tôi chỉ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn chứ chưa qua một trường lớp chính quy nào.

Cựu chiến binh Nguyễn Gia Thọ (mặc quân phục sáng màu) trong một chuyến về thăm lại chiến trường xưa tại tỉnh Quảng Nam.


- Trong cuộc sống ông tin vào điều gì?

- Cây ngay thì bóng sẽ tròn. Tôi luôn tin vào luật nhân quả. Nếu muốn ăn quả ngọt chúng ta phải gieo những hạt mầm tốt.

- Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của ông?

- Sự bình an.

- Ông có đam mê nào ngoài công việc không?

- Tôi thích vui thú điền viên và giao lưu bạn bè. Hiện tôi đang là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Hà Nội và Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh vật cảnh Việt Nam sau nhiều nhiệm kỳ có “chân” trong Liên minh HTX Hà Nội, Liên minh HTX Việt Nam, rồi là Ủy viên MTTQ Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh vật cảnh Việt Nam Nguyễn Gia Thọ trao Giấy khen cho các đại biểu xuất sắc tại một buổi lễ tháng 5-2019.


- Không chỉ tham gia thúc đẩy kinh tế HTX, góp phần xây dựng nông thôn mới, được biết ông còn tổ chức thành công nhiều cuộc triển lãm, hội chợ, Festival sinh vật cảnh của Hà Nội cũng như cả nước qua đó tạo rất nhiều công ăn việc làm cho xã hội cũng như phát triển ngành sinh vật cảnh Việt Nam. Ông có thể nói rõ hơn về hoạt động này?

- Theo số lượng khảo sát của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam thì cả nước hiện có khoảng 4 triệu hội viên, người lao động sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ sinh vật cảnh, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của nước ta.

Những năm trở lại đây, nhiều địa phương ở Hà Nội và cả nước có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp đặt ra yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, sử dụng diện tích đất nông nghiệp ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phát triển kinh tế sinh vật cảnh là một hướng đi được lựa chọn để đáp ứng các yêu cầu đó. Nhờ phong trào này mà nhiều làng nghề trồng hoa cây cảnh ở Thủ đô được hình thành và phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nông thôn.

Những cuộc giao lưu, gặp gỡ giữa các nghệ nhân, doanh nhân, chủ vườn sinh vật cảnh thường xuyên được tổ chức.


Đến nay, sinh vật cảnh ở nhiều địa phương đã thực sự trở thành một ngành kinh tế sinh thái không chỉ giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan, gìn giữ những bản sắc văn hóa truyền thống của ông cha. Quan trọng hơn nữa, ngành kinh tế này đảm bảo sự phát triển bền vững cho cộng đồng.

Những hoạt động được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa mà Hội Sinh vật cảnh Hà Nội tổ chức thường niên như triển lãm, hội chợ, Festival sinh vật cảnh Thủ đô… đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân và là điểm nhấn du lịch với du khách nước ngoài. Chúng tôi xác định đây cũng là cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực sinh vật cảnh, làm cầu nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong, ngoài thành phố và quốc tế.

Ông Nguyễn Gia Thọ trao chứng nhận cho nghệ nhân tham gia triển lãm sinh vật cảnh tại Công viên Bách Thảo Xuân 2019


- Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú mà ông vinh dự được nhận năm 2011 có ý nghĩa như thế nào với ông?

- Được tập thể và chính quyền ghi nhận mình là người tử tế, có đạo đức, có đóng góp cho xã hội với tôi là một niềm vui. Thú thật, danh hiệu này vừa là động lực cũng vừa là áp lực để tôi phải luôn cố gắng hơn nữa, sống tốt hơn nữa…

***


Trò chuyện với Nguyễn Gia Thọ, tôi kính trọng quan điểm kinh doanh của ông. Trước mỗi quyết định, ông luôn cân nhắc đến “ích nước lợi nhà”. Nếu chỉ vì cái lợi của cá nhân mà “sống chết mặc bay” thì ông dứt khoát không làm. Ông bảo, “tính bền vững nó ở chỗ ấy”.

Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Thọ nói ông luôn biết ơn quãng thời gian khoác trên mình màu áo lính. Những năm tháng chinh chiến gian khổ vào sinh ra tử đã tôi luyện cho ông bản lĩnh thép để vượt qua những thử thách, khó khăn trong cuộc sống đời thường.

Đầu tư một nhà máy ở Đà Nẵng, ngoài việc phục vụ cho địa bàn miền Trung và Tây Nguyên, ông Thọ muốn trả lại ân tình cho mảnh đã thấm máu xương của ông cùng bao đồng đội. Trời Phật đã phù hộ cho ông có diễm phúc được sống qua những thời điểm nguy hiểm nhất. Nhiều con em thương binh và đồng đội đã được ông mời về Song Long làm việc. Có gia đình cả ba thế hệ đều gắn bó với Song Long.


Bận rộn trong niềm vui vì năng lượng làm việc vẫn dồi dào, tình yêu cuộc sống không hề phai nhạt, ông Thọ nói còn ấp ủ nhiều dự định táo bạo nhưng muốn dành cho mọi người sự bất ngờ.

Chia tay ông, tôi thầm cảm phục người cựu binh nhân hậu, luôn miệt mài cống hiến với ý chí vươn lên mạnh mẽ, với bầu nhiệt huyết cháy bỏng và một chữ tâm trong sáng. Ông xứng đáng nhận được sự tin yêu, quý mến của mọi người.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nhân Nguyễn Gia Thọ: Đam mê thì sẽ thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.