Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Có tiếp tục “vỡ” tiến độ?

Tuấn Lương| 10/07/2015 07:23

(HNM) - Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) đã từng


Tiền hậu bất nhất

Tại cuộc họp rà soát tiến độ dự án do Bộ GT-VT tổ chức mới đây, ông Dư Giang - Giám đốc dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc - tổng thầu EPC) cho biết, đến nay tiến độ thi công 12 nhà ga mới đạt 30-50% kế hoạch, dự kiến phải đến ngày 30-3-2016 mới hoàn thiện 2 ga cuối cùng là ga Cát Linh và ga Vành đai 3. Công việc chậm nhất hiện nay là xây dựng các khu depot và xử lý lún ở các điểm này. Dự kiến, công việc này phải đến 30-6-2016 mới hoàn thành. Công tác lao dầm cũng đang bị chậm, phải đến tháng 3-2016 mới xong…

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông lại có nguy cơ chậm tiến độ. Ảnh: Nam Khánh


Liên quan đến vấn đề xử lý lún, ông Lê Kim Thành - Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt (đại diện chủ đầu tư) cho biết, theo phương án đã được phê duyệt trước đây, gói thầu này có trị giá 38 tỷ đồng. Vừa qua, tổng thầu EPC đã thay đổi phương pháp xử lý lún và cam kết sẽ không vượt quá 38 tỷ đồng, nếu vượt quá sẽ tự bỏ kinh phí ra làm. Tuy nhiên, hiện kinh phí đội lên thành 70 tỷ đồng và tổng thầu lại đòi Ban QLDA phải trả tiền theo phương án này. "Chúng tôi không thể trả tiền theo mức mới mà tổng thầu đưa ra. Ngoài ra, trong khi các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam cho rằng, không cần phải xử lý lún toàn bộ khu depot mà chỉ xử lý khu vực nào cần, song phía tổng thầu EPC vẫn đòi hỏi phải xử lý toàn bộ..." - đại diện chủ đầu tư nhấn mạnh.

Tuyến đường sắt trên cao dài 13km (Cát Linh - Hà Đông), khổ đường 1,435m với 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu depot rộng 19,6ha tại Hà Đông; trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc khai thác bình quân là 35km/h.



Không chỉ tiền hậu bất nhất trong việc xử lý lún, cũng theo Ban QLDA đường sắt, công tác lao lắp dầm của dự án cũng bị chậm bởi các vướng mắc trong thỏa thuận giá cả thi công giữa tổng thầu và các nhà thầu phụ. Trong đó, một nhà thầu phụ dù đã lao lắp được 80 phiến dầm, nhưng đã phải bỏ vì không tháo gỡ được vấn đề kinh phí. Vừa qua, tổng thầu có công văn gửi Ban QLDA đòi tăng đơn giá lao lắp dầm thêm 19 triệu đồng/dầm (thành 269 triệu đồng/dầm), nhưng lại không có cơ sở để tính toán đơn giá nên Ban QLDA không chấp nhận. Điểm đáng lưu ý là tổng thầu EPC của cả một dự án giao thông trọng điểm, nhưng vốn lưu động không có nên toàn bộ kinh phí cho dự án hoàn toàn phụ thuộc vào tiền thanh quyết toán với Ban QLDA.

Do vậy, đến nay tổng thầu vẫn nợ các nhà thầu phụ lên tới 367 tỷ đồng. Đây chính là lý do khiến tiến độ của dự án đang rất chậm. Trong khi đó, theo kế hoạch từ nay đến ngày 30-9-2015, dự án phải giải ngân được 25 triệu USD, nếu không sẽ gặp khó trong việc đàm phán vay vốn bổ sung. "Đề nghị Bộ GT-VT thay thế giám đốc dự án của tổng thầu nếu tiếp tục để tiến độ thi công bị chậm trễ, không nghiêm túc thực hiện các yêu cầu đề ra" - ông Lê Kim Thành phát biểu.

Không gia hạn tiến độ thêm nữa

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, dự án đã gia hạn nhiều lần, song đến nay vẫn chậm 3-4 tháng so với kế hoạch. Trong khi đó, mặt bằng hiện đã "sạch", không còn vướng mắc gì. Bộ yêu cầu Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc phải cử một Phó Tổng Giám đốc ở lại Việt Nam để trực tiếp chỉ đạo điều hành dự án, có giải pháp mạnh hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ. Tổng thầu nói không có tiền là không được và cuộc họp sau không chấp nhận nói đến chậm tiến độ nữa. Nếu nhà thầu phụ làm chậm thì tổng thầu phải thay thế.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng yêu cầu: Việc thi công 10 nhà ga đến ngày 31-12-2015 phải hoàn thành, trừ ga Cát Linh và Vành đai 3. Ngày 15-10-2015, phía Trung Quốc phải đưa đoàn tàu mẫu về Việt Nam để lấy ý kiến đóng góp của người dân; ngày 30-4-2016 đưa 12 đoàn tàu về Việt Nam. Chậm nhất đến ngày 30-3-2016 toàn dự án phải hoàn thành và đến ngày 30-6-2016 thì đưa tàu điện vào khai thác chính thức. Trong suốt quá trình triển khai dự án, tổng thầu EPC có quyền quyết định mọi vấn đề, Ban QLDA chỉ nghiệm thu các sản phẩm của tổng thầu làm ra có bảo đảm chất lượng, thiết kế hay không và từ tháng 8-2015 sẽ áp dụng cơ chế này. Chậm tiến độ, tăng vốn dự án nữa thì tổng thầu EPC phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ không có chuyện bên này đổ lỗi cho bên kia nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Có tiếp tục “vỡ” tiến độ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.