Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ

Nhóm phóng viên| 01/10/2022 07:03

(HNM) - Trên địa bàn Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trái phép. Trước thực tế này, các cấp, ngành, địa phương cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra phát hiện những cơ sở thẩm mỹ trá hình, quảng cáo quá khả năng, chuyên môn được cấp phép, từ đó có biện pháp quản lý chặt chẽ loại hình hoạt động này.

Người dân cần lựa chọn các cơ sở y tế đúng chuyên môn về thẩm mỹ và cấp cứu hồi sức khi có nhu cầu làm đẹp. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện E (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nguyễn Minh

Những lời quảng cáo “đường mật”

Vụ việc cô gái ở Long An (tạm trú tại quận Nam Từ Liêm) đi phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi tại địa chỉ tổ 20, phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) bị tử vong sau hơn 2 tháng hôn mê một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh những người muốn làm đẹp nhưng không tìm hiểu kỹ cơ sở dịch vụ thẩm mỹ dẫn đến rước họa vào thân. Đây không phải lần đầu tiên tại Hà Nội xảy ra trường hợp tử vong liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ. Trước đó, đã có những vụ việc chết người trong quá trình làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ gây rúng động dư luận, tuy nhiên, nhiều người vẫn đánh đổi sức khỏe và tính mạng của mình vào những cơ sở thẩm mỹ “chui”, quảng cáo dịch vụ trá hình, thực hiện những can thiệp xâm lấn không được phép.

Trên các hội, nhóm làm đẹp, diễn đàn, chị em thường xuyên trao đổi, lan truyền những cách làm đẹp, trẻ hóa các bộ phận trên cơ thể với khả năng đẹp tức thì, không đau, không để lại sẹo… với giá cả ưu đãi mà không quan tâm đến cơ sở pháp lý của cơ sở thẩm mỹ. Có những nơi treo biển viện thẩm mỹ quốc tế, tập đoàn... nhưng thực chất trên giấy đăng ký kinh doanh chỉ là “Hộ kinh doanh chăm sóc sắc đẹp” chỉ đăng ký dịch vụ chăm sóc da. Với những quảng cáo quá mức như vậy, các nạn nhân dễ bị dẫn dụ vào ma trận, nhẹ thì mất tiền, nặng thì ảnh hưởng sức khỏe, thân thể.

Chị Nguyễn Thị H (quận Hà Đông) cho biết, chị vừa bị mất số tiền lớn do tin lời quảng cáo chỉ mất 999.000 đồng là hết nhăn da tay của Viện Thẩm mỹ quốc tế Medic Skin (phường Phương Liên, quận Đống Đa). Tuy nhiên, khi sử dụng dịch vụ, chị H mới vỡ lẽ, số tiền trên chỉ được chi cho 1 lần bôi kem massage tay. Còn trị các nếp nhăn, gân guốc thì phải sử dụng công nghệ Therapy 6D với giá 10-15 triệu đồng/lần, tùy lựa chọn sản phẩm trị liệu có nguồn gốc từ châu Á hay châu Âu. Chị H. đồng ý trả 20 triệu đồng cho dịch vụ trẻ hóa da tay và da chân. Tuy nhiên, sau khi làm xong, chị H được yêu cầu thanh toán thêm 100 triệu đồng mới được ra về.

Tương tự, chị Bảo Vy (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) mua gói làm công nghệ nano mọc mi, mày, tóc dài 60 triệu đồng tại một hệ thống thẩm mỹ lớn và uy tín trên địa bàn. Nhưng sau một thời gian sử dụng không thấy hiệu quả, trong khi các dịch vụ đi kèm yêu cầu phải đặt lịch. Khi khách đặt lịch, cơ sở này luôn báo đã kín lịch nên chị Vy phải mất nhiều lần đi lại, khiến chán nản rồi bỏ cuộc...

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Theo báo cáo của Bệnh viện Da liễu trung ương tại Hội nghị da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ năm (cuối tháng 7 vừa qua), thời gian gần đây một số bệnh viện tiếp nhận nhiều ca tai biến do làm đẹp, có những ca bị biến chứng nặng nề như hoại tử, tắc mạch, mù mắt… PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, tai biến trong thẩm mỹ nội khoa thường là sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng thời gian sử dụng. Ngoài ra, còn có những tai biến sau tiêm filler, lột da, lăn kim, tia laser…

Cũng theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, nếu so với việc phẫu thuật làm đẹp từ đầu việc sửa chữa lỗi do thẩm mỹ phức tạp gấp nhiều lần. Bệnh nhân không chỉ tốn kém tiền bạc, suy giảm sức khỏe mà việc giải quyết hậu quả của những biến chứng của phẫu thuật thẩm mỹ không thể giúp bệnh nhân trở lại hình dáng ban đầu.

Nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp, chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp. Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết, UBND quận yêu cầu các phòng, ban, cơ quan chức năng và UBND các phường phối hợp tăng cường kiểm tra hoạt động các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, tham mưu UBND quận xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Là quận có mạng lưới cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập, dịch vụ thẩm mỹ phát triển và biến động, UBND quận Hai Bà Trưng tăng cường công tác quản lý bằng các hoạt động kiểm tra, xử phạt. Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quận đã kiểm tra 532 lượt cơ sở, xử phạt gần 600 triệu đồng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tại một số thẩm mỹ viện.

Về vấn đề trên, các chuyên gia ngành thẩm mỹ đưa ra khuyến cáo, người dân cần lựa chọn các cơ sở được cấp phép hoạt động thẩm mỹ. Với các thủ thuật, kỹ thuật xuyên qua da (kỹ thuật xâm lấn) hoặc có bôi, đắp thuốc trên da diện rộng, cần tới các bệnh viện bảo đảm đúng chuyên môn về thẩm mỹ và cấp cứu hồi sức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.