Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Căng thẳng vì S-400

Minh Hiếu| 17/07/2019 07:00

(HNM) - Những lô hàng thiết bị của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất vẫn liên tục được đưa tới Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua, bất chấp sự phản đối và cảnh báo trừng phạt mà Mỹ đưa ra. Động thái này khiến mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Washington và Ankara thêm xấu đi, đồng thời gây lo ngại về một cuộc khủng hoảng không chỉ về ngoại giao giữa hai đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Các thiết bị của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 được máy bay vận tải Nga chuyển tới căn cứ quân sự Murted (Thổ Nhĩ Kỳ).

Thực hiện hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD được ký kết hồi tháng 7-2017 mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mô tả là thỏa thuận quan trọng nhất trong lịch sử đương đại của đất nước, những lô thiết bị đầu tiên của hệ thống S-400 đã được Nga bàn giao tại căn cứ không quân Murted ở ngoại ô thủ đô Ankara. Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến nhất của Nga, được thiết kế nhằm đánh chặn các vũ khí tấn công trên không hiện đại. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, các bộ phận cấu thành S-400 sẽ được vận chuyển dần dần và sau khi lắp đặt xong, các quan chức nước này sẽ quyết định phương thức sử dụng và khu vực triển khai cụ thể.

Ngay sau khi tiếp nhận lô thiết bị đầu tiên của S-400, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Mark Esper nhằm trấn an đồng minh. Phía Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, hợp đồng với Nga là cần thiết và phù hợp với mục tiêu phòng thủ chiến lược khi nước này đang phải đối mặt với những thách thức an ninh nghiêm trọng xuất phát từ tình trạng bất ổn đang đe dọa biên giới phía Nam với Syria và Iraq. Ankara cũng lập luận rằng hành động chưa từng có tiền lệ đối với một quốc gia thành viên NATO này là do chính quyền Mỹ đã không thể đưa ra một đề nghị hợp lý nhằm cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, còn châu Âu cũng thất bại trong việc giới thiệu cho nước này một lựa chọn thay thế khả thi.

Tất nhiên, thương vụ trên đã vấp phải phản ứng dữ dội của Mỹ. Washington lo ngại thông qua việc chuyển giao S-400, Nga có thể đưa chuyên gia tới Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp cận mạng lưới phòng thủ của NATO cũng như nắm được thông tin về chiến đấu cơ đắt giá F-35 mà khối này đang nghiên cứu. Trước đợt chuyển giao đầu tiên, Washington đã đưa ra hạn chót là ngày 31-7 để Ankara hủy hợp đồng với Mátxcơva. Nếu không, toàn bộ phi công và kỹ thuật viên của Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia chương trình huấn luyện với F-35 tại Mỹ sẽ bị trục xuất và nước này cũng sẽ bị loại khỏi dự án của NATO.

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan khẳng định, sẽ chỉ sử dụng "rồng lửa" S-400 để phòng thủ trước nguy cơ bị kẻ thù tập kích. Nước này cũng liên tục nhấn mạnh sự ủng hộ đối với NATO, đồng thời cho biết hợp tác giữa Ankara và Mátxcơva xuất phát từ nhu cầu thực tế và sẽ không làm ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh của khối. Song truyền thông xứ Cờ hoa cho rằng, giới chức nước này đã chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ chờ thời điểm thích hợp để công bố. Theo tờ Bloomberg, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra quyết định về gói trừng phạt nhằm vào đồng minh trong NATO theo Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Đạo luật này khẳng định Mỹ sẽ áp đặt trừng phạt các quốc gia mua vũ khí của Nga. 

Với tiềm lực quân sự lớn thứ hai trong NATO, chỉ sau Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ vị thế chiến lược quan trọng của khối quân sự lớn nhất thế giới. Do đó, những động thái cứng rắn được Washington đưa ra, điển hình là việc loại Ankara khỏi chương trình phát triển F-35 có thể khiến nước này mất đi khả năng tác chiến với NATO - vốn là yếu tố then chốt trong mạng lưới phòng thủ chung, đồng thời đẩy hai đồng minh thêm xa cách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Căng thẳng vì S-400

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.