Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội An trên hành trình sáng tạo

Bài và ảnh: Hà An| 01/05/2022 12:17

(HNMCT) - Nhà thơ Chế Lan Viên từng thốt lên: “Hội An không là quê/ Mà là hương khổ thế/ Quên quê ai có thể/ Hương ư ôi dễ gì...”. Hương sắc làm nên nhung nhớ của Hội An chắc chắn là bản sắc của một đô thị cổ Việt Nam được dệt nên nhờ sức sáng tạo của người dân bao thế hệ. Và, bên cạnh những danh xưng đã có, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đang trong hành trình tái xác lập và định hình vóc dáng một đô thị mới - vóc dáng  “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Chuyến khảo sát và làm việc của các chuyên gia Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tại thành phố Hội An diễn ra đầu tháng 4 vừa qua là sự khởi động cho hành trình này.

Du khách tham gia trải nghiệm làm gốm cùng nghệ nhân làng gốm Thanh Hà.

Nội lực của thành phố di sản thế giới

Là đô thị - thương cảng vang bóng trong lịch sử, nơi hội nhân (tụ cư của nhiều dân tộc), hội thủy (hợp lưu của 3 nguồn sông lớn xứ Quảng), hội văn (kế thừa văn hóa Sa Huỳnh - Champa, văn hóa Việt và sự hội nhập văn hóa Nhật Bản, Trung Hoa, phương Tây), Hội An mang trong mình những chồng lớp sáng tạo cộng đồng với dấu ấn văn hóa đặc sắc. Trong đó, Khu phố cổ Hội An được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1985 và ghi danh Di sản Văn hóa thế giới vào năm 1999.   

Hội An có 4 làng nghề và 1 phố nghề được công nhận, gồm làng mộc truyền thống Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, làng nghề tre dừa Cẩm Thanh, phố nghề đèn lồng Hội An. Nhưng đời sống cũng ghi nhận đô thị bên sông này có nhiều tiềm năng nghề thủ công hơn thế.

Môi trường sinh thái phong phú của vùng đồng bằng cửa sông - ven biển, đất thương cảng nhộn nhịp còn khiến Hội An trở thành bảo tàng sống lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, loại hình nghệ thuật bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Cùng với đó, nghệ thuật diễn xướng dân gian như hát múa bả trạo, hát múa sắc bùa, múa tứ linh, hò đưa linh... cũng thường vang lên trong các lễ hội, trong sinh hoạt, nuôi dưỡng cảm hứng của cư dân một vùng sông nước phóng khoáng, trữ tình.

Không gian cổ kính, giao hòa nhiều nét văn hóa của những khu phố bên bờ sông Hoài hôm nay tiếp tục là nơi hội tụ của nhiều nghệ sĩ, trong đó có các nghệ sĩ trẻ. Một số đơn vị, mô hình đã bước đầu phát huy giá trị truyền thống Hội An, trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn như Công viên đất nung Thanh Hà rộng hơn 6.000m2, Trung tâm biểu diễn Lune Hội An với nhà hát bằng tre độc đáo... Kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên, một người con của làng gốm Thanh Hà, chủ nhân công trình Công viên đất nung Thanh Hà chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần: Công trình được khởi dựng bằng niềm đam mê với không gian kiến trúc được tạo từ chất liệu của làng, hy vọng tạo một điểm kết nối làng với người dân, kết nối khách du lịch với làng, kết nối nghề gốm với ngành nghề khác...

Những tiềm năng thấy rõ này là cơ sở để Hội An cùng các chuyên gia Bộ VHTTDL bắt tay vào xây dựng đề án đáp ứng các tiêu chí của thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian”. 

Quan điểm của Hội An là: “Nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào và có giá trị cao trên nhiều phương diện là những tài sản vô giá, là động lực cho Hội An trong hành trình sáng tạo và đổi mới. Việc được tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ mở ra cho thành phố cơ hội, triển vọng mới. Đó là cơ hội được chia sẻ, giới thiệu với bạn bè quốc tế những giá trị về “Thủ công và nghệ thuật dân gian” mà thành phố có điều kiện sở hữu, bảo tồn và phát huy trong nhiều năm qua. Đây cũng là dịp để Hội An được học tập kinh nghiệm quốc tế trong công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương trong tương lai...”.   

Kế thừa và phát triển bền vững

Trong ánh chiều tỏa khắp làng gốm cổ, giọng xứ Quảng cùng phong cách phóng khoáng của lão nghệ nhân Nguyễn Văn Đông làm sống dậy ngọn lửa làng nghề nhóm lên từ hơn 400 năm trước qua câu chuyện của ông. Các nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo, kỹ thuật thủ công điêu luyện qua các khâu làm đất, chuốt, sửa nguội, nung... đã tạo nên những mẻ gốm đỏ đặc trưng của Thanh Hà. Qua mấy thế kỷ thăng trầm, làng giữ nghề và cũng nhờ chính sách bảo tồn mà không gian nghề cổ cùng các hoạt động sản xuất ở đây vẫn được tiếp nối. Nhưng, người nghệ nhân già không khỏi băn khoăn khi cả 4 người con đều không theo nghề truyền thống, các sản phẩm gốm đa phần phụ thuộc vào du lịch và chưa có sự kết nối để vươn xa.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Nguyên cũng trăn trở: Gốm Thanh Hà rất cần một chiến lược phát triển lớn hơn từ hội nghề nghiệp và Thành phố. Trong đó có vấn đề đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm có tính thẩm mỹ cao chứ không chỉ đơn thuần cha truyền con nối. Việc xây dựng thành phố sáng tạo là cơ hội để Hội An tái xác định vị trí làng nghề cũng như làm mới nghề thủ công truyền thống.

Cũng như làng gốm Thanh Hà, người dân trên cánh đồng của làng Trà Quế hôm nay vẫn miệt mài với ngọn rau nho nhỏ mà thơm đậm đà - sản phẩm của tri thức dân gian nghề trồng rau Trà Quế vừa được Bộ VHTTDL ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 4-4-2022. Nhưng, không chỉ dừng ở danh hiệu, một thành phố sáng tạo hẳn sẽ phải “nghĩ” cách phát huy giá trị di sản, kết nối mạnh mẽ nghề trồng rau nơi đây với nhiều ngành nghề khác như ẩm thực, du lịch... để ngọn rau bé nhỏ trở thành nguồn sống dài lâu cho người dân.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An, bà Ngọc Cẩm chia sẻ: Là thành phố đầu tiên trong cả nước đề xuất lựa chọn nội dung “Thủ công và nghệ thuật dân gian” để xây dựng hồ sơ thành phố sáng tạo trình UNESCO, Hội An không khỏi bỡ ngỡ với nhiệm vụ chưa có tiền lệ này. Dịch Covid-19 thời gian qua đã làm gián đoạn hoạt động của các làng nghề, các mô hình sáng tạo đã có. Đặc biệt, Hội An vẫn cần thêm nhiều mô hình sáng tạo mới mang tinh thần xã hội hóa, có sự chung tay giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nghệ sĩ, người dân...   

Có thể nói, xây dựng thành phố sáng tạo với Hội An cũng như bất cứ thành phố sáng tạo nào của UNESCO cũng không nằm ngoài mục tiêu dệt tiếp mộng ước ấm no của người dân cả về vật chất và tinh thần. Chính vì vậy, các sản phẩm sáng tạo không chỉ giàu tính kế thừa, tính hữu dụng mà còn phải có tính thẩm mỹ cao và kết nối để phát triển bền vững. Như chia sẻ rất thẳng thắn của nhà thiết kế Từ Phương Thảo, giám khảo của hai mùa Vietnam Design Week (Tuần lễ Thiết kế Việt Nam): "Tôi quan tâm tới những sản phẩm lưu niệm mang tính địa phương của vùng đất này. Với bề dày văn hóa và số lượng làng nghề, chúng ta đã có chất liệu quá tốt cho những sản phẩm thiết kế từ gốm, tre dừa, gỗ... Nơi đây chính là ngôi nhà lớn cho những nhà thiết kế trẻ với những art work mang tính ứng dụng cao và rất Hội An, thay vì những vật phẩm nghèo nàn, na ná nhau du nhập từ các nơi như chúng ta thấy trên khắp phố cổ".

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: 

Hội An là một trong 7 thành phố nằm trong kế hoạch xây dựng “Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO” do Bộ VHTT DL chủ trì thực hiện. Đô thị đẹp đẽ này hội đủ các yếu tố cần và đủ cho một thành phố sáng tạo trên lĩnh vực “Thủ công và nghệ thuật dân gian”. Và, ngay từ bước khởi động đầu tiên, các chủ thể từ chính quyền đến nghệ nhân, nghệ sĩ, người dân, doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào hành trình này. Tôi thực sự ấn tượng với những nghệ sĩ trẻ ở Hội An, về cách họ chủ động gắn kết và chuyển tải giá trị truyền thống vào tác phẩm nghệ thuật đương đại. Chúng tôi hy vọng Hội An sẽ trở thành thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á và tiến tới là châu Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội An trên hành trình sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.