Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vở diễn "Điều còn lại"

Thụy Du| 11/06/2019 07:20

(HNM) - Sau khi tấm màn nhung vở diễn

Cảnh trong vở kịch “Điều còn lại”.


"Điều còn lại" do tác giả Nguyễn Đăng Chương viết kịch bản. Ông nói rằng, mình đã dồn nhiều xúc cảm từ lòng biết ơn về sự bao dung, chở che của những người mẹ Việt Nam dành cho con cái, dù chúng có lúc lỡ lầm, hoạn nạn. Vở kịch kể câu chuyện của Thuyến - cô gái vừa tròn 18 tuổi, lấy chồng được mấy ngày thì chồng vào chiến trường.

Tình cảm luyến lưu chưa đủ sâu đậm nên cô gái trẻ trung, sôi nổi ấy đã ngã lòng với Bường - anh bộ đội đi qua làng, để lại kết quả là một đứa con. Không hắt hủi, bà Muộn - mẹ chồng Thuyến lại còn bênh vực con dâu trước miệng lưỡi người đời, rằng "muốn có cháu trông cậy về sau". Nhưng rồi một ngày, chồng Thuyến - Bân từ chiến trường trở về, không chấp nhận sự việc ấy...

Nếu nội dung vở kịch chỉ như thế, nhiều người có sự liên tưởng đến bộ phim "Mẹ chồng tôi" do Nghệ sĩ nhân dân Khải Hưng đạo diễn, để lại ấn tượng sâu đậm cho khán giả truyền hình hơn 20 năm trước. Nhưng "Điều còn lại" dường như là sự tiếp nối khi xoáy vào những ứng xử giữa người với người sau khi Bân trở về.

Đạo diễn nhắc đi nhắc lại rằng, đây là bi kịch của những người tốt. Ai cũng chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ sao đem lại hạnh phúc cho người thân, người mình yêu quý mà quên đi nỗi đau của bản thân. Không phải Bân, Thuyến hay Bường, mà bà Muộn mới là nhân vật chính trong vở kịch, với nỗi đau, sự chịu đựng đến tận cùng và sự bao dung, lối ứng xử nhân từ đến tận cùng. Bởi thế "Điều còn lại" sau vở kịch là những vết thương chưa lành nhưng được an ủi, chia sẻ bằng tình yêu thương mà dịu bớt.

Đây là vở kịch đầu tiên nghệ sĩ Kiều Minh Hiếu - lâu nay được biết đến với vai trò diễn viên sân khấu và điện ảnh, đứng vai trò đạo diễn chính. Chọn vở chính kịch, với anh là sự thử thách bản thân để tiếp nối dòng tác phẩm vốn làm nên thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Tuy nhiên, một phần do kịch bản còn hơi thần tượng hóa nhân vật khi nhiều hành động, suy nghĩ khó có thật ở ngoài đời, một phần do đạo diễn chưa nhiều kinh nghiệm, nên diễn biến vở thiếu sự uyển chuyển. Nhưng phải khẳng định, dàn diễn viên, với hầu hết là gương mặt trẻ vừa vượt qua kỳ thi tuyển gắt gao của nhà hát, đã vào vai rất tốt...

Nghệ sĩ ưu tú Doãn Bằng đã làm cho vở kịch thêm đẹp, thêm gần gũi, nhất là khán giả Thủ đô, bằng thiết kế sân khấu trải rộng một màu vàng óng ả của lúa đang phơi đầy sân, của những bó rạ treo trên cửa gian nhà tre tươm tất. Và không chỉ là vật biểu trưng, chính những bó rạ, chiếc chày, cối hay sân phơi thóc trở thành đạo cụ, góp phần thể hiện tâm trạng, sự dày vò, nỗi đau sâu thẳm của các nhân vật. Thêm vào đó, những làn điệu dân ca Bắc Bộ mượt mà, sâu lắng và bài hát với giai điệu da diết được nhạc sĩ Phùng Tiến Minh viết riêng cho vở kịch, càng đẩy sự xúc động nơi người xem lên cao.

Vở kịch "Điều còn lại" sẽ được diễn phục vụ khán giả từ tháng 6, tại Nhà hát Kịch Việt Nam (1 Tràng Tiền, Hà Nội).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vở diễn "Điều còn lại"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.