Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huy động nguồn lực bảo tồn, tôn tạo di sản: Còn nhiều khó khăn

Nguyễn Thanh| 16/06/2019 07:39

(HNM) - Xã hội hóa hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích là một trong những giải pháp mũi nhọn nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động này cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Kinh phí và cách làm phù hợp có ý nghĩa lớn trong bảo tồn, tôn tạo di sản.


Cần hàng nghìn tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo

Tự hào là nơi sở hữu số lượng di tích lớn nhất cả nước, Hà Nội đồng thời cũng phải đối mặt với tình trạng nhiều di tích xuống cấp. Thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho thấy, thành phố đang có 2.225/5.922 di tích có dấu hiệu xuống cấp; trong đó, 727 di tích xuống cấp từ nặng tới nghiêm trọng, 900 di tích xuống cấp mức trung bình; cần hàng nghìn tỷ đồng để tôn tạo, phục hồi.

Trước tình hình cấp bách này, nhiều năm qua, thành phố đã dành tâm sức, kinh phí cho việc bảo tồn, tôn tạo di tích; đồng thời, tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, mỗi năm Thủ đô dành hàng trăm tỷ đồng cho công tác này. Ngoài ra, tại các địa phương, nhiều tổ chức, cá nhân có sáng kiến hay, cách làm hiệu quả. Tính từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 460 tỷ đồng huy động từ cộng đồng, với 319 lượt di tích được sửa chữa, phục hồi.

Tuy nhiên, hoạt động này cũng còn những tồn tại, khó khăn nhất định. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang cho biết, theo Quyết định 48/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 17-11-2016 về ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố (Quyết định 48/2016/QĐ-UBND), thì đối với những di tích tu bổ bằng nguồn xã hội hóa, phải làm rõ nguồn vốn cũng như có cam kết tính khả thi của việc huy động, mới được xét duyệt thực hiện. Điều này gây không ít khó khăn với cơ sở, khi nhiều nơi thường dựa vào văn bản mang tính chủ trương của cấp trên, rồi mới tiến hành các bước lấy ý kiến cũng như vận động nguồn hỗ trợ trong dân.

Không những vậy, quyết định này chưa quy định về tiếp nhận đóng góp của người dân bằng vật liệu xây dựng hoặc công trình nên các địa phương lúng túng. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Bắc Từ Liêm Phan Thị Thanh Huyền, trên địa bàn quận hiện có 2 di tích được người dân ủng hộ 100% kinh phí tu bổ dưới nhiều hình thức như bằng tiền, vật liệu xây dựng và cả công trình, song do chưa có quy định, nên quận không biết phải tiến hành ra sao.

Một trở ngại đáng kể khác là quy trình xin cấp phép tu bổ, tôn tạo còn phức tạp. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Tín Lê Mạnh Cường nêu: Thủ tục rắc rối, thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, khiến cơ sở mất nhiều thời gian, công sức để chỉnh sửa, hoàn thiện. Không ít trường hợp, khi hoàn thành được các thủ tục thì công trình đã xuống cấp nghiêm trọng hơn, kinh phí cần sử dụng vượt quá dự toán ban đầu, tạo thêm áp lực cho việc huy động vốn.

Khơi thông mọi nguồn lực

Quy hoạch phát triển văn hóa thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu hằng năm thực hiện khoảng 20% việc chống xuống cấp và tu bổ tôn tạo di tích cấp thành phố bằng nguồn kinh phí ngân sách và xã hội hóa. Thực hiện theo hướng ưu tiên, tập trung cho các di tích đặc biệt cũng như di tích lịch sử cách mạng, nhằm khơi thông mọi nguồn lực, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang lấy ý kiến đóng góp điều chỉnh, bổ sung Quyết định 48/2016/QĐ-UBND cho phù hợp thực tế.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Lợi cho rằng, các cơ quan chức năng cần bổ sung quy định cụ thể về việc thực hiện quy trình quản lý, đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích có sử dụng nguồn vốn xã hội hóa trong nhân dân để các địa phương thống nhất thực hiện. Sớm ban hành bộ thủ tục hành chính về tu bổ, tôn tạo di tích, quy định cụ thể quy trình, thủ tục, thời gian xét duyệt… để có cơ sở thực hiện thuận lợi hơn. Với việc cam kết tính khả thi về huy động vốn, có thể xem xét, áp dụng vào thời điểm phù hợp.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia Đặng Văn Bài, các địa phương cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng cách chủ động tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia; khẩn trương phổ biến các quy định để người dân hiểu đúng, có quyết định đúng khi tham gia trùng tu, tôn tạo di tích. Các địa phương nên thành lập Ban Giám sát với các thành viên là đại diện các phòng, ban liên quan, đại diện nhân dân để kịp thời ngăn chặn tình trạng tự ý tu bổ, phá vỡ yếu tố gốc cấu thành di tích, như đã từng xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước.

Giải đáp những vướng mắc nêu trên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động khẳng định: Đã giao cho các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát quy trình, thủ tục, lập bộ thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng, thuận lợi cho các địa phương thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích; tiến hành tổng hợp ý kiến từ các địa phương, làm cơ sở tham mưu cho UBND thành phố bổ sung, điều chỉnh Quyết định 48/2016/QĐ-UBND. Song, để công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích phát huy hiệu quả, các địa phương cần thực hiện việc huy động vốn, triển khai tu bổ, tôn tạo di tích một cách công khai, minh bạch theo nguyên tắc khoa học với sự giám sát chặt chẽ của cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động nguồn lực bảo tồn, tôn tạo di sản: Còn nhiều khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.