Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự hào Hà Nội - 20 năm Thành phố Vì hòa bình!

Mai Lâm| 07/07/2019 07:07

LTS: Cách đây 20 năm, Hà Nội là một trong 5 thành phố tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”. Để đạt được danh hiệu đầy tự hào đó, Hà Nội đã đáp ứng hàng loạt tiêu chí như: Có thành tích tiêu biểu về thúc đẩy đoàn kết xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề đô thị hóa, môi trường sinh thái,…

Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, có thể thấy, những kết quả, thành tựu Hà Nội đã đạt được để UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình” luôn được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô phát huy, để có những bước tiến ngày càng vững chắc, toàn diện về mọi mặt. Với mong muốn giúp độc giả nhìn lại phần nào những nỗ lực, thành tựu thành phố đã đạt được trong 20 năm qua, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu loạt bài “Tự hào Hà Nội - 20 năm Thành phố Vì hòa bình!”.

Thành phố Hà Nội yêu chuộng hòa bình đã được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Bài 1: Chặng đường phát triển tự hào

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua, chứng kiến bao thăng trầm và cũng là nơi khiến nhiều thế lực ngoại xâm hùng mạnh phải cúi đầu khuất phục trước sức mạnh của lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Dù trải qua nhiều đau thương, mất mát nhưng tinh thần yêu chuộng hòa bình, thông điệp hòa bình từ Thăng Long - Hà Nội luôn lan tỏa mạnh mẽ.

1. Nói tới Thăng Long - Hà Nội, không thể không nói tới truyền thống văn hiến, anh hùng được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua, chứng kiến bao đau thương, mất mát của chiến tranh bắt nguồn từ tham vọng của các thế lực ngoại bang hùng cường. Thế nhưng, tất cả những tham vọng đó đã phải cúi đầu khuất phục tại mảnh đất lắng hồn núi sông ngàn năm, trước sức mạnh đoàn kết, tinh thần yêu nước của một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Những chiến công lừng lẫy, hiển hách được sử sách ghi lại như: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Đông Bộ Đầu, Đông Quan, Đống Đa,… và gần nhất, trong lịch sử hiện đại là “Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành minh chứng điển hình. Đó là những mốc son chói lọi trong lịch sử oai hùng của một dân tộc không mong muốn chiến tranh, xung đột, nhưng khi cần, để bảo vệ hòa bình, chủ quyền lãnh thổ, lẽ phải, vì cuộc sống yên bình, sẵn sàng đồng lòng đứng dậy, dù có phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, “tát cạn Biển Đông” cũng sẽ quyết giữ cho bằng được độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thế nhưng, càng trải qua chiến tranh, đau thương, mất mát, tinh thần yêu chuộng hòa bình, mong muốn hòa bình của Thăng Long - Hà Nội càng được bồi đắp. Từ trong mịt mù khói lửa binh đao, cha ông ta vẫn luôn khao khát một "Thăng Long phi chiến địa". Để rồi với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, Thăng Long - Hà Nội đã hội tụ, kết tinh và quan trọng hơn là đã phát huy được tinh hoa, giá trị văn hóa của hào kiệt bốn phương: “Văn quan cầm bút an thiên hạ/ Võ tướng đề đao định thái bình”. Khi mà giá trị của hòa bình ngày càng được nhân loại nhìn nhận, đánh giá đúng, chuyển từ đối đầu sang đối thoại, mong muốn hòa bình đã được Thăng Long - Hà Nội gìn giữ, bồi đắp, trao truyền trong hơn nghìn năm lịch sử càng được khẳng định. Đó là tiền đề ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được tôi rèn trong mọi hoàn cảnh, tạo bản sắc gần gũi, thân thiện, nhưng không dễ giải mã. Tất cả đã hun đúc, tạo nền tảng vững chắc cho Thủ đô vững vàng phát triển.

2. So với lịch sử Thăng Long - Hà Nội, chặng đường 20 năm qua thật ngắn. Nhưng trong một giai đoạn phát triển mới, yêu cầu mới và cả với danh hiệu mới, đầy tự hào “Thành phố Vì hòa bình” đã đặt lên vai Hà Nội những nhiệm vụ, thử thách rất nặng nề. Phát huy truyền thống văn hiến quý báu được trao truyền, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã cùng nỗ lực phấn đấu, đạt những kết quả đáng tích cực. Các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII, XIV, XV, XVI của Đảng bộ thành phố đã được chính quyền, quân, dân Thủ đô thực hiện đạt kết quả cao. Ngay trong nhiệm kỳ 1996-2000 đã chứng kiến nhiều thay đổi tích cực về mọi mặt đời sống Thủ đô. Nhiều công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội được triển khai. Năm 1999, Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình”. Năm 2000, Hà Nội tiếp tục vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý “Thủ đô Anh hùng” do Đảng, Nhà nước phong tặng…

Để cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề đô thị hóa, môi trường sinh thái,… trong 20 năm qua, nhiều mục tiêu, chương trình, công trình đã được hoàn thành, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, góp phần cải thiện đời sống người dân. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 15/NQ/QH12, ngày 29-5-2008 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan” (có hiệu lực từ 1-8-2008), đã tạo thế và lực mới cho Hà Nội phát triển với diện tích 3.344,7km2, gấp 3,6 lần diện tích cũ, 29 đơn vị hành chính trực thuộc, dân số hơn 6 triệu người (hiện nay là 30 quận, huyện, thị xã). Nhiều vấn đề, công việc khó, chưa từng có trong tiền lệ phát sinh khi mở rộng địa giới hành chính đã được thành phố xử lý phù hợp, hiệu quả, tạo sức phát triển mạnh mẽ cho Thủ đô. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, hiệu lực hiệu quả hoạt động của bộ máy chính trị ngày càng được nâng cao. Đến nay, chỉ số PAPI của Hà Nội đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố; chỉ số Par Index đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Nhờ sự nỗ lực đó, trong 20 năm qua, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, hàng loạt công trình tiêu biểu là: Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường Vành đai 3 và Vành đai 3 trên cao, đường Vành đai 2, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài,… đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. 10 năm gần đây, kinh tế Thủ đô tăng trưởng bình quân 7,61%. Bên cạnh nâng cao hiệu quả giải quyết ùn tắc giao thông, các vấn đề liên quan trực tiếp tới dân sinh như cấp, thoát nước, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường luôn được thành phố đặc biệt quan tâm, bảo đảm chất lượng sống cho người dân. Chương trình 1 triệu cây xanh về đích trước 2 năm không chỉ tạo cảnh quan đô thị mới mà còn góp phần nâng cao chất lượng không khí trong thành phố...

Bộ mặt ngoại thành, đời sống người dân nông thôn cũng có bước chuyển mạnh mẽ thông qua thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2018 đã có 324/386 xã về đích xây dựng nông thôn mới. Với những kết quả tích cực đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, xuống còn 1,16%, về đích trước 2 năm chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra. Khoảng cách mức sống giữa các quận nội thành với các huyện được thu hẹp, thành phố không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng có thay đổi rõ rệt. Những con số trên là minh chứng sống động về những thay đổi mạnh mẽ của thành phố trong 20 năm qua, tiếp tục hướng tới, nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu vì con người, đời sống người dân, những tiêu chí danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” mà Hà Nội đã đạt được năm 1999.

Chính trị, an ninh ổn định, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần được nâng lên, khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, du khách quốc tế chọn Hà Nội là điểm đến. Nhiều trang web, tạp chí du lịch đánh giá, xếp Hà Nội là điểm đến thân thiện, hấp dẫn hàng đầu thế giới (qua đánh giá của khách du lịch). Hình ảnh Thủ tướng Australia John Howard thong thả chạy bộ buổi sáng ở hồ Hoàn Kiếm, Tổng thống Pháp Francois Hollande thong thả tản bộ trong khu phố cổ, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngồi ăn bún chả cùng người dân, Tổng thống Argentina Mauricio Macri thưởng thức cà phê vỉa hè… với người dân Hà Nội càng thể hiện rõ điều đó. Đặc biệt, tháng 2-2019, Hà Nội đã được Hoa Kỳ và Triều Tiên chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa hai bên. Tất cả khẳng định, sức hấp dẫn từ sự phát triển ổn định, khẳng định niềm tin vào Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình.

Càng tự hào với những giá trị đặc biệt ấy, càng phải quyết tâm gìn giữ, phát huy hơn nữa danh hiệu vẻ vang của Thủ đô!

6 tháng đầu năm 2019, kinh tế - xã hội của Hà Nội tiếp tục đạt kết quả toàn diện trên các mặt. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ, với tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội (GRDP) tăng 7,21% (cùng kỳ tăng 7,15%). Thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội đạt 5,03 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước. Khách du lịch đến Hà Nội vẫn đạt 14,4 triệu lượt (tăng 9,5%), trong đó khách quốc tế đạt 3,3 triệu lượt, tăng 10,6% so với cùng kỳ của năm 2018. Tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn đạt 57,3%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 83,9%,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào Hà Nội - 20 năm Thành phố Vì hòa bình!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.