Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng thêm sức mạnh cho hương ước, quy ước

Đoan Trang| 25/04/2021 05:20

(HNMCT) - Được cộng đồng dân cư cùng tham gia soạn thảo, hương ước, quy ước đã thực sự góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới. Từ hiệu quả không thể phủ nhận, thời gian tới thành phố Hà Nội cần làm gì để tăng thêm sức mạnh cho hương ước, quy ước? Hànộimới Cuối tuần đã ghi lại ý kiến của một số nhà quản lý văn hóa về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Lợi - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai:
Người dân là chủ thể xây dựng, thực hiện hương ước

Tại huyện Thanh Oai, hương ước, quy ước làng xã đã tạo được hiệu quả đáng kể trong việc xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ sở. Cũng nhờ việc phát huy vai trò của hương ước, quy ước làng xã mà huyện Thanh Oai đang đứng đầu thành phố về các danh hiệu văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 90%. Tỷ lệ làng văn hóa đạt trên 86,4% trong khi toàn thành phố đạt 62%. Đặc biệt, huyện đã xây dựng thành công 2 mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu” đầu tiên của Hà Nội. Hương ước, quy ước làng xã đã giúp người dân giữ được những phong tục tập quán tốt đẹp của ông cha từ lễ hội đến những nghi thức cúng tế hay nét đẹp văn hóa trong việc cưới, việc tang. Cưới văn minh được ghi rõ trong hương ước là đảm bảo vui tươi, tiết kiệm, không phô trương hình thức, không mở loa đài ầm ĩ. Hương ước cũng quy định, tang văn minh là không được kéo dài quá 48 giờ, không được mở đài quá to, quá khuya, khuyến khích hỏa táng. Về vấn đề vệ sinh môi trường, trong hương ước cũng quy định rõ cách thức thu gom, phân loại rác, quy định ngày tổng vệ sinh toàn thôn...

Hương ước, quy ước làng xã phát huy hiệu quả được, theo tôi là do hương ước, quy ước làng xã được chính cộng đồng dân cư đưa ra bàn bạc, thảo luận và tự nguyện thực hiện. Thêm vào đó, cứ 2 năm một lần huyện Thanh Oai lại có một đợt sửa đổi bổ sung, cập nhật các quy định mới của pháp luật, quy tắc ứng xử của thành phố, các vấn đề về xây dựng nông thôn mới vào hương ước, quy ước. Những quy định lạc hậu sẽ được thay thế bằng những quy định phù hợp với đời sống hiện đại hơn. Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của hương ước, theo tôi, hương ước, quy ước cần được soạn thảo sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, gần gũi với người dân. Ngoài ra, cần có những văn bản hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” để người dân lĩnh hội nội dung quy ước, hương ước một cách tốt nhất.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh:
Cần có quy định thưởng phạt rõ ràng

Thực tế, có những vấn đề nảy sinh trong đời sống mà pháp luật chưa thể bao trùm, điều chỉnh nhưng hương ước, quy ước làng xã lại làm được. Chính sự mềm mỏng, hợp tình hợp lý dựa trên nguyên tắc tình làng nghĩa xóm và sợi dây cố kết cộng đồng mà hương ước làng xã đã ngày càng phát huy được hiệu quả trong việc xây dựng nếp sống văn hóa nơi cơ sở. Người dân nghiêm chỉnh chấp hành bởi hương ước chính là bản cam kết “mềm” do cộng đồng dân cư đề ra, được lấy ý kiến rộng rãi của tất cả mọi người và đồng thuận thực hiện. Điển hình như việc triển khai việc tang văn minh của huyện Đông Anh hiện nay có 4 nội dung: Xóa bỏ hủ tục; tổ chức tang ngắn gọn, đơn giản; không ăn uống tràn lan, linh đình; thực hiện hỏa táng.

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật rất khó can thiệp để người dân lựa chọn hỏa táng bởi việc tang thường liên quan đến vấn đề tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống, nhưng khi nội dung về tang văn minh được đưa vào trong hương ước, quy ước thì người dân lại nghiêm túc thực hiện. Bởi những quy định đó trước tiên đã được đa số người dân thông qua, tiếp đó là do hình thức vận động, tuyên truyền mềm dẻo của chính quyền thôn, xã đã có tác động tích cực tới họ. Chính vì điều này mà có những địa phương như xã Kim Nỗ, ban đầu tỷ lệ hỏa táng kém nhất huyện, chỉ đạt 2%, nhưng sau khi đưa nội dung tang văn minh vào quy ước, hương ước thì đa số người dân đã thực hiện nghiêm túc. Đến nay, Kim Nỗ là một trong những đơn vị đạt tỷ lệ hỏa táng 100%. Những xã như Liên Hà hoặc Nam Hồng tính đến thời điểm hiện tại có đến 4 - 5 thôn từ 10 năm nay duy trì tỷ lệ hỏa táng đạt 100%. Vừa rồi, khi huyện Đông Anh thực hiện Đề án “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, huyện cũng đưa nội dung của Đề án vào trong hương ước, quy ước. Từ đó, việc phân công người dân làm đường hoa, chăm sóc hoa hoặc cắt cử người duy trì hệ thống chiếu sáng ở đường làng, ngõ xóm... được triển khai dễ dàng hơn. Ai nấy đều tự nguyện chăm chút cho đường hoa, cổng hoa, vườn hoa tại khu vực mình sinh sống, nhắc nhở nhau thực hiện tốt các quy định giữ gìn vệ sinh chung... Hương ước khiến cho việc xây dựng nếp sống văn hóa trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều so với việc chỉ áp dụng biện pháp hành chính, pháp lý.

Tuy nhiên, hiện tại hương ước không có chế tài thưởng phạt, bởi vì theo quy định không được phép đưa chế tài xử phạt vào trong hương ước, quy ước làng xã. Theo tôi, để phát huy hiệu quả vai trò của hương ước, quy ước, cần phải có thêm những quy định thưởng phạt rõ ràng - do người dân bàn bạc và thống nhất về mặt hình thức.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thất:
Tạo động lực xây dựng nếp sống văn hóa

Huyện Thạch Thất có truyền thống văn hóa lâu đời nên việc xây dựng và thực hiện theo hương ước, quy ước rất được các thôn, xã chú trọng. Vào dịp đầu năm, hầu hết các xã, thôn trên địa bàn huyện đều tổ chức Hội nghị đại biểu nhân dân, trong đó các nội dung về xây dựng nếp sống văn hóa nơi cơ sở được đưa ra bàn bạc và thảo luận. Đến cuối năm, vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (ngày 18-11), huyện sẽ tổ chức Hội nghị Đại đoàn kết toàn dân và thông qua đó báo cáo kết quả một năm thực hiện hương ước, quy ước, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch. Tại hội nghị, những vấn đề khó khăn, bất cập hoặc chưa hợp lý sẽ được đưa ra thảo luận, xin ý kiến của toàn thể nhân dân nhằm đưa ra hướng điều chỉnh, sửa đổi bổ sung thích hợp. Đặc biệt, ban tổ chức hội nghị thường mời những người cao tuổi trong dòng họ - những người vừa có tiếng nói trong dòng họ vừa có tiếng nói trong gia đình, sẽ là những người đưa ra ý kiến, đóng góp trực tiếp vào hương ước, quy ước và giúp cho việc thực hiện hương ước trong các thôn diễn ra nghiêm túc hơn, thiết thực hơn. Đáng chú ý, những trường hợp vi phạm hương ước, quy ước sẽ được đưa ra phê bình, rút kinh nghiệm nghiêm khắc, đồng thời những trường hợp làm tốt sẽ được biểu dương.

Để phát huy hơn nữa vai trò của hương ước, quy ước, tôi cho rằng công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi thực hiện theo hương ước cần phải được chú trọng. Tiếp đó, các hình thức thi đua khen thưởng phải được quan tâm nhiều hơn. Trong hội nghị thôn, xã, cần đưa ra các tấm gương sáng để khen thưởng, qua đó tạo sự thi đua trong từng hộ gia đình. Điều này rất quan trọng, giúp tạo động lực cho người dân hăng hái tham gia xây dựng nếp sống văn hóa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng thêm sức mạnh cho hương ước, quy ước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.