Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị nền tảng y tế để sống chung an toàn với Covid-19

Nhóm phóng viên| 18/09/2021 18:53

(HNMO) - Để phục vụ chiến lược sống chung với Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh duy trì việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trong cộng đồng theo từng vùng nguy cơ, trong đó, khuyến khích người dân tự lấy mẫu xét nghiệm; khuyến khích cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động tạo nguồn kinh phí và tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho đơn vị mình.

 Tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh tính đến tối 18-9.

Tiếp tục xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng

Ngày 18-9, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết, trong bối cảnh thành phố đang thí điểm nới lỏng một số hoạt động xã hội tại quận 7 và các huyện Củ Chi, Cần Giờ từ nay đến ngày 30-9, việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại các quận, huyện này và các địa phương khác của thành phố vẫn được triển khai theo quy định của Bộ Y tế.

Cụ thể, tại vùng đỏ, vùng cam, lấy mẫu mẫu gộp 2, gộp 3 để xét nghiệm toàn bộ người dân (đại diện hộ gia đình) cứ 7 ngày 3 lần với xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc mẫu gộp các thành viên trong hộ gia đình với xét nghiệm RT-PCR.

 Thành phố Hồ Chí Minh duy trì chiến lược xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng.

Tại các vùng vàng, vùng xanh và cận xanh, lấy mẫu xét nghiệm 5-7 ngày/lần với phương pháp mẫu gộp đại diện hộ gia đình (vùng xanh và cận xanh lấy mẫu gộp 10, vùng vàng lấy mẫu gộp 5). Người lấy mẫu lần sau phải khác người đại diện lấy mẫu lần trước; ưu tiên lấy mẫu người chưa tiêm vắc xin, người có tiếp xúc với nhiều người khác. Nếu gia đình có trên 5 nhân khẩu, lấy mẫu xét nghiệm 2 người đại diện.

Các đội lấy mẫu xét nghiệm cơ động của địa phương phải có sự tham gia của tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, tổ nhân dân, ban điều hành khu phố, ấp… Địa điểm tổ chức lấy mẫu phải bảo đảm thuận lợi hoặc lấy ngay tại nhà dân. Nếu để người dân tự lấy mẫu hoặc tự tổ chức xét nghiệm nhanh, tổ y tế phải thu cả khay xét nghiệm, cả với xét nghiệm dương tính và âm tính.

Về công tác xét nghiệm tại nhà máy, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đơn vị được hoạt động trong thời gian thí điểm nới lỏng giãn cách xã hội tại quận 7, các huyện Củ Chi và Cần Giờ, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Tâm cho biết, các hộ dân, đơn vị này chủ động nguồn kinh phí và tổ chức xét nghiệm nhanh mẫu gộp 3, tần suất 2 ngày/lần với hộ dân, cơ sở kinh doanh. Các công ty, doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế địa phương để được hướng dẫn và giám sát việc chủ động lấy mẫu xét nghiệm định kỳ cho người lao động.

 Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hướng dẫn để người dân tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Nói về việc duy trì công tác xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh: “Người nhiễm Covid-19 với biến chủng Delta phần lớn không có triệu chứng. Tuy nhiên, biến chủng này lại lây lan rất nhanh và trở nặng trong thời gian ngắn. Việc duy trì xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng chính là một phần quan trọng của chiến lược sống chung với Covid-19. Chỉ có xét nghiệm mới kịp thời phát hiện nguồn lây và sớm khống chế, không để dịch lan rộng. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế”.

Tăng cường hệ thống y tế cơ sở 

Số liệu của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến ngày 18-9, thành phố đang điều trị cho hơn 41.000 bệnh nhân Covid-19. Dù mỗi ngày, thành phố vẫn đang phát hiện khoảng 5.000 ca nhiễm mới, cho ra viện hơn 2.000 ca bệnh được điều trị thành công, nhưng số bệnh nhân phải nhập viện (tầng 2 và 3 của tháp điều trị) chỉ khoảng hơn 1.000 bệnh nhân. Như vậy, số ra viện đang cao hơn số vào viện. Ngoài ra, mỗi ngày, thành phố Hồ Chí Minh có thêm gần 4.000 ca F0 được điều trị tại nhà, nơi cư trú.

“Tăng cường hệ thống y tế cơ sở là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, thực hiện chiến lược lâu dài không chỉ sống chung an toàn với Covid-19, mà còn tạo lực lượng y tế dự phòng ứng phó với các loại dịch bệnh khác”, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết.

 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ duy trì hoạt động của các Trạm Y tế lưu động ở cơ sở để chăm sóc F0 điều trị tại nhà.

Thành phố Hồ Chí Minh duy trì 411 trạm y tế lưu động, mỗi trạm có 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và lực lượng tình nguyện viên bổ sung, chăm sóc từ 50 đến 100 F0 điều trị tại nhà. Lực lượng này phần lớn được bổ sung từ Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các địa phương trên cả nước. Để từng bước gánh vác công việc chăm sóc F0 điều trị tại nhà, ngành Y tế thành phố đang chủ động hình thành các tổ y tế cơ sở.

Cụ thể, thành phố hướng tới việc mỗi xã, phường, thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều Trạm y tế lưu động. Về nhân lực, Trung tâm y tế tuyến huyện và lực lượng hỗ trợ bố trí đủ nhân lực cho Trạm y tế lưu động hoạt động. Mỗi Trạm y tế lưu động có tối thiểu 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất 1 bác sĩ phụ trách, còn lại là điều dưỡng và các nhân viên y tế khác; có tối thiểu 1 nhân viên y tế nắm rõ địa bàn dân cư được giao.

Ngoài nhân viên y tế trong biên chế, có thể huy động sự tham gia của đội ngũ y tế tư, nhân viên y tế đã nghỉ hưu trên địa bàn. Chính quyền cấp xã có trách nhiệm huy động thêm các nhân lực khác trên địa bàn, như: Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phường, Tổ dân phố… để tham gia hỗ trợ các hoạt động cần thiết khác của Trạm y tế lưu động. Các Trạm y tế lưu động này sẽ là “cánh tay nối dài” của 312 Trạm y tế xã, phường trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại cơ sở.

Ngày 18-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành công văn hướng dẫn xác định người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh.

Theo đó, người đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 hoặc người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly là đủ điều kiện có “Thẻ xanh Covid”. Việc chứng nhận là F0 khỏi bệnh là một trong các điều kiện để được cấp thẻ xanh.

Đối với các trường hợp tự làm xét nghiệm, tự cách ly tại nhà và được trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc tổ trưởng tổ dân phố/tổ nhân dân hoặc các tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà do các trường đại học y khoa hoặc các tổ chức thiện nguyện đảm trách xác nhận là đúng thì được xem như đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà.

Đối với các trường hợp khác (không được tổ chức hoặc cá nhân xác nhận) thì cần tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Như vậy, thời gian tới, những người nhiễm Covid-19 tự xét nghiệm, tự cách ly tại nhà nhưng chưa được cấp giấy xác nhận có thể thực hiện như hướng dẫn trên để được cấp giấy chứng nhận hoặc có hướng xử lý thích hợp để đủ điều kiện được cấp “Thẻ xanh Covid”.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị nền tảng y tế để sống chung an toàn với Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.