Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường y tế cơ sở để sống chung an toàn với Covid-19

Thu Hoài| 25/11/2021 17:52

(HNMO) - Trong 4 ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 mới, số ca nhập viện và số tử vong tại thành phố Hồ Chí Minh đều tăng. Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh tính đến chiều 25-11.

Số ca nhiễm, ca nặng, tử vong đều tăng

Số liệu do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh công bố cho thấy, tại các cơ sở y tế tầng điều trị 2 và 3, tính đến ngày 25-11, thành phố đang điều trị cho 14.342 bệnh nhân, trong đó có 578 trẻ em dưới 16 tuổi, 357 bệnh nhân nặng đang thở máy, 10 bệnh nhân can thiệp ECMO. Số ca F0 điều trị tại nhà là hơn 57.000 trường hợp.

Đáng chú ý, số ca thở máy có dấu hiệu tăng: Ngày 21-11 có 327 ca; ngày 22-11 có 350 ca; ngày 23-11 có 341 ca và ngày 24-11 có tới 357 ca. Tương tự, số ca F0 nhập viện cũng tăng: Ngày 21-11 có 1.223 ca; ngày 22-11 có 1.504 ca; ngày 23-11 có 1.594 ca và ngày 24-11 có 1.582 ca.

Số ca thở máy, số ca nhập viện do Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh tăng cao.

Đặc biệt, số ca tử vong đang tăng nhanh: Ngày 21-11 có 59 ca; ngày 22-11 có 62 ca; ngày 23-11 có 77 ca và ngày 24-11 có 59 ca. Như vậy, trong 4 ngày qua, trung bình mỗi ngày, có tới 66 ca tử vong, tăng so với mức 47 ca/ngày của trung bình 4 ngày trước đó (từ 17 đến 20-11).

Lý giải về những số liệu này, Sở Y tế thành phố thông tin, do thành phố tiếp tục mở thêm nhiều hoạt động xã hội, lượng tiếp xúc xã hội nhiều hơn nên số ca nhiễm mới Covid-19 cũng nhiều hơn. Cùng với đó, một bộ phận người dân còn chủ quan với dịch bệnh, nên chưa kịp thời báo cho cơ quan y tế khi có dấu hiệu nhiễm bệnh. Thậm chí, có trường hợp biết mình đã nhiễm Covid-19, nhưng không báo ngay để cơ quan chuyên môn theo dõi, cấp phát thuốc kịp thời, dẫn đến khi bệnh trở nặng, mới được chuyển đến bệnh viện.

Số ca tử vong do Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng tăng.

Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồng Tâm cho biết, ngành Y tế thành phố đã triển khai các tổ chức, cơ sở y tế đến tận phường, xã, thị trấn. Người dân khi có dấu hiệu nhiễm Covid-19 hoặc khi biết mình dương tính với SARS-CoV-2, cần báo ngay cho y tế cơ sở để được theo dõi, hướng dẫn, chăm sóc phù hợp.

“Theo quy trình, trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận tin báo, nhân viên y tế cơ sở phải tiếp cận người bệnh để thăm khám, tư vấn”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm nói.

Làm rõ thêm về vấn đề này, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết, cũng có thực tế là thời gian qua, tại một số phường, xã, đội ngũ y tế cơ sở chỉ có 10 người, nhưng dân số trên địa bàn lên đến 170.000 người. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ điều động lực lượng quân y tham gia y tế cơ sở để chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Điều động quân y tăng cường y tế cơ sở

Để giải quyết vấn đề quá tải cục bộ tại một số địa bàn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Phạm Đức Hải cho biết, thành phố đang triển khai bổ sung nhân lực y tế cho trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động. Cùng với đó, UBND thành phố cùng ngành Y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh bổ sung lực lượng quân y về các cơ sở y tế địa phương, tăng năng lực chăm sóc F0.

“Người dân khi cần báo tin, ngoài việc báo cho y tế địa phương, có thể báo thêm qua tổng đài 1022; báo cho UBND phường, xã… để có thêm kênh thông tin tới cơ quan chức năng”, ông Phạm Đức Hải lưu ý.

Cũng với nội dung tăng cường năng lực y tế địa phương, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố tiếp tục thành lập các khu cách ly trong các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Sở Y tế cũng đã ban hành quy chế phối hợp giữa các khu cách ly này với y tế địa phương để chăm sóc tốt hơn cho những F0 là công nhân được phát hiện trong quá trình làm việc tại các nhà máy.

Nói rõ hơn về việc mới chỉ có 4 cơ sở cách ly y tế tại gần 30 khu chế xuất, khu công nghiệp, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, việc thành lập cơ sở cách ly y tế phòng dịch Covid-19 trong khu vực sản xuất cần được tuân thủ các điều kiện phòng bệnh truyền nhiễm. Không phải nơi nào cũng thành lập được, bởi liên quan đến vị trí địa lý, điều kiện sinh hoạt, sản xuất của từng khu... “Hiện các khu công nghiệp đều muốn thành lập khu cách ly, nhưng Sở Y tế phải thẩm định trước khi cho phép”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thiết lập thêm các cơ sở cách ly y tế tại các khu công nghiệp trong thời gian tới.

Về số ca tử vong tăng cao, theo Sở Y tế thành phố, qua thống kê sơ bộ thời gian qua, ngoài những trường hợp bệnh tiến triển nặng mới báo lực lượng y tế, nhiều F0 tử vong khi nhiễm Covid-19 là người trên 65 tuổi; người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19.

Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thêm: “Còn có một lượng nhất định bệnh nhân Covid-19 nặng từ các địa phương phía Nam chuyển về thành phố Hồ Chí Minh để điều trị, sau đó tử vong. Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, rất mong người dân nâng cao cảnh giác, hợp tác với cơ quan y tế để cùng khống chế dịch bệnh”.

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi thành phố đề nghị Bộ Y tế tăng cường thuốc kháng vi rút (gói thuốc C), Bộ Y tế đã chuyển thêm 5.000 liều Molnupiravir cho thành phố. Đến chiều 25-11, Bộ Y tế chuyển thêm 120.000 viên thuốc kháng vi rút tương tự như Molnupiravir cho thành phố. Cùng với đó, Hội Đông y thành phố cũng tài trợ một lượng lớn thực phẩm chức năng để ngành Y tế thành phố bổ sung gói thuốc A (thuốc bồi bổ sức khỏe) cho F0 điều trị tại nhà.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường y tế cơ sở để sống chung an toàn với Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.