Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh

Nhóm phóng viên| 20/12/2021 17:09

(HNMO) - Tiếp tục thực hiện Chỉ thị mới nhất của Chủ tịch UBND thành phố về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, ngày 20-12, các địa phương của Hà Nội tiếp tục xây dựng, ban hành các kịch bản, phương án chống dịch ở mức cao hơn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Đồng thời, bảo đảm triển khai tối đa việc quản lý, điều trị F0 triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi đủ điều kiện; sẵn sàng kích hoạt các cơ sở thu dung điều trị F0, triển khai quản lý F0 tại nhà...

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn phường Yên Phụ chấp hành quy định chỉ bán mang về để phòng, chống dịch.

Tiếp nhận, quản lý các trường hợp F0 tại cơ sở thu dung và tại nhà

Phó Chủ tịch UBND phường Việt Hưng (quận Long Biên) Giáp Thị Thanh Nhàn cho biết, từ ngày 11-10 đến 6-12, toàn phường ghi nhận 20 ca mắc Covid-19. UBND phường đã xây dựng và ban hành phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người mắc Covid-19 trên địa bàn. Bên cạnh đó, UBND phường đã kích hoạt trạm y tế lưu động, triển khai quản lý F0 tại nhà. Trong đó, tư vấn cách điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng để nâng cao đề kháng; hướng dẫn thu gom rác thải của F0 theo quy trình...

Thực hiện chỉ thị mới của thành phố, UBND phường Việt Hưng đã khẩn trương họp, ban hành phương án phòng, chống dịch trong giai đoạn có nhiều F0 trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, tính từ ngày 13-12 đến nay, toàn huyện ghi nhận 100 ca F0, trong đó có 23 F0 trong cộng đồng. Trước diễn biến số ca mắc gia tăng, huyện đã xây dựng phương án về cách ly, theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà, đồng thời kiện toàn nhân lực của 16/16 trạm y tế lưu động, với 123 nhân viên; phân công 16 bác sĩ của Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa huyện phụ trách chuyên môn tại các trạm y tế lưu động. Các xã, thị trấn đã thành lập 127 tổ hỗ trợ, theo dõi người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà với 591 người tham gia. Cùng với phương án của huyện, 16/16 xã, thị trấn cũng đã xây dựng phương án điều trị F0 tại nhà. Trong đó, tại xã Hạ Mỗ hiện có 5 trường hợp F0 đang được điều trị tại nhà.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các trạm y tế lưu động trên địa bàn huyện Thường Tín đều có cán bộ, y, bác sĩ, lực lượng công an, quân đội làm nhiệm vụ. Riêng khu cách ly, điều trị được chia thành 2 phòng tương ứng với 2 loại đối tượng người bệnh là điều trị bệnh nhân không triệu chứng và điều trị bệnh nhân triệu chứng nhẹ. Các phòng được thiết kế bảo đảm thông thoáng, phòng của bệnh nhân nam và nữ riêng biệt. Tại Trạm Y tế lưu động xã Văn Bình đã tiếp nhận 130 bệnh nhân F0, đều là người trên địa bàn huyện. Trong đó, có 2 bệnh nhân xã Liên Phương đã được chuyển viện điều trị, các bệnh nhân còn lại sức khỏe đều ổn định.

Một trạm y tế lưu động được đặt tại Trường Mầm non xã Văn Bình (huyện Thường Tín).

Bác sĩ Lương Thị Luyên, Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín, là một trong 5 y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trạm Y tế lưu động xã Văn Bình chia sẻ: "Nhiệm vụ của tôi hằng ngày là tiếp nhận, sắp xếp chỗ ở cho bệnh nhân; theo dõi các chỉ số sinh tồn, cấp phát thuốc, hóa chất cho bệnh nhân. Tại đây đang điều trị cho 11 bệnh nhân là trẻ nhỏ, mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm, các con cũng sợ, nhưng được sự hỗ trợ, động viên của y, bác sĩ, các con đều vui vẻ hợp tác".

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết thêm, đến nay, huyện đã ban hành quyết định thành lập 33 trạm y tế lưu động tại 29 trường học trên địa bàn và 4 cụm công nghiệp.

Tính từ ngày 29-10 đến nay, địa bàn huyện Hoài Đức ghi nhận 632 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 344 ca tại cộng đồng. Lực lượng chức năng huyện, các xã, thị trấn đã truy vết 3.274 trường hợp F1, 2.816 trường hợp F2, triển khai các biện pháp cách ly, phong tỏa, khử khuẩn và phòng dịch theo quy định.

Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, chủ động trong công tác điều trị F0 tại địa phương theo quy định, huyện đã kích hoạt Trạm Y tế lưu động số 1 với quy mô 300 giường, đưa vào hoạt động từ ngày 23-11, đã tiếp nhận 418 bệnh nhân đến điều trị, tình hình bệnh nhân ổn định. Tính đến 11h ngày 20-12, còn 177 bệnh nhân đang điều trị. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức cũng được giao chỉ tiêu 100 giường điều trị bệnh nhân tại tầng 2. Tính đến 16h ngày 15-12, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 85 bệnh nhân, tình hình bệnh nhân ổn định, công tác hậu cần đáp ứng yêu cầu. 

Niềm vui ra viện của bệnh nhân Covid-19 sau khi điều trị khỏi tại cơ sở thu dung phường Yên Phụ (quận Tây Hồ).

Sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch

Bên cạnh việc tiếp nhận F0 vào cơ sở thu dung, quản lý, giám sát F0 điều trị tại nhà, các địa phương cũng sẵn sàng nhân lực và cơ sở vật chất để đáp ứng với các tình huống dịch bệnh.

Ngày 20-12, khảo sát trên địa bàn phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), nơi đang được xếp ở cấp độ 3 về phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã treo biển thông báo chỉ bán hàng mang về. Theo Chủ tịch UBND phường Yên Phụ Hoàng Xuân Sáng, tính đến 11h ngày 20-12, khu thu dung của phường đã tiếp nhận 159 bệnh nhân vào điều trị và hiện còn 104 bệnh nhân đang điều trị. UBND phường đã cử lực lượng đi kiểm tra và ký cam kết với các hộ được phép kinh doanh phải có quét mã QR đối với khách đến mua hàng và tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch, chỉ bán hàng mang về đối với hàng ăn.

Ghi nhận trên địa bàn quận Ba Đình, quận đã chủ động lên phương án chuẩn bị phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn, khi cần thiết, quận có thể thành lập trạm y tế lưu động tại 12 phường thuộc quận. Chủ tịch UBND phường Đội Cấn Ngô Thị Minh Hằng thông tin, trước tình hình dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng, để đáp ứng phân tầng điều trị F0, Trạm Y tế lưu động phường đặt tại Trường Mẫu giáo số 10 ngõ 100 Đội Cấn đã đi vào hoạt động, có thể thu dung, điều trị cho 180 bệnh nhân. 

Cán bộ y tế huyện Thạch Thất lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc các trường hợp có liên quan đến F0.

Để ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, UBND huyện chỉ đạo rà soát các trạm y tế xã, thị trấn, nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện, kích hoạt các trạm y tế lưu động tại các khu dân cư, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các trường học và củng cố cơ sở thu dung, điều trị F0, khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó, khẩn trương tổ chức tiêm chủng vắc xin khi được phân bổ, bảo đảm an toàn, hiệu quả; tập trung chỉ đạo tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, huyện đã chỉ đạo công an các xã, thị trấn tham mưu UBND cùng cấp lắp camera hoặc phối hợp sử dụng camera nhà dân để giám sát ca nhiễm. Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao và UBND các xã, thị trấn tăng thời lượng phát thanh, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã, thị trấn về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong việc cưới, việc tang, cải táng...

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.