Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo lưới an sinh đủ rộng...

Minh Vũ| 16/06/2022 06:11

(HNM) - Những năm gần đây, nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng về an sinh xã hội. Tuy nhiên, lưới an sinh chưa bao phủ đến số đông người lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần quan tâm mở rộng chính sách an sinh đến nhóm lao động này, góp phần tạo ra lưới an sinh xã hội đủ rộng.

Tuyên truyền lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lao động tự do trên địa bàn quận Hà Đông. Ảnh: Thu Hiền

Người lao động chịu thiệt thòi

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, nước ta hiện có hơn 51 triệu lao động, trong đó gần 20 triệu người làm việc trong khu vực kinh tế chính thức (có hợp đồng lao động). Số còn lại làm những công việc không có hợp đồng lao động (khu vực kinh tế phi chính thức). “Tôi làm công việc tự do, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống còn nhiều khó khăn”, chị Nguyễn Thị Liên, tổ dân phố 5, phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ.

Dưới góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng, không phải lao động tự do nào cũng có khoản tích lũy. Hơn nữa, họ thường làm công việc giản đơn, thu nhập thấp và dễ bị mất việc. Tiền lương bình quân của nhóm lao động chính thức hiện nay khoảng 6,7 triệu đồng/người/tháng, còn tiền công của nhóm lao động phi chính thức khoảng 4,4 triệu đồng/ người/tháng. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số lao động tự do bị ảnh hưởng về việc làm nhiều hơn so với khối lao động chính thức...

Vấn đề khác cần quan tâm là, đại đa số lao động khu vực kinh tế phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội. “Lao động làm nông nghiệp, làm công việc tự do có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để về già có lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe... Thế nhưng, đến thời điểm cuối tháng 5-2022, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện mới bao phủ hơn 2% lực lượng trong độ tuổi, tương ứng gần 1,3 triệu người tham gia”, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho hay. Trong khi đó, cùng thời điểm cuối tháng 5 vừa qua, tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ở khu vực kinh tế chính thức đạt khoảng 80%, tương ứng hơn 15,4 triệu người tham gia...

Nghiên cứu về bảo hiểm xã hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, chuyên gia lĩnh vực an sinh xã hội Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ, thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa cân đối. Theo Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ với 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Do lưới an sinh chưa bao phủ đến số đông người lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức nên kéo theo nhiều vấn đề xã hội phải giải quyết. Trong tương lai không xa, nguồn ngân sách hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi sẽ tăng lên...

Cần tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội

Nhằm mở rộng lưới an sinh đến nhóm lao động ở khối phi chính thức, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động, thúc đẩy tăng năng suất lao động để tạo ra thu nhập cao hơn, tạo việc làm ở khối chính thức... Tuy nhiên, giải pháp quan trọng hàng đầu là chú trọng phát triển đối tượng tham gia, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.

“Với mọi quốc gia, bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của hệ thống an sinh, nên trụ cột càng vững chắc, thì lưới an sinh càng rộng, càng an toàn”, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Andre Gama nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam (hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn phát triển, phân tích chính sách...) Lê Duy Bình chỉ rõ, đã đến lúc nước ta cần chính thức hóa lao động phi chính thức bằng cách đưa họ tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội, đồng thời bảo vệ quyền của người lao động. Để làm được điều này, bảo hiểm xã hội cần mở rộng theo hướng phục vụ người tham gia với các sản phẩm, chế độ phù hợp.

Liên quan đến bảo hiểm xã hội tự nguyện, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) Giang Thanh Long kiến nghị, bổ sung chế độ thai sản và một số chế độ khác cho chính sách này nhằm tăng tính hấp dẫn. Ngoài ra, các bên nên nghiên cứu hỗ trợ nhiều hơn cho trẻ em, giúp các gia đình bớt đi gánh nặng, dành nguồn lực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lâu dài. Đây cũng là giải pháp thiết thực để người lao động khối chính thức ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội thay vì phải rút bảo hiểm xã hội một lần...

Trước những bất cập trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị chức năng đã xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với nhiều điểm mới hấp dẫn, tạo thuận lợi tối đa cho người lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội. Cùng với đó là nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 đã, đang được triển khai. Những giải pháp này sẽ từng bước tạo ra lưới an sinh xã hội đủ rộng, bao phủ đến nhóm lao động khối phi chính thức...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo lưới an sinh đủ rộng...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.