Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc điều hành giá điện tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành

Bảo Hân| 21/05/2019 22:55

(HNMO) - Sẽ nghiên cứu, xem xét lại quy định về giá điện bậc thang nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ dân, đánh giá đầy đủ tác động của việc điều chỉnh đến các nhóm khách hàng.



Bộ Công Thương kết luận công tác ghi chỉ số công tơ được thực hiện đúng quy trình, quy định.
Ảnh minh họa


Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Chính phủ nêu rõ sự cần thiết phải quy định giá điện bậc thang và thực trạng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt ở nước ta.

Việc điều chỉnh số bậc sẽ ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thu nhập trung bình

Theo Chính phủ, điện năng là một hàng hóa đặc biệt. Việc sản xuất và tiêu dùng điện diễn ra đồng thời.

Khi huy động các nhà máy phát điện, về nguyên tắc, ngành điện sẽ huy động các nhà máy điện có giá thấp phát điện trước, nhà máy có giá cao phát điện sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.

Với đặc điểm này, nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hiện nay, nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến như Nhật, Hàn Quốc hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipines… đều áp dụng giá điện theo bậc thang; giá điện bậc thang sau cao hơn bậc thang trước tương tự như ở Việt Nam.

Theo Chính phủ, Bộ Công Thương đã xem xét, kiểm tra, tính toán điều chỉnh cơ cấu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo các kịch bản giảm từ 6 bậc xuống 5, 4, 3 bậc.

Kết quả tính toán các kịch bản cho thấy, việc điều chỉnh số bậc sẽ ảnh hưởng đến nhóm khách hàng có thu nhập trung bình, dưới 100 kWh và từ 201 - 300 kWh/tháng (năm 2018, tổng số các hộ này là khoảng 12,97 triệu hộ, chiếm 50,1% trên tổng số 25,89 triệu hộ sinh hoạt).

Thời gian tới, tiếp thu ý kiến của các hộ sử dụng điện, các cơ quan báo chí, các nhà kinh tế, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu xem xét lại quy định về các bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt.

Chính phủ khẳng định, việc xem xét, nghiên cứu lại nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ dân, đánh giá đầy đủ tác động của việc điều chỉnh đến các nhóm khách hàng, đặc biệt tác động đến các nhóm khách hàng có mức thu nhập trung bình và thu nhập thấp; đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các hộ chính sách, hộ nghèo theo quy định.

Kết quả kiểm tra vì sao tiền điện tháng 4 tăng?

Trước ý kiến của một số khách hàng thắc mắc về hóa đơn tiền điện tháng 4-2019 tăng cao, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động niêm yết công khai giá, công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện.

Báo cáo của Chính phủ nêu, kết quả kiểm tra thực tế công tác niêm yết công khai giá điện mới đã được các đơn vị thực hiện đúng quy định.

Công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện được các đơn vị thực hiện đúng quy trình, quy định.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4-2019 tăng là do 3 nguyên nhân: Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng khiến sản lượng điện tiêu thụ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36% và kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3-2019.

Theo thống kê của EVN, 100% thắc mắc của khách hàng đã được trả lời. Các khách hàng đều hài lòng với kết quả giải quyết.

Việc điều hành giá điện tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành

Theo đánh giá trong báo cáo này, quá trình xây dựng phương án điều hành giá điện, ban hành quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện đã được thực hiện theo đúng quy định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, EVN đã thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện đúng quy định trong niêm yết công khai giá điện mới, ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện các trường hợp gian lận, cố tình tính toán sai tiền điện đối với các khách hàng sử dụng điện.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá luôn chỉ đạo ngành điện, EVN công khai minh bạch chi phí đầu vào, tăng cường năng lực quản trị, tiết giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng. Các bộ ngành và EVN cũng đã có nhiều cố gắng trong tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân có thông tin đầy đủ, kịp thời và minh bạch.

Như vậy, quá trình điều hành giá điện thời gian qua nói chung và quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao, cân nhắc nhiều yếu tố, xem xét đánh giá tác động nhiều chiều và bảo đảm tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành bám sát thực tiễn, đề xuất các biện pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong điều hành giá điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Chính phủ cũng đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2019 để công bố công khai kết quả kiểm tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc điều hành giá điện tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.