Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Không phải ai cũng nghỉ hưu ở tuổi 60, 62"

Bảo Hân| 29/05/2019 19:29

(HNMO) - Đó là khẳng định của Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa) khi phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào chiều 29-5.

Cần cho người lao động quyền được nghỉ hưu

Tự trả lời cho câu hỏi “Xét về kinh nghiệm quốc tế, về định hướng rất đúng nhưng tại sao rất nhiều ý kiến phản đối về tăng tuổi nghỉ hưu?”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng do cơ quan trình dự án chưa làm rõ để mọi người dân hiểu được.

Đại biểu nêu thêm: “Không phải ai cũng nghỉ hưu ở tuổi 60 (với nữ) và 62 (với nam) mà có 3 nhóm. Trong đó, người lao động (NLĐ) về hưu ở tuổi 60 và 62 là những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi phát biểu thảo luận tại tổ chiều 29-5.


Nhóm thứ hai vẫn về hưu ở tuổi 55 (với nữ) và 60 (với nam) vì họ làm việc trong những ngành nghề, lĩnh vực nặng nhọc, độc hại và bị suy giảm khả năng lao động. Thậm chí, có những ngành nghề NLĐ mới 50 tuổi đã về hưu.

Nhóm thứ ba là những NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật, quản lý được kéo dài thời gian công tác thì có thể sau này thêm điều kiện về ngoài tuổi 60 và 62 sẽ không tham gia quản lý mà chỉ làm việc để phát huy chuyên môn, trình độ với kinh nghiệm và vốn kiến thức đã tích lũy của mình.

Cùng góp ý về tuổi nghỉ hưu, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Đoàn Bình Dương) đề nghị phải có một cơ chế cho lao động nữ được quyền nghỉ hưu ở tuổi 55 và lao động nam được quyền nghỉ hưu ở tuổi 60.

Ngoài ra, khi NLĐ cảm thấy không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc thì cần cho NLĐ quyền được nghỉ hưu, dù họ có thể hưởng mức lương hưu thấp, điều mà hiện nay luật chưa cho phép.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội).


Trong thảo luận tại Đoàn Hà Nội, đa số đại biểu đồng tình với phương án 1 mà dự án Bộ luật đưa ra (tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035).

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, phương án này không tạo ra thay đổi đột xuất, không ảnh hưởng đến thế hệ kế cận, đặc biệt là người quản lý.

Đồng tình với phương án 1 nhưng đại biểu Ngọ Duy Hiểu mong muốn nên có thiết kế thuyết phục hơn, bản thân người lao động dễ tiếp cận. Đại biểu cũng nêu quan điểm sẽ tăng tuổi nghỉ hưu ở hầu hết công chức, phần lớn viên chức và một bộ phận người lao động, còn sau này chính phủ sẽ thiết kế danh mục ngành nghề sau này trên cơ sở đánh giá và tính toán.

Giấc mơ của công nhân may chỉ thấy… những đôi giày

Qua thực tiễn hoạt động công đoàn với 1,2 triệu lao động tại tỉnh Bình Dương, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh nêu thực tiễn NLĐ phải làm thêm giờ quá quy định là rất phổ biến. “Thậm chí, NLĐ làm nhiều gấp 2 - 3 lần khi có doanh nghiệp tăng thời giờ làm thêm đến 1000 giờ/năm, trong khi luật hiện hành chỉ cho tối đa 300 giờ/năm”, đại biểu Hạnh nêu.

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Đoàn Bình Dương).


Đại biểu cũng trao đổi: “Nếu nói chúng tôi đồng thuận với việc tăng giờ làm thêm là rất đau lòng, bởi làm thêm vắt kiệt sức của NLĐ. Nhưng nếu không đồng thuận thì NLĐ sẽ phản ứng bởi tiền lương không đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho họ và gia đình. Vì vậy, họ muốn làm thêm giờ. Ví dụ, có công nhân may phải làm thêm đến 103 giờ/tháng; thậm chí có công nhân ngành gỗ phải tăng ca 141,5 giờ/tháng. Tức là họ phải làm tất cả các ngày trong tháng, không nghỉ ngày nào. Tiền lương tăng ca của người công nhân may chiếm hơn 40% tổng thu nhập và với người công nhân gỗ thì chiếm tới 125% tiền lương”.

Nếu tăng giờ làm thêm như dự thảo lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành), đại biểu Hạnh đề nghị phải cân nhắc mối quan hệ giữa làm thêm giờ và tiền công làm thêm; mối quan hệ giữa làm thêm giờ với việc nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động của NLĐ.

Thật buồn khi biết "trong giấc mơ của công nhân may chỉ thấy những đôi giày” - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương chia sẻ.

Cùng dưới góc độ công đoàn, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) cho rằng, người làm công đoàn “buồn và nghẹn ngào” khi đồng thuận với quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ.

“Hiếm nơi nào trên thế giới công đoàn lại đồng ý chuyện này nhưng vì người lao động lương thấp, nếu không làm thêm thì không duy trì cuộc sống tối thiểu. Hiện khung giờ quy định tối đa là 300 giờ/năm nhưng thực tế làm thêm lên đến 500 - 600 giờ/năm”, đại biểu Đoàn Hà Nội nêu.

Trong trường hợp NLĐ làm thêm giờ, đại biểu Hiểu đề nghị dứt khoát nghiên cứu xây dựng phương án trả lương lũy tiến vì theo công bố của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, càng làm thêm nhiều giờ, nguy cơ tai nạn lao động càng cao và việc trả lương lũy tiến sẽ tránh việc doanh nghiệp thường xuyên huy động lao động làm thêm giờ.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội).


Đại biểu cũng cho rằng cần nghiên cứu để người lao động có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc con cái, gia đình vì nếu đứa trẻ sinh ra trong điều kiện thiếu chăm sóc, thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực tương lai. Thậm chí, nhiều NLĐ còn cần thời gian để tìm bạn đời.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa) lưu ý, với quy định này, cần đánh giá tác động không chỉ là năng suất, giải quyết việc làm thời vụ mà cần đánh giá sức khỏe của NLĐ có đảm bảo không.

“Tôi đồng tình với đề xuất của Chính phủ trong việc nâng thêm giờ nhưng chỉ tập trung vào một số ngành nghề như da giày, dệt may xuất khẩu có tính chất thời vụ mà không diễn ra cả năm. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ cần phải có danh mục của các ngành nghề đó để lấy ý kiến để khẳng định chỉ những ngành nghề đó mới được làm thêm”, đại biểu kiến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Không phải ai cũng nghỉ hưu ở tuổi 60, 62"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.