Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Chăm lo khối đại đoàn kết, tạo điều kiện cho giới trẻ cống hiến

Hiền Phương| 10/07/2019 07:07

(HNM) - Một trong những tiêu chí để được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình” là bảo đảm “thúc đẩy đoàn kết xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội”... 20 năm qua, Hà Nội kiên trì thực hiện mục tiêu này, trong đó nhấn mạnh vấn đề xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cũng qua đó, giới trẻ có nhiều cơ hội để cống hiến xây dựng Thủ đô.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, khu dân cư số 10, 11, 12, phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) năm 2018.

Củng cố khối đoàn kết, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết: Từ năm 1999 đến nay, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, MTTQ Việt Nam các cấp cùng các tổ chức thành viên đã nỗ lực củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, hoạt động vì người nghèo… được triển khai rộng khắp, có hiệu quả.

Điển hình như Quỹ “Vì người nghèo” các cấp giai đoạn 2008-2018 vận động được hơn 400 tỷ đồng. Nhờ nguồn quỹ này, các hoạt động xây dựng và sửa chữa nhà, hỗ trợ vốn sản xuất, giúp khám, chữa bệnh cho người nghèo, tặng quà cho học sinh nghèo và các hỗ trợ khác cho người nghèo được thực hiện rộng khắp. Kết quả đó đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của thành phố từ 2,66% vào cuối năm 2013 giảm còn 1,16% năm 2018 và phấn đấu đến hết năm 2019 giảm còn 0,3%...

“Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) hằng năm được tổ chức rộng khắp, thực sự trở thành ngày hội toàn dân, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết. Cùng với đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, 10 năm trở lại đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức 32 hội nghị phản biện xã hội, góp ý các dự thảo nghị quyết, quy định, quyết định của HĐND, UBND thành phố; tương tự, cấp huyện, xã cũng tổ chức hơn 1.000 hội nghị phản biện xã hội. Quy chế dân chủ ở cơ sở được triển khai hiệu quả. Các địa phương thực hiện nghiêm quy định về người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối thoại thường kỳ với nhân dân” - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Bùi Anh Tuấn cho biết thêm.

Điểm nổi bật là Hà Nội đã làm tốt các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở 4 huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức và Ba Vì. Giai đoạn 2008-2018, thành phố đã đầu tư 410 dự án, công trình trên địa bàn 14 xã và 1 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, với tổng kinh phí lên tới 4.336 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Thu (dân tộc Mường, ở thôn Đầm Bối, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất) chia sẻ: Đời sống bà con dân tộc thiểu số 3 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình trước đây) sáp nhập về huyện Thạch Thất từ hơn 10 năm qua thật sự “thay da, đổi thịt”... “Riêng giai đoạn 2014-2019, 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung được đầu tư 46 dự án với tổng mức đầu tư gần 407 tỷ đồng, tập trung vào cơ sở hạ tầng như xây mới 31km đường giao thông huyết mạch, 14 nhà văn hóa, gần 100 phòng học mới, nhiều công trình thủy lợi. Các thiết chế văn hóa truyền thống của bà con được giữ gìn và phát huy” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Kiều Hoàng Tuấn thông tin.

Tạo đà cho thanh niên xây dựng Thủ đô

Khối đại đoàn kết được củng cố và tăng cường đã tạo sức mạnh để các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân được góp sức cống hiến, xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển. Trong sự đóng góp chung đó có vai trò to lớn của lực lượng thanh niên với các phong trào ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả.

Nếu như giai đoạn cuối thập niên 9 của thế kỷ XX, các phong trào thanh niên, trong đó có phong trào thanh niên tình nguyện chủ yếu tập trung vào hoạt động “Tiếp sức mùa thi” thì nay đã mở rộng trên nhiều lĩnh vực. 10 năm gần đây, các cấp bộ đoàn toàn thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với các nhóm đối tượng, lĩnh vực công tác. Trong đó, thanh niên nông thôn gắn các sinh hoạt của mình với chương trình xây dựng nông thôn mới. Thanh niên khu vực nội thành tổ chức các hoạt động gắn với xây dựng Thủ đô “Sáng - xanh - sạch - đẹp”. Thanh niên các trường học xung kích đi đầu trong học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp...

Chỉ tính riêng giai đoạn 2012-2017, đã có 8.043 công trình, phần việc thanh niên được triển khai trên toàn thành phố. Hơn 11.000 đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích trên các lĩnh vực được thành lập, thu hút tổng số 138 nghìn thành viên tham gia. Trong những ngày hè này, Thành đoàn Hà Nội tổ chức chương trình “Tiếp sức đến trường” tại 100% trường đại học, cao đẳng, học viện; tiếp nhận 15.000 đơn vị máu; tổ chức các lớp dạy tiếng Anh miễn phí và phổ cập bơi; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực và xâm hại trẻ em cho 10.000 thiếu nhi trên địa bàn Thủ đô.

Với tình yêu dành cho Hà Nội “Thành phố Vì hòa bình”, Thành đoàn còn tổ chức phong trào “Tôi yêu Hà Nội” với 5 nhóm giải pháp: Hà Nội xanh, Hà Nội an toàn, Hà Nội văn minh, Hà Nội nghĩa tình, Hà Nội trẻ. Đã có 2.039 hoạt động, mô hình, đội hình ở cấp thành phố và cấp cơ sở nhằm tự quản bảo đảm trật tự và văn minh đô thị... “Tham gia các hoạt động tình nguyện này, bản thân em trưởng thành hơn, biết chia sẻ và sống có trách nhiệm với cộng đồng, từ đó cố gắng học tập tốt để hoàn thiện bản thân” - Đỗ Thùy Dung (sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt cho biết: Nhằm khơi dậy niềm đam mê khát vọng làm giàu chính đáng, đưa tinh thần khởi nghiệp đến với 2,7 triệu thanh niên Thủ đô, thành phố đã thành lập Văn phòng Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (www.khoinghiephn.vn); ra mắt Cổng thông tin sáng tạo trẻ Việt Nam (www.vietyouth.vn). Bên cạnh đó, Thành đoàn đã thành lập 23 câu lạc bộ khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng, học viện và 1 câu lạc bộ khởi nghiệp, thu hút hơn 600 thanh niên, sinh viên tham gia. Đây sẽ là những "chồi non" để hình thành một đội ngũ doanh nhân trẻ trong tương lai.

Hà Nội đang thay đổi, đẹp lên từng ngày. Trong bức tranh đó có vai trò to lớn của thế hệ trẻ. Họ đang nỗ lực cống hiến, góp phần xây dựng Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, xứng danh Thủ đô Anh hùng, “Thành phố Vì hòa bình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Chăm lo khối đại đoàn kết, tạo điều kiện cho giới trẻ cống hiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.