Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xứng danh “Thành phố Vì hòa  bình”

Hoàng Lê| 11/07/2019 14:05

(HNMCT) - “… Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình” (Nhớ về Hà Nội - nhạc sĩ Hoàng Hiệp). Những ngày tháng 7 này, Thủ đô Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 20 năm ngày được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”.

Đó là sự tôn vinh, ghi nhận của cộng đồng quốc tế trước những đóng góp của Hà Nội trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình cũng như trong sự nghiệp xây dựng thành phố phù hợp với những tiêu chí do UNESCO đề ra - về sự bình đẳng trong cộng đồng, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ... Hơn tất cả, từ chiều dài lịch sử ngàn năm, cả trong chiến tranh và hòa bình, đất nước Việt Nam nói chung và Thăng Long - Hà Nội nói riêng luôn nổi bật với tư duy văn hóa hòa bình, một điểm đến thân thiện, an toàn.

Hà Nội luôn là điểm đến tin cậy, thân thiện. Ảnh: Linh Tâm

1. Muốn có hòa bình bền vững thì cần thấu hiểu chiến tranh. Trong suốt chiều dài lịch sử, đã nhiều lần “Thăng Long phi chiến địa” trở thành chiến trường mang tính quyết định đến nền độc lập dân tộc. Trước kẻ thù hung hiểm, những cuộc chiến khốc liệt là hình ảnh quật cường của đất và người Thủ đô, là tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” nhưng cũng thấm đượm tính nhân văn cao cả. Từ trận Đông Bộ Đầu (1258) đến Ngọc Hồi - Đống Đa (1789), trải qua những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến “Hà Nội mùa đông năm 1946”, rồi trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, khói lửa chiến tranh không chỉ hun đúc ý chí chiến đấu vì nền độc lập, tự do của dân tộc, mà còn vun đắp tình yêu hòa bình, sự thấu hiểu về giá trị của tình hữu nghị, cách ứng xử nhân văn, thân thiện ở mỗi người con Thăng Long - Hà Nội.

Truyền thống nhân văn là vô giá, bài học lịch sử là quan trọng. Cuối năm 1972, số phi công Mỹ bị bắt làm tù binh sau trận “Điện Biên Phủ trên không” được quản lý ở một số địa điểm tại Hà Nội, trong đó có Nhà tù Hỏa Lò, nơi được cánh phi công Mỹ “thi vị hóa” với tên gọi “khách sạn Hilton”. Vài trăm người bại trận, hơn một nửa có quân hàm từ đại úy trở lên, được hưởng chế độ ăn uống, sinh hoạt tốt hơn rất nhiều so với những người làm nhiệm vụ quản lý họ. Sau này, một số tù binh “xuất hiện” trong cuốn sách Phi công Mỹ ở Việt Nam (Đặng Vương Hưng - Nhà xuất bản Công an Nhân dân) và bộ phim tài liệu Tù binh Mỹ ở Hà Nội của đạo diễn Daniel Roussel (Pháp). Một trong số họ, Đại úy J.Beans nhớ lại, đại ý rằng trong hoàn cảnh chiến tranh lúc đó, ông không chắc phía Mỹ có thể đối xử với tù binh tốt như vậy.

Phi công Mỹ ở Việt Nam được xuất bản vào năm 2010. Năm 2013, sau buổi ra mắt sách tái bản lần đầu tiên, bạn đọc Nguyễn Phương Chi (phố Võng Thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ) nói với người viết: “Năm 1972, nhà tôi ở gần ngã tư Bà Triệu - Lý Thường Kiệt. Tới giờ vẫn không quên được tiếng bom dội tức ngực khi B.52 thả bom ở gần đó - khu vực Đại sứ quán Pháp và Đài Tiếng nói Việt Nam. Sách viết về cuộc sống của tù binh Mỹ ở Nhà tù Hỏa Lò, thú vị nhưng không gây ngạc nhiên bởi chúng ta là những người thắng trận tử tế”.

Chiến tranh gây chết chóc, đau thương nhưng cũng là bài học xương máu, được cho là cội nguồn của hòa bình nếu những bên tham chiến ý thức được điều đó một cách đầy đủ. Cách ứng xử nhân văn, thân thiện từ bên thắng trận đôi khi là sự khởi đầu cho một mối quan hệ tốt đẹp trong tương lai không xa, không phải những người trực tiếp cầm súng thì cũng là con cháu của họ. Năm ngoái, tại lễ khai mạc triển lãm Tìm lại ký ức tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, ông T.Willber, con trai của cựu phi công Mỹ W.Willber từng bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò nói rằng cha ông trở về Mỹ được là nhờ sự nhân đạo của phía Việt Nam, và đó là niềm hạnh phúc của gia đình ông cũng như nhiều gia đình binh lính Mỹ khác.

Năm 1972, bằng việc đối xử nhân đạo, thậm chí là thân thiện với phi công Mỹ, rõ ràng là thông điệp hòa bình, nhân đạo đã được phát đi từ Hà Nội - Việt Nam.

2. Thăng Long - Hà Nội có lịch sử hơn một nghìn năm. Thế đất, tộc người, khả năng kết tinh và lan tỏa, những phẩm chất của cư dân Hà Nội đã được phân tích khá kỹ theo thời gian. Năm 2005, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Khi đó, trong kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phùng Hữu Phú đã đề cập tới những tố chất nổi trội của người Hà Nội như khí phách, kiên cường, bất khuất; yêu nước, nhân ái, bao dung; tự tôn, tự trọng; tài hoa, nhạy bén, tinh tế...

Không nói ra cụ thể nhưng ẩn khuất đâu đó là tình yêu hòa bình, là lối ứng xử thân thiện được bồi đắp qua rất nhiều năm. Như dịch giả Thúy Toàn kể lại, cộng đồng người nước ngoài, bất kể là người Australia, người Mỹ hay Nhật Bản, Pháp, Đức, Nga, Cuba, Anh, Hàn Quốc..., ai đã tới Hà Nội cũng có cảm nhận rõ ràng về sự thân thiện của người dân và chính quyền nơi đây. “Nhà nhiếp ảnh người Mỹ R.Pantiliotli nhận xét: Tôi không hiểu tại sao lại yêu Hà Nội đến thế!... Con người Hà Nội thật tuyệt vời. Họ quan tâm lẫn nhau, cởi mở và thân thiện. Họ làm cho tôi cảm thấy mình như đang ở nhà chứ không phải ở nước ngoài” - dịch giả Thúy Toàn viết.

Trước đó, năm 2004, kỷ niệm 5 năm ngày Hà Nội được công nhận “Thành phố Vì hòa bình”, Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Việt Nam và Ban chỉ đạo Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tổ chức cuộc thi quốc tế tìm hiểu lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Hơn 3.000 bài dự thi được gửi tới từ khắp nơi trên thế giới, của những người từng tới Hà Nội hay chưa một lần đặt chân đến, và cả những người vì trách nhiệm với bài viết của mình mà lặn lội tới Hà Nội để có thêm thông tin. Họ viết về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, không quên nói về truyền thống người Tràng An với hàm ý tôn trọng.

Nét đẹp ứng xử, tình hữu nghị và sự thân thiện đôi khi hiện lên qua một lời chào từ nơi xa xôi. Như ông D.Chauhan, một công dân Ấn Độ đã mở đầu bài dự thi sau đó được trao giải Ba của mình với câu trích dẫn Bình Ngô đại cáo “đem đại nghĩa để thắng hung tàn”, coi người Việt Nam là “anh hùng, thân thiện, hiếu khách” và khẳng định “hiện tại các bạn vẫn sống trong tình yêu và rất quảng đại”.

Hà Nội luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Đầu năm nay, khi Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình được tin tưởng chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, ông M.Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nói rằng, kết quả ấn tượng nhất đối với Thành phố Vì hòa bình là sự thân thiện, hiếu khách của người dân đối với du khách. Trong thực tế, đó là nơi mà ngay cả một trong số các tổng thống Mỹ từng thư thái tận hưởng nét tinh tế về ẩm thực giữa lúc đám đông chờ đón ở bên ngoài. Là nơi mà các nguyên thủ như Thủ tướng Australia, Tổng thống Cộng hòa Pháp, Tổng thống Argentina có thể thong thả chạy bộ bên hồ Hoàn Kiếm, tản bộ trong khu phố cổ Hà Nội hay thưởng thức ly cà phê ngay trên vỉa hè. Là nơi mà số lượng khách du lịch quốc tế lui tới luôn có sự tăng trưởng ấn tượng và nằm trong số 25 điểm đến tốt nhất thế giới năm 2018...

Tất cả những điều ấy là lời khẳng định, rằng sau 20 năm kể từ ngày trở thành thành phố duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được trao danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” của UNESCO, Hà Nội - Việt Nam vẫn là một điểm đến tin cậy, thân thiện, vẫn xứng danh “Thành phố Vì hòa bình”.

Bà Kellee Farmer - Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam:

“Hà Nội luôn cho tôi cảm giác thanh bình, dễ chịu”

Hà Nội là thành phố duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, đó là lựa chọn xứng đáng. Khi được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 vào tháng 2-2019, Hà Nội đã thể hiện rất rõ là một thành phố yêu chuộng hòa bình, bình yên và ổn định. Với việc thực hiện rất tốt công tác tổ chức, Thủ đô Hà Nội đã nâng cao hơn nữa vị thế của mình trên trường quốc tế. 

Hà Nội là thành phố đáng ngạc nhiên, điều này không chỉ thể hiện ở bề dày truyền thống, lịch sử hơn 1.000 năm, mà còn thể hiện ở tốc độ phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Tuy mới đến Hà Nội được hơn một năm nhưng tôi rất thích sống ở đây, bởi Hà Nội luôn cho tôi cảm giác thanh bình, dễ chịu.         

Hoàng Ngân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xứng danh “Thành phố Vì hòa  bình”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.