Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 11: Chính sách an sinh xã hội hiệu quả

Hà Hiền| 17/07/2019 06:13

(HNM) - Theo quy luật tự nhiên, "đất lành thì chim đậu". Hà Nội - mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, nhân văn, nhân ái, là nơi tập trung đông người dân từ khắp mọi miền về sinh sống, làm việc. Để mọi người đều được thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội, trong 20 năm qua, các cấp, các ngành chức năng thành phố Hà Nội đã đưa những chính sách an sinh xã hội thiết thực, hiệu quả.

Các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội đều nhận được sự quan tâm, chia sẻ kịp thời.

Không để người nào ở lại phía sau

Hiện quy mô dân số của thành phố Hà Nội là hơn 8 triệu người với 2,2 triệu hộ, tăng gấp 3 lần so với thời điểm năm 1999. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình đô thị hóa, song Hà Nội vẫn luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư các nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân, nhất là với người dân vùng dân tộc thiểu số, người nghèo, khuyết tật, mồ côi, đơn thân và các đối tượng cần trợ giúp khác.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2008, toàn thành phố còn gần 80.000 hộ nghèo, bằng 5,72% tổng số hộ dân tại thời điểm đó. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, ngoài những chính sách chung, thành phố Hà Nội đã xây dựng và áp dụng chuẩn nghèo riêng, theo từng giai đoạn với các tiêu chí khó đạt hơn chuẩn nghèo chung, nhằm bảo đảm cho người dân Thủ đô có điều kiện phát triển về mọi mặt. Trên tinh thần đó, trung bình mỗi năm, Hà Nội đã đầu tư ngân sách và huy động nguồn lực xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, người dân vùng dân tộc thiểu số về y tế, giáo dục, nhà ở, tư liệu sản xuất, phương tiện đi lại…

Là người trực tiếp triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân vùng dân tộc thiểu số, ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì (huyện Ba Vì) nhớ lại: "Trước đây, cuộc sống của đồng bào Dao ở khu vực miền núi Ba Vì gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi khi trời mưa to, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã ngập úng, lầy lội. Nhờ các chương trình hỗ trợ toàn diện, hiện nay, đường bê tông đã đến từng ngõ, xóm. Từ một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số, đến nay, xã Ba Vì chỉ còn 81 hộ nghèo, bằng 16,04% tổng số hộ dân, giảm 3 lần so với cùng kỳ năm 2016".

Ngoài xã Ba Vì, 13 xã khác vùng dân tộc thiểu số thuộc huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai và Thạch Thất đang trên đà phát triển bền vững. Ông Nguyễn Văn Canh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quốc Oai phấn khởi cho biết, hai xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện là xã Phú Mãn và xã Đông Xuân hiện chỉ còn 8 hộ nghèo, ít hơn nhiều so với các xã đồng bằng.

Đặc biệt, trong năm 2018, toàn thành phố đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hơn 4.000 hộ nghèo, với tổng kinh phí lên tới hơn 420 tỷ đồng. Ông Lương Văn Bẩy, thôn Đồng Chầm, xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi phải sống trong căn nhà nhỏ lụp xụp. Ước mơ về ngôi nhà vững chãi như hiện nay được hiện thực hóa nhờ sự hỗ trợ kinh phí, ngày công từ các cấp, các ngành chức năng, anh em họ hàng, bà con lối xóm...”.

Đối với gần 180.000 đối tượng bảo trợ xã hội, thành phố trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng cho hơn 177.000 người; đưa hơn 2.000 người vào chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Những đối tượng khác như lao động nhập cư có hoàn cảnh khó khăn, người lang thang xin tiền… cũng nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt.

Với nhiều giải pháp trợ giúp người nghèo và đối tượng yếu thế, từ tháng 5-2017 Hà Nội không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, hoàn thành trước một năm so với kế hoạch. Đến nay, Hà Nội có 5 địa phương không còn hộ nghèo là các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Thanh Xuân và toàn thành phố chỉ còn 1,16% hộ nghèo, về đích trước 2 năm kế hoạch. Tỷ lệ lao động thất nghiệp còn 1,91%, vượt mục tiêu đề ra…

“Những chính sách an sinh xã hội đặc thù đi vào đời sống là minh chứng rõ nhất khẳng định truyền thống nhân văn, nhân ái luôn được chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội phát huy, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, không để người nào bị ở lại phía sau”, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá.

Xây dựng nhiều chính sách an sinh

Vì mục tiêu không để người dân nào bị lọt lưới an sinh xã hội, không có ai phải ở lại phía sau trên hành trình phát triển, ngoài những chính sách đã, đang triển khai, ngày 8-7 vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết quy định về một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống.

Lễ khởi công xây dựng 154 nhà ở Chữ thập đỏ cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và gia đình người có công trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Ảnh: Thu Hương

Trao đổi về chính sách nhân văn này, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trong tổng số hơn 23.000 hộ nghèo trên địa bàn thành phố hiện nay, có khoảng 13.500 hộ không có khả năng thoát nghèo do trong hộ không có người có khả năng lao động, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần nhận được hỗ trợ hằng tháng. Theo nghị quyết, dự kiến mỗi năm thành phố Hà Nội sẽ chi thêm hơn 124 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ không có khả năng thoát nghèo, trong đó ngân sách thành phố là hơn 110 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 14 tỷ đồng, nâng tổng số kinh phí hỗ trợ người nghèo lên gần 313 tỷ đồng/năm. Phấn đấu đến cuối năm 2019, đầu năm 2020, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo.

Là người được thụ hưởng các chính sách bảo trợ xã hội nhiều năm, ông Văn Tiến Thịnh, hội viên Hội Người mù quận Ba Đình bày tỏ: “Các nguồn lực hỗ trợ đã giúp tôi và những người đồng cảnh không phải đi bán hàng rong, hát dạo, lo miếng cơm, tấm áo từng ngày. Với chính sách hỗ trợ các hộ gia đình không có khả năng tự thoát nghèo được triển khai rộng rãi, tôi tin cuộc sống của người nghèo sẽ có bước chuyển biến tích cực”. 

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 3349/QĐ-UBND ngày 21-6-2019 về phương án cứu trợ và bảo đảm đời sống nhân dân thành phố Hà Nội năm 2019. Đối tượng hỗ trợ là người dân ở khu vực có nguy cơ bị thiên tai, thảm họa khi không may phải gánh chịu hậu quả thiên tai, thảm họa…

Để triển khai những chính sách này, các địa phương đang tiếp tục điều tra, rà soát để có sự hỗ trợ đúng người, đối tượng. Theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, từ nay đến cuối năm 2019 và những năm tiếp theo, quận Ba Đình sẽ hỗ trợ cho những gia đình mới thoát nghèo hoặc gặp khó khăn đột xuất ổn định cuộc sống.

Những dẫn chứng nêu trên phần nào cho thấy, trong 20 năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân từng bước cải thiện, nâng cao mức sống. Đây là một trong những tiêu chí cơ bản nhất của Thành phố Vì hòa bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 11: Chính sách an sinh xã hội hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.