Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều du khách đuối nước trên biển Bình Thuận: Dòng chảy ngược là thủ phạm?

Tùng Lâm| 11/08/2019 14:08

(HNMO) - Trong ngày 10-8, có tới 6 người tử vong khi tắm biển Bình Thuận. Trong đó, 4 du khách và 1 nhân viên cứu hộ thiệt mạng khi tắm biển giữa lúc sóng to tại biển La Gi, và 1 người bị nạn tại bãi biển Đá Ông Địa, thành phố Phan Thiết.

Tất cả các nạn nhân đều có chung tình huống là tắm biển và bị sóng cuốn ra xa bờ, gây đuối nước.

Hiện tượng người tắm biển gặp nguy hiểm khi bị dòng nước cuốn ra xa bờ không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Đó chính là dòng chảy ngược (trong tiếng Anh, hiện tượng này có tên Rip Current).

Giữa những con sóng từ ngoài biển đánh vào bờ, luôn xuất hiện những dòng chảy ngược, bất chợt lôi mọi thứ ra xa. Theo tài liệu của dự án Chỉ dẫn an toàn vùng biển Thái Bình Dương của Canada có tên là CoastSmart, những dòng chảy ngược thường xuất hiện khi có sóng lớn liên tục vỗ vào bờ. Dòng chảy ngược thường có bề rộng từ 1-3m, cá biệt có lúc lên đến vài chục mét. Sức nước trong vùng dòng chảy ngược rất mạnh khiến những người bơi giỏi, sức khỏe tốt cũng không thể chống lại sức mạnh của nó.

Cũng theo CoastSmart, có đến 80% số nạn nhân tử vong trong vùng dòng chảy ngược khi tắm biển là do cố gắng bơi ngược vào bờ khi bị cuốn ra xa. Những người này sẽ sớm mất sức và bị dòng biển cuốn đi.

Nhận biết dòng chảy ngược

Dòng chảy ngược thường xuất hiện giữa những con sóng đánh vào bờ. Chúng thường là những vùng nước có màu sẫm hơn, mặt nước lặng hơn. Rác biển hay tập trung tại đây, lững lờ trôi ra khơi.

Khi biển có sóng lớn, dòng chảy ngược bất ngờ trở nên mạnh mẽ, cuốn phăng mọi thứ trong nó ra xa bờ. Theo nghiên cứu của CoastSmart, vận tốc trung bình của dòng chảy ngược có thể bất ngờ thay đổi từ 0,1m/s đến 1m/s. Không ai có thể chống lại sức nước này để bơi vào bờ.

Ứng phó với dòng chảy ngược

Theo CoastSmart, khi tắm biển, nếu không may bị cuốn vào dòng chảy ngược, điều quan trọng nhất mà các nạn nhân cần thực hiện là không được hoảng loạn; phải nương theo sức nước để giữ người nổi trên mặt nước. Nhất thiết không được cố sức bơi ngược vào bờ mà phải lựa thời điểm bơi dọc theo bờ biển. Đến khi gặp sóng bạc đầu, cơ thể sẽ được sóng đánh vào bờ.

Nhiều bãi tắm trên thế giới cắm biển cảnh báo dòng chảy ngược, nhưng những tấm biển này ít xuất hiện tại các bãi tắm trải dài hàng nghìn km dọc bờ biển Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều du khách đuối nước trên biển Bình Thuận: Dòng chảy ngược là thủ phạm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.