Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn: Cần cộng đồng trách nhiệm

Hà Hiền| 13/10/2019 08:06

(HNM) - Hiện Hà Nội có hơn 80.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt hoặc sống tại vùng dân tộc thiểu số. Để nhóm trẻ này có thêm cơ hội, điều kiện phát triển, UBND thành phố vừa ban hành một số đề án hỗ trợ trẻ em tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng, dựa vào cộng đồng. Thực tế cho thấy, các ngành, địa phương cần cộng đồng trách nhiệm thì các chính sách hỗ trợ trẻ em mới phát huy hiệu quả tích cực, toàn diện.

Nhiều lợi ích dành cho trẻ khó khăn

Chị Nguyễn Thị Hà, thôn 3, xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai) cho biết, con trai chị là cháu Phan Duy Th. (sinh năm 2008) không may bị bệnh hiểm nghèo từ lúc 3 tháng tuổi. Nguồn thu nhập chủ yếu dùng để chữa bệnh cho Th., khiến kinh tế gia đình chị vốn đã khó khăn lại càng thêm khó. May mắn khi vào đầu năm 2019, các chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt mở rộng thêm một số đối tượng và con chị Hà thuộc trường hợp được trợ giúp.

“Biết thông tin, gia đình tôi làm hồ sơ gửi UBND xã Thạch Thán và các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, phê duyệt cho cháu Th. được hưởng mức trợ cấp dành cho trẻ em khuyết tật. Thông qua quá trình xét duyệt, từ tháng 9 vừa qua, con tôi đã nhận được mức hỗ trợ hơn 1,2 triệu đồng/tháng cùng nhiều ưu đãi khác khi đi khám, điều trị bệnh”, chị Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Cán bộ Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội tư vấn cho một trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Cùng ở huyện Quốc Oai, cháu Đào Thị L. (sinh năm 2010), xã Đông Xuân có biểu hiện tâm lý không ổn định từ khi bố mẹ ly hôn. Biết đến trường hợp này qua nhiều kênh thông tin, đội ngũ cán bộ của Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đã tiếp cận để tư vấn, hỗ trợ cho cháu L. về nhiều mặt. Hiện nay, cháu L. đã sống vui vẻ, chăm chỉ học tập.

Bà Vũ Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội cho biết, ngoài những trường hợp kể trên, từ đầu năm 2019 đến nay, riêng Trung tâm đã tư vấn, trợ giúp, cung cấp các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc cho gần 500 trường hợp trẻ em tại cộng đồng. Tính chung, trong những năm vừa qua, các cơ quan chức năng thường xuyên trợ giúp cho hơn 12.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đạt tỷ lệ hơn 99% tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố.

“Đáng chú ý, 100% đối tượng hiện có cuộc sống tốt hơn sau khi nhận được các nguồn lực trợ giúp. Điều đó phần nào cho thấy, chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói riêng được Hà Nội triển khai linh hoạt, hiệu quả, đến đúng người, đối tượng thụ hưởng”, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhận định.

Mở rộng dịch vụ hỗ trợ

Trước những hiệu quả đã thấy rõ, ngoài các chính sách đang thực hiện, ngày 24-9-2019, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 213/KH-UBND hướng dẫn các ngành, địa phương triển khai “Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2019-2025”. Theo đó, toàn thành phố phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 90% trẻ em khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ; bảo đảm 100% trẻ em khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

Ngoài ra, nhóm trẻ em vùng dân tộc thiểu số sẽ được hưởng lợi theo “Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025” do UBND thành phố ban hành tại Kế hoạch số 204/KH-UBND, ngày 13-9-2019. Dự kiến, từ nay đến năm 2025, các đơn vị, địa phương sẽ từng bước hỗ trợ 100% trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học ở 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố về dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục; bảo đảm 100% trẻ em ở khu vực này được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí…

Triển khai những đề án nêu trên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ về các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em; đồng thời đánh giá thực trạng, tham vấn nhu cầu của trẻ em vùng dân tộc thiểu số để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang tiến hành cung cấp các dịch vụ giáo dục cho trẻ em khuyết tật; hướng dẫn các nhà trường miễn, giảm học phí cho học sinh vùng dân tộc thiểu số…

Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, ông Đỗ Quang Trung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì cho biết, huyện đang tiến hành rà soát nhu cầu cần hỗ trợ của trẻ em ở 7 xã vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn; đồng thời đánh giá nhu cầu cần được trợ giúp của trẻ em khuyết tật và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; bảo đảm cho 100% các cháu đủ sức khỏe đều được đến trường...

Từ kinh nghiệm thực tế, bà Vũ Thị Minh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội mong muốn các ngành, địa phương, gia đình và cộng đồng dành sự quan tâm nhiều hơn đến trẻ em, bổ sung các nguồn lực, mở rộng dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng, dựa vào cộng đồng. Quá trình thực hiện các chương trình, hoạt động, đề án, dự án liên quan đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần sự phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm giữa các bên liên quan, thì hiệu quả đạt được mới toàn diện, bền vững.

Với các giải pháp trên, hy vọng rằng các ngành, địa phương sẽ triển khai tốt những đề án mới ban hành, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn phát triển toàn diện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn: Cần cộng đồng trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.