Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở công nghiệp: Vẫn lơ là, chủ quan

Tiến Thành| 09/11/2019 06:24

(HNM) - Các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra thời gian qua đã cho thấy nhiều bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất công nghiệp ở thành phố Hà Nội. Nếu không được xử lý, khắc phục sớm, nguy cơ cháy, nổ sẽ còn tiếp diễn bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, tình trạng lơ là, chủ quan vẫn xuất hiện ở nhiều nơi, nhất là tại các cơ sở công nghiệp quy mô nhỏ có nhà xưởng tạm bợ.

Cơ quan chức năng huyện Phúc Thọ hướng dẫn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt

Nhiều cơ sở vi phạm

Sau vụ cháy khiến 8 người tử vong tại xưởng sản xuất trong ngõ Đại Linh (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) vào ngày 12-4-2019, để phòng ngừa cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, Công an thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 141/KH-CAHN-PV01 ngày 11-5-2019 về mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở trong khu, cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu dân cư trên địa bàn thành phố. Thực hiện chỉ đạo này, thời gian qua, công an các quận, huyện, thị xã đã mở nhiều đợt kiểm tra và liên tục phát hiện sai phạm.

Kiểm tra thực tế tại 30 nhà xưởng, nhà kho ở Khu lâm sản phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện nhiều đơn vị không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy; không bảo đảm khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan; đường dẫn điện, cáp dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn… Nguy hiểm hơn, trong số 287 công nhân làm việc tại các xưởng, có 79 người ăn, ngủ trực tiếp tại xưởng.          

Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: Không chỉ tại quận Bắc Từ Liêm, từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 9-2019, Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra 7.108 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp, qua đó phát hiện và đề nghị các cơ sở khắc phục 13.633 tồn tại, thiếu sót; xử phạt 4.242 lỗi vi phạm với số tiền hơn 12,7 tỷ đồng; yêu cầu 342 cơ sở dừng hoạt động, tạm đình chỉ 204 lượt cơ sở, đình chỉ 35 lượt cơ sở...

Theo Thiếu tá Vũ Đình Chiến, Đội phó Đội Công tác phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ), đáng chú ý là qua tổng kiểm tra đã phát hiện 1.638 cơ sở chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất tự phát trên đất nông nghiệp hoặc đất chờ phục vụ cho mục đích khác thường có nhà xưởng manh mún, tạm bợ, dễ xảy ra cháy, nổ nhưng không được chính quyền cơ sở kiểm tra, xử lý triệt để.

Thực tế trên đã khiến người dân sinh sống xung quanh khu vực kho, xưởng sản xuất công nghiệp lo ngại. Bà Vũ Thị Hiền, tổ dân phố 68 (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) cho biết, đã xảy ra nhiều vụ cháy kho, xưởng sản xuất xen kẽ trên địa bàn dân cư khiến gia đình sống trong thấp thỏm. Còn Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 3 (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) Nguyễn Hồng Nhị lại lo lắng khi nhiều nhà kho, xưởng tái chế nhựa, vật liệu may mặc đang “bủa vây” khu dân cư. Với đặc điểm địa bàn đông dân, ngõ phố chật chội thì chỉ cần một sự cố nhỏ là gây ảnh hưởng đến an toàn của cộng đồng.

Cần cơ chế quản lý, kiểm tra

Về việc phòng cháy, chữa cháy tại các cụm, khu, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh Hải cho biết, Hà Nội hiện có khoảng 3.864 cơ sở sản xuất đang hoạt động trong 70 cụm công nghiệp trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã. Trong đó chỉ có 4/70 cụm công nghiệp được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với hạ tầng kỹ thuật. Nhiều cơ sở đã được đầu tư xây dựng từ lâu nên không còn bảo đảm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chữa cháy tại một kho xưởng trên địa bàn quận Hoàng Mai.

“Từ thực trạng trên, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cần kiểm soát chặt chẽ các dự án khu, cụm công nghiệp đang xây dựng để đáp ứng các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Đối với các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, Sở Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền xây dựng quy chế quản lý, trong đó có các nội dung về phòng cháy, chữa cháy”, ông Nguyễn Thanh Hải thông tin.

Nhận biết các nguy cơ cao về cháy, ông Phan Văn Dũng, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ công nghiệp ở xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất) cho biết, ông đã đầu tư hệ thống chữa cháy tự động hiện đại cho toàn bộ hệ thống kho, xưởng. Bên cạnh đó, công nhân còn được phổ biến cách sử dụng các phương tiện chữa cháy thông dụng. “Ngoài ra, nơi ở của công nhân cũng được chúng tôi bố trí xa xưởng sản xuất để bảo đảm an toàn”, ông Dũng trao đổi. Tuy nhiên, điều đáng nói là vì nhiều nguyên nhân, số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các cụm công nghiệp, làng nghề có ý thức phòng cháy, chữa cháy như trên còn rất khiêm tốn.

Là địa bàn “nóng” về cháy nổ kho, xưởng thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho biết, để đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy, quận đã tổ chức tập huấn cho cán bộ của UBND, công an, ban, ngành, đoàn thể các phường, qua đó huy động sự vào cuộc của nhiều lực lượng cho công tác này. Đi đôi với đó, trong thời gian tới, quận sẽ tập trung xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ ngay từ khi cơ sở hình thành và trong suốt quá trình hoạt động, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm.

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, thời gian tới, nhất là trong thời điểm mùa hanh khô, lễ Tết cuối năm 2019, đầu năm 2020, Công an thành phố tiếp tục mở các đợt cao điểm nhằm tập trung xử lý dứt điểm các cơ sở sản xuất công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Trong đó, ngoài lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là chủ công, Công an thành phố sẽ huy động lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã, Công an xã, bảo đảm khép kín địa bàn, lĩnh vực. “Mục tiêu cao nhất là phòng ngừa, không để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng”, Đại tá Trần Ngọc Dương khẳng định.

Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố đã xảy ra 406 vụ cháy (4 vụ cháy lớn) khiến 42 người thương vong, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 192 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở công nghiệp: Vẫn lơ là, chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.