Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Xem xét nới lỏng thực hiện giãn cách và chuẩn bị để học sinh đi học trở lại

Hoàng Lân| 22/02/2021 17:37

(HNMO) - Chiều 22-2, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo cùng các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.

7 ngày không ghi nhận ca mắc mới tại cộng đồng

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong 7 ngày qua (từ 15 đến 22-2), Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích giai đoạn 4, Hà Nội có 35 ca mắc ngoài cộng đồng. Tính từ ngày 27-1, Hà Nội có 1.140 F1 (30 xét nghiệm dương tính, còn lại âm tính); 12.829 trường hợp F2, hiện còn cách ly 2.657 người.

Về vấn đề xét nghiệm cho những người từ vùng dịch, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, đã rà soát và xét nghiệm cho 51.595 người từ Hải Dương (trong đó số người từ Cẩm Giàng là 2.436 người), đến chiều nay đã có hơn 41.000 cho kết quả âm tính, còn lại chưa có kết quả; rà soát xét nghiệm 17.528 người tại 18 địa điểm có liên quan tới ca bệnh, đã cho kết quả âm tính. 

Về vấn đề vắc xin, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Hà Nội cần khoảng 15 triệu liều vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên (mỗi người 2 mũi). 

Nhận định tình hình dịch trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, tại Hà Nội cơ bản đã kiểm soát được dịch, tuy nhiên nguy cơ về dịch vẫn còn ở mức cao, vì thế Hà Nội cần phải đề cao công tác phòng, chống dịch.

Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết, từ ngày 2-2 đến nay đã lấy 6.384 mẫu xét nghiệm; hiện còn 139 trường hợp đang cách ly tại khu cách ly tập trung Pháp Vân - Tứ Hiệp. Lãnh đạo huyện Gia Lâm cho biết, đã rà soát 3.599 trường hợp từ vùng dịch về, đã xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Huyện Thanh Trì thông tin, đã rà soát được 4.091 trường hợp về từ vùng dịch, trong đó đã lấy mẫu xét nghiệm 4.037 trường hợp; đang cách ly tập trung 4 công dân (2 nhập cảnh và 2 F1); đã xét nghiệm công dân nhập ngũ trên địa bàn. 

Liên quan đến các ca bệnh người Nhật Bản, trong đó có bệnh nhân 2.229, hiện quận Tây Hồ đang cách ly tập trung 458 trường hợp tại khách sạn Somerset West Point, quận đề nghị tiếp tục thực hiện phong tỏa khách sạn này đến hết tháng 2. 

Về các hoạt động phòng, chống dịch khác, quận Hà Đông thông tin đã xử lý 9 trường hợp không thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch, vẫn mở hàng quán, nhiều trường hợp không đeo khẩu trang. Quận Hoàn Kiếm báo cáo đã tạm dừng hoạt động đối với 362 quán cà phê, hơn 600 hộ kinh doanh quán ăn đường phố, hơn 700 di tích. Quận đã xử phạt 2 quán cà phê và toàn bộ số khách với hành vi không đeo khẩu trang, tụ tập nơi đông người...

Đại diện Cụm cảng hàng không miền Bắc cho biết, đã yêu cầu các điểm ăn uống tại sân bay phải thực hiện giãn cách, chấp hành quy định phòng, chống dịch; thực hiện phân luồng, giải tỏa hành khách tại sân bay Nội Bài. Đại diện Sở Du lịch thông tin, hiện có 510 chuyên gia đang cách ly tại 16/18 khách sạn được làm nơi cách ly tập trung; đã rà soát 12 khách sạn đăng ký mới để sẵn sàng cơ sở vật chất khi thành phố yêu cầu.

Liên quan đến việc hỗ trợ nông sản cho các địa phương có dịch, trong đó có tỉnh Hải Dương, Sở Công Thương cho biết, Sở đã kết nối 32 doanh nghiệp thương mại tại 34 chợ, đã thực hiện tiêu thụ được hơn 400 tấn nông sản. Sở Công Thương cũng giới thiệu 14 doanh nghiệp thực hiện tiêu thụ hơn 1.200 tấn gà đồi Chí Linh. Tuy nhiên, Sở Công Thương đề nghị, các cơ sở kinh doanh phải có địa chỉ rõ ràng, xác định rõ vị trí tiêu thụ để bảo đảm không ảnh hưởng đến giao thông, môi trường, an toàn thực phẩm cũng như truy xuất rõ nguồn gốc hàng hóa.

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, với một số địa điểm đang bị phong tỏa, nếu tuần này không có phát sinh về ca bệnh thì thành phố xem xét việc nới lỏng phong tỏa để người dân trở về cuộc sống bình thường. Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trường chủ động vệ sinh môi trường, rà soát các điều kiện để sẵn sàng cho học sinh đi học trở lại bình thường.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng phát biểu tại cuộc họp.

Hà Nội sẽ xem xét nới lỏng giãn cách

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đánh giá tình hình dịch tại Hà Nội, dù nhiều ngày qua không có ca mắc mới nhưng Thủ đô luôn có nguy cơ cao vì là trung tâm giao thương lớn. Vì vậy, đồng chí Chử Xuân Dũng đề nghị các địa phương căn cứ vào các công văn chỉ đạo của Trung ương, thành phố về các công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch thành phố, mặc dù các địa phương đã nỗ lực thực hiện các công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn có những hiện tượng chưa thực hiện nghiêm túc. "Những ngày qua, vẫn còn các nhà hàng bia hơi mở bán, không thực hiện giãn cách. Chúng ta cần xử lý những trường hợp này, tránh việc cả thành phố nỗ lực cố gắng nhưng vẫn để xảy ra những hiện tượng ảnh hưởng đến công việc chung", đồng chí Chử Xuân Dũng nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị các địa phương, đơn vị ngoài thực hiện theo chỉ đạo chung, còn cần tập trung vào một số phần việc: Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với các địa phương rà soát những điểm đang phong tỏa (hiện còn 4 điểm), đánh giá lại các nguy cơ dựa vào kết quả đã xét nghiệm để đề xuất thành phố xem xét nới lỏng giãn cách; tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể cho hoạt động xét nghiệm ngẫu nhiên tại những cơ sở, khu vực bệnh viện, phòng khám, khu cách ly tập trung, khu công nghiệp, nhà máy... Bên cạnh đó, Sở Y tế triển khai bài bản quy trình quản lý và khai báo y tế trên nền tảng hướng dẫn QRCode của Bộ Y tế để người dân ủng hộ, tham gia đông đảo. 

Quang cảnh cuộc họp.

Ngoài ra, các địa phương tiếp tục chỉ đạo tổ giám sát Covid-19 cộng đồng hoạt động hiệu quả trong việc khai báo y tế, truy vết, tránh hình thức; chủ động công tác thông tin, truyền thông để người dân nắm bắt thông tin kịp thời công tác chỉ đạo của thành phố, xử lý nghiêm những trường hợp thông tin sai sự thật.

Đồng chí Chử Xuân Dũng cũng cho biết, Hà Nội đã không ghi nhận thêm ca mắc mới trong cộng đồng, thành phố sẽ tính đến việc nới lỏng việc tạm dừng các hoạt động đã thực hiện trước đây.

"Đề nghị các sở, ngành có kế hoạch đối với đơn vị mình, trong đó đánh giá, đầy đủ nguy cơ, từ đó đề xuất giải pháp trong lĩnh vực quản lý hoạt động của đơn vị mình. Các đơn vị phải có báo cáo muộn nhất vào 17h ngày 25-2 để Ban Chỉ đạo thành phố cân nhắc, xem xét, sau đó báo cáo Thường trực Thành ủy, tập thể lãnh đạo thành phố để quyết định việc này", đồng chí Chử Xuân Dũng nói.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Xem xét nới lỏng thực hiện giãn cách và chuẩn bị để học sinh đi học trở lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.