Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bàn thêm về ''bệnh ba hoa''...

Phúc Lợi| 31/05/2021 06:24

(HNM) - “Ba hoa” theo nghĩa thông thường là nói nhiều, phóng đại quá sự thật, có ý khoe khoang “thùng rỗng kêu to”… Cán bộ, đảng viên mắc phải “bệnh” này rất dễ là nguồn cơn ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức, gây hệ lụy khó lường.

Không phải ngẫu nhiên, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (tháng 10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành một mục riêng là “Chống thói ba hoa” để nhắc nhở cán bộ, đảng viên khi Người nhận thấy ở đâu đó trong bộ máy chính quyền non trẻ của nước ta lúc đó đã có hiện tượng này. Người cũng chỉ ra “bệnh ba hoa” có nhiều vẻ như: Dài dòng, rỗng tuếch; có thói “cầu kỳ”; khô khan, lúng túng; báo cáo lông bông; lụp chụp cẩu thả; bệnh theo “sáo cũ”; nói không ai hiểu và bệnh hay nói chữ.

Soi với cuộc sống ngày nay, có thể thấy những chỉ dẫn, cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “bệnh ba hoa” vẫn vẹn nguyên giá trị, là bài học cảnh tỉnh cho cán bộ, đảng viên. Một trong những trường hợp nổi cộm là ông Trương Minh Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Từng chủ biên cuốn sách “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”, nhưng chính ông Tuấn lại có những hành vi vi phạm nghiêm trọng những điều đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật và vướng vòng lao lý.

Hoặc có không ít quan chức trong hội nghị hay khi tiếp xúc với nhân dân miệng thì hô hào phải quyết liệt đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, nhưng chính bản thân họ lại có hành vi đi ngược lại lời nói, từ đó gây tác động tiêu cực, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ… Nói tóm lại, “bệnh ba hoa” rất đa dạng và hậu quả để lại cũng rất ghê gớm. Bởi vậy, dù trên báo chí, trong đó có Báo Hànộimới, đã có nhiều bài viết, ý kiến sâu sắc về vấn đề này thì vẫn rất cần nhắc nhở, phê phán thường xuyên để tích cực đối trị căn bệnh này.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra nhiều biểu hiện liên quan đến “bệnh ba hoa” của cán bộ, đảng viên. Đó là việc mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương; nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu...

Hay như trong Nghị quyết chuyên đề “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo” của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII vừa được thảo luận gần đây, trong phần "tình hình đội ngũ cán bộ, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân" cũng chỉ rõ việc còn một bộ phận cán bộ, đảng viên “nói không đi đôi với làm”, “nói nhiều, làm ít” dẫn tới uy tín giảm sút, hiệu quả công việc thấp, là căn nguyên gây ra mất đoàn kết nội bộ.

Rõ ràng, “ba hoa” không chỉ là “bệnh” mang màu sắc cá nhân chủ nghĩa, mà còn là mối đe dọa tới sự vững mạnh của tổ chức Đảng. Vì thế, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược… ngang tầm nhiệm vụ. Đảng cũng xác định sẽ có nhiều giải pháp quyết liệt hơn trong công tác cán bộ, góp phần hạn chế, ngăn chặn thói "ba hoa" trong một bộ phận đảng viên bấy lâu nay.

Tương tự, Chương trình số 01/CTr-TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” cũng nêu một trong nhiều giải pháp có tác dụng chống “bệnh ba hoa” là "dựa vào dân để giám sát, kiểm tra hoạt động của cán bộ, đảng viên".

Để tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn thói "ba hoa", cấp ủy, chính quyền các cấp phải thường xuyên tăng cường quản lý, giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên. Cần thực hiện phương châm “6R” (rõ quy trình, rõ đối tượng, rõ người thực thi, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian) một cách triệt để. Đi liền với đó là coi trọng kiểm tra, đánh giá trên cơ sở mở rộng, đề cao dân chủ; kịp thời khen thưởng người làm tốt, kiên quyết kỷ luật nghiêm minh cán bộ, đảng viên chỉ "khoe mẽ" mà không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong sinh hoạt cấp ủy các cấp và sinh hoạt chi bộ, cần thường xuyên quán triệt tới cán bộ, đảng viên thực hiện đúng quy định về kỷ luật phát ngôn, nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc nói, viết sai trái, đặc biệt là sử dụng mạng xã hội để nói, viết không đúng sự thật, đánh tráo khái niệm, gây hoang mang, nghi ngờ, mất niềm tin vào lãnh đạo và tổ chức, mất đoàn kết nội bộ.

Chữa, ngăn “bệnh ba hoa” ở mỗi cán bộ, đảng viên trước hết cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức, học cách tư duy. Trong quá trình làm việc, cán bộ, đảng viên dù ở cương vị nào, nếu chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ thì chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín. Trước khi làm phải sắp đặt cẩn thận và có trách nhiệm tận cùng về công việc của mình. Đặc biệt, phải có thái độ khiêm tốn, cầu thị trước nhân dân, rèn ý thức “nói đi đôi với làm”, không khoe mẽ “lấy vẻ bề ngoài che đậy sơ sài bên trong”. Đó cũng là cách học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thiết thực nhất.

Ngoài ra, cần đề cao, dựa vào quần chúng nhân dân để "chỉ mặt vạch tên" người "ba hoa", thói nói - làm không nhất quán, "nói nhiều làm ít"...; từ đó, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước luôn đòi hỏi cán bộ, đảng viên "nói thực, làm thực", "nói ít, làm nhiều", "đã nói là làm"... Mỗi cán bộ, đảng viên hằng ngày tự nhận biết, tự ngăn mình, mạnh dạn đấu tranh phê phán thói "ba hoa" cho đồng chí, đồng nghiệp của mình chính là cách thiết thực nhất góp phần thành công cho sự nghiệp của Đảng, của đất nước vậy!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàn thêm về ''bệnh ba hoa''...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.