Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trị “bệnh” ganh ghét, đố kỵ

Đại tá, PGS.TS  Nguyễn Văn Sáu| 24/02/2020 06:45

(HNM) - Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ: “Ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình” là biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Đáng ngại, nếu không được ngăn chặn kịp thời từ chỗ suy thoái đạo đức, lối sống cá nhân đó sẽ rất dễ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Vì vậy, ngăn chặn “bệnh” này là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay và càng có ý nghĩa hơn khi chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi hiện tượng “ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình” là bệnh “óc hẹp hòi”. Cụ thể: “Ở trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình, ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình”. Biểu hiện rõ nét của “bệnh” này thường liên quan đến công tác cán bộ.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (xuất bản năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, từ trước đến nay, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng.

Nhưng hiện nay, mỗi khi những quyết định về công tác cán bộ được công bố, một số người lại bàn tán, “bình loạn” xôn xao ở bàn trà, quán nước vỉa hè, trên mạng xã hội. Họ phiến diện cho rằng, tất cả những cán bộ trẻ được bổ nhiệm đó là “con ông nọ” “cháu bà kia”, rồi là do “chạy chức”, “chạy quyền”…, mà không hề biết rằng, công tác cán bộ luôn được Đảng ta thực hiện thận trọng, chặt chẽ, bài bản, từ đào tạo, bồi dưỡng đến luân chuyển qua nhiều cương vị, bảo đảm phẩm chất đạo đức, năng lực, kinh nghiệm để đảm trách những vị trí quan trọng, và trên hết đó còn là thể hiện chiến lược của Đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận. Tất nhiên, song hành với đó, Đảng cũng đã thải loại, xử lý nghiêm những người vi phạm liên quan đến việc “bổ nhiệm thần tốc”, “nâng đỡ không trong sáng” những cá nhân không xứng đáng.

Sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng được tạo nên bởi tổ chức, mà tổ chức đó là sự kết nối chặt chẽ giữa các đảng viên trong tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Tình đồng chí ở đây ngoài tuân thủ những nguyên tắc về tổ chức, còn cần xuất phát từ tấm lòng nhân ái, bao dung của mỗi con người. Thực tế cũng cho thấy, có không ít cơ quan, đơn vị mất đoàn kết từ những việc tưởng chừng nhỏ nhặt, nhưng rất quan trọng trong đời thường mà xuất phát điểm là do ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. "Bệnh" này thường biểu hiện rõ ở những việc liên quan đến lợi ích cá nhân như: Cử đi học tập nâng cao trình độ, đi công tác nước ngoài, việc phân chia thành quả lao động đạt được; hay biểu hiện qua thái độ thiếu khách quan, công tâm khi nhìn nhận, đánh giá năng lực thực tế, hiệu quả công việc của đồng chí, đồng nghiệp.

Một biểu hiện khác của thói ganh ghét, tị nạnh là những người hay “nói xấu sau lưng” người khác, “bới lông tìm vết”, thổi phồng khuyết điểm nào đó của những người tài. Điều đáng nói hiện nay, “bệnh” ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình có lúc, có chỗ không hẳn xuất phát từ sự ích kỷ, hẹp hòi của cá nhân, mà đôi khi trỗi dậy từ trong tập thể thiếu đoàn kết. Hậu quả của “bệnh” này là làm giảm ý chí phấn đấu của những cán bộ, đảng viên gương mẫu, kéo lùi sự phát triển của cơ quan, đơn vị, thậm chí của một địa phương nếu người “nhiễm bệnh” là cán bộ quản lý trung và cao cấp.

Đáng lo, những cá nhân mang trong mình "bệnh" ganh ghét, đố kị, mất đoàn kết cũng rất dễ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong bản thân. Từ chỗ so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình rất dễ sa vào bè phái, bất mãn, chống đối trong nội bộ...; xa hơn nữa là đi ngược chủ trương của tổ chức, của Đảng nếu không được chữa trị kịp thời.

2. Chống biểu hiện của “bệnh” ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên có động cơ phấn đấu trong sáng hơn, góp phần nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị và quê hương, đất nước. Do đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, mỗi cấp ủy Đảng cần gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” với Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết trong từng chi bộ, làm hạt nhân cho khối đoàn kết của tập thể.

Trong cuộc đấu tranh này, Đảng đặt yêu cầu cao đối với cán bộ, đảng viên, các tổ chức quần chúng phải tôn trọng lẫn nhau; nghiêm túc, khoan dung, thấu tình đạt lý; kiên quyết chống tư tưởng ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình làm tổn hại đến tình cảm đồng chí, làm suy yếu sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đó là việc làm cần thiết nhằm làm cho cán bộ, đảng viên hoàn thiện phẩm chất, năng lực; làm cho Đảng ta vững mạnh mọi mặt, làm tốt trọng trách của mình trước dân tộc và nhân dân.

Thứ hai, các cấp ủy Đảng cần rà soát từ trong cấp ủy đến từng đảng viên, ai có biểu hiện ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình phải chỉ cho họ thấy rõ và góp ý để họ tự sửa. Nếu cố chấp, bảo thủ, tự phê bình qua loa, đại khái, thì phải tiến hành phê bình trong cấp ủy và tổ chức Đảng. Tuy nhiên, luôn phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “mục đích của tự phê bình và phê bình để giúp nhau tiến bộ, sửa chữa sai lầm”, chứ không phải là để “bới lông tìm vết”, nên cách thức tiến hành phải có lý, có tình, có nghĩa. Do đó, tự phê bình và phê bình phải được làm thường xuyên, phải nêu cả ưu điểm và khuyết điểm, “phê bình việc chứ không phê bình người” để cùng tiến bộ.

Thứ ba, biểu hiện ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình của một bộ phận cán bộ, đảng viên không những không phản ánh đúng thực tại khách quan, mà còn tạo cớ để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá, đặc biệt là chống phá về công tác cán bộ và nhân sự chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp. Để ngăn chặn điều này, tổ chức Đảng các cấp cần tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý để lựa chọn người đủ đức, tài gánh vác trọng trách ngày càng lớn lao trong giai đoạn mới.

Thứ tư, “bệnh” ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình là kẻ thù vô hình với những biến tướng phức tạp, rất nguy hại đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mọi tổ chức Đảng. Vì thế, mỗi người luôn phải tự soi lại mình xem có biểu hiện đó hay không để khắc phục, sửa chữa. Đối với cấp ủy, thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề; đưa các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động vào thực tiễn công việc; trong nhận xét, đánh giá, đề bạt, khen thưởng phải thật sự khách quan, dân chủ, công khai và đúng thực chất, không bao che, không ích kỷ hẹp hòi, thành kiến cá nhân làm tổn thương đồng chí mình, hạn chế sức chiến đấu của tập thể chi bộ, cơ quan, đơn vị…

Trong lúc các đơn vị, địa phương đang chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, việc ngăn chặn “bệnh” ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình lại càng quan trọng và ý nghĩa hơn bao giờ hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trị “bệnh” ganh ghét, đố kỵ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.