Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng thầu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thiếu kinh nghiệm vận hành

Bảo Hân| 05/06/2019 11:34

(HNMO) - Sáng 5-6, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GT-VT về thời điểm vận hành và một số vấn đề liên quan tới dự án đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.


Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) chất vấn về việc đội vốn tại dự án này.

Tổng thầu thiếu kinh nghiệm trong vận hành

Dự án ĐSĐT 2A Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành đến 99% khối lượng công việc. Vậy tại sao chưa vận hành thương mại? Bộ có xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đội vốn, kéo dài này không?”, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) hỏi. 

Trong phần trả lời, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết, nguyên nhân khách quan dẫn đến các dự án ĐSĐT bị đội vốn là khi lập kế hoạch ban đầu chưa có chủ trương xin vốn nên số liệu chưa chuẩn xác. Nguyên nhân chủ quan, đúng như các đại biểu phản ánh và nhận định của Bộ, là do là năng lực của các cán bộ liên quan còn hạn chế, tư vấn triển khai còn lúng túng, phát sinh nhiều vấn đề trong thực tiễn.


Về tổng thầu, Bộ đánh giá đơn vị này xây dựng đường sắt tốt, nhưng trong vận hành đường sắt lại thiếu kinh nghiệm. Do đó, Bộ đã làm việc với các bên để cải thiện tình hình, sớm đưa dự án vào vận hành.


Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn các đại biểu.


Giải thích về điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án từ 8.679 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng, Bộ trưởng nêu là do trượt giá (đến 49%) của giai đoạn từ 2009-2014; thay đổi về công nghệ và phát sinh về giải phóng mặt bằng…

“Con số này sắp tới sẽ được các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thậm chí cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an vào cuộc làm sáng tỏ. Đơn vị nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Bộ trưởng khẳng định. Đồng thời, sau khi dự án đưa vào vận hành thương mại, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan làm các thủ tục quyết toán, kiểm toán...

Liên quan đến sinh mệnh hành khách nên phải tiến hành thận trọng

Đại biểu Quách Thế Tản (Đoàn Hòa Bình) muốn Bộ trưởng trả lời về thời điểm cụ thể sẽ đưa tuyến ĐSĐT này vào vận hành thương mại sau 7-8 lần lỗi hẹn.


Đại biểu Quách Thế Tản (Đoàn Hòa Bình) nêu câu hỏi về thời điểm vận hành tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Bộ rất mong muốn đưa dự án vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của quốc gia, liên quan đến sinh mệnh hành khách nên mọi công việc phải tiến hành thận trọng, theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. Cụ thể, để vận hành, đơn vị tư vấn phải chứng nhận an toàn hệ thống. Dự án phải được nghiệm thu, được cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan đến thiết bị linh kiện… Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng đang phối hợp đào tạo 800 người sử dụng phương tiện này; đồng thời thử vận hành không tải.

“Chúng tôi quyết tâm phối hợp cùng Hà Nội và các cơ quan chức năng cố gắng kết thúc việc nghiệm thu và đạt chứng nhận an toàn hệ thống. Khi có chứng nhận thì mới vận hành thương mại”, Bộ trưởng cho biết.

Để đẩy nhanh tiến độ vận hành thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đã yêu cầu tổng thầu thay đổi người quản lý. Bộ đã làm việc với các cơ quan chức năng yêu cầu phía đối tác cung cấp đầy đủ thông tin, để dự án được bảo đảm an toàn tuyệt đối, vì còn liên quan đến nhiều dự án ĐSĐT sau này.

Về thời gian vận hành, Bộ trưởng không nêu cụ thể mà chỉ hứa sẽ cố gắng tối đa. "Nếu Bộ làm không hết trách nhiệm của mình thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết.
Bộ GT-VT ủng hộ TP Hà Nội thực hiện các dự án giao thông bức thiết

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội).

Gần cuối phiên chất vấn sáng nay, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) nêu câu hỏi, khi nào Bộ GT-VT mới phối hợp với TP Hà Nội triển khai mở rộng quốc lộ 1A cũ, xây dựng tuyến giao thông trên đê hữu hồng và xây dựng tuyến đường gom khi mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ? Đại biểu cũng phản ánh, quốc lộ 1A cũ sau 20 năm quy hoạch "treo" đã chật hẹp, xuống cấp, thường xuyên ùn ắc và xảy ra tai nạn giao thông.

“Trường hợp các dự án này vượt quá khả năng về vốn của TP Hà Nội thì với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có báo cáo Quốc hội, Chính phủ về bố trí vốn theo quy định của Luật Thủ đô không?”, đại biểu Khánh hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định, cả 3 tuyến đường mà đại biểu nêu đều đang gây bức xúc, vì Hà Nội có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, lượng phương tiện tăng cao.

Theo phân cấp, trên địa bàn Thủ đô, thành phố Hà Nội sẽ chủ động xây dựng các dự án để triển khai. Bộ GT-VT thể hiện quan điểm ủng hộ hoàn toàn với các dự án này. Trong trường hợp Hà Nội không đủ khả năng tài chính, có thể báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ. Nhiều địa phương cũng đã làm vậy để xin hỗ trợ ngân sách xây dựng các công trình giao thông cấp thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng thầu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thiếu kinh nghiệm vận hành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.