Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng kết nối giao thông đường bộ với đường thủy

Bài, ảnh: Hà Phạm| 17/06/2019 08:18

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng rất lớn trong phát triển đường thủy nội địa. Trong khi đó, hiện giao thông đường bộ đang quá tải trầm trọng do quá trình đô thị hóa nhanh.

Chưa phát triển tương xứng

Theo Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang thực sự quá tải về giao thông đường bộ khi mà tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh cũng như lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng cao hằng năm. Theo đó, số lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể, tính đến hết năm 2018, thành phố quản lý hơn 8,6 triệu phương tiện, gồm hơn 760 nghìn xe ô tô và gần 7,9 triệu xe mô tô. Trong khi mật độ đường giao thông chỉ đạt 2,05km/km2 (theo quy hoạch từ 10 đến 13,3km/km2), tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị 8,99% (theo quy hoạch hơn 22%). Với nghịch lý trên, dù thành phố nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhưng hiện trên địa bàn còn 28 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các dự án giao thông đường bộ kết nối đường thủy.


Trong khi đó, giao thông đường thủy của thành phố lại có tiềm năng rất lớn nhưng chưa phát huy hết thế mạnh. Theo số liệu thống kê từ Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc với 2.953 tuyến, tổng chiều dài là 4.368km. Riêng hệ thống đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố có gần 100 tuyến với tổng chiều dài hơn 730km, đạt mật độ bình quân 0,181km/1.000 dân. So với Đồng bằng sông Cửu Long - vùng có mật độ đường thủy cao nhất cả nước là 0,64km/km2, thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 73%...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở Giao thông - Vận tải thành phố) cho biết, mặc dù hệ thống đường thủy nội địa có tiềm năng rất lớn, mật độ các tuyến giao thông đường thủy cao nhưng phát triển chưa tương xứng. Ngoài một số nguyên nhân như: Sự phân bố các tuyến không đồng đều, tập trung chủ yếu tại các quận, huyện vùng ven, còn khu vực trung tâm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách cao lại ít các tuyến đường thủy kết nối.

Một số tuyến trọng điểm tồn tại các công trình vượt sông tĩnh không, khẩu độ không bảo đảm đã ảnh hưởng lớn đến quá trình khai thác; chi phí thực hiện duy tu bảo trì hạn chế..., nên hạ tầng giao thông đường bộ chưa được đầu tư xây dựng tương xứng, tăng tính kết nối để các tuyến đường thủy san sẻ gánh nặng quá tải.

Triển khai đầu tư đồng bộ

Theo kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu - đường - cảng thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cần sớm triển khai thêm các tuyến buýt đường sông nhằm phát triển du lịch và vận tải hành khách đường thủy. Đồng thời, triển khai đầu tư đồng bộ các dự án xây dựng cầu cảng, đường bộ kết nối thẳng với đường thủy để kết hợp với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe taxi, tạo thuận lợi cho hành khách đi lại và tham quan.

Ông Hà Thanh Sơn cho biết, thời gian tới, thành phố đề ra nhiều giải pháp thực hiện để đạt được các mục tiêu đã đề ra gồm: Hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các cơ chế, chính sách hợp lý để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực giao thông đường thủy; phát triển đồng bộ, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường thủy; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác vận tải đường thủy...

Trong đó, mục tiêu quan trọng là kêu gọi đầu tư xây dựng đồng bộ các tuyến đường bộ kết nối với đường thủy nhằm khắc phục những hạn chế lâu nay, phát huy vai trò của cả đường bộ lẫn đường thủy, tạo sức bật cho ngành Giao thông thành phố trong quá trình phát triển. Hiện thành phố đã đưa vào hoạt động tuyến buýt sông số 1 (bến Bạch Đằng - Linh Đông) và tuyến vận tải hành khách cao tốc Bạch Đằng - thành phố Vũng Tàu. Cả hai tuyến này bước đầu đã thu hút được nhiều người dân và khách du lịch đi lại do được đầu tư hệ thống cầu cảng và đường bộ kết nối trên tuyến, tạo thuận lợi trong việc đi lại.

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh), năm 2019, ngành Giao thông phấn đấu làm mới, đưa vào sử dụng 75km đường bộ và 17 cây cầu; mật độ đường giao thông đạt 2,14km/km²; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,01% đất xây dựng đô thị...

Để làm được điều này, thành phố phấn đấu khởi công 27 dự án như: Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); mở rộng đường Đồng Văn Cống (quận 2); mở rộng đường Cộng Hòa đoạn từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long; nâng cấp mở rộng nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (quận 7)... Trong đó, xây dựng mối liên kết giao thông và hỗ trợ hữu hiệu giữa vận tải đường bộ và vận tải đường thủy nội địa thông qua hệ thống cảng với các khu công nghiệp và các khu đô thị mới, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội thành phố.

Mặt khác, nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải đường thủy nội địa nhằm giảm bớt áp lực giao thông đường bộ bằng các giải pháp như: Kết nối liên thông các loại hình vận tải bằng đường hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ… một cách đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng kết nối giao thông đường bộ với đường thủy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.