Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ: Chủ động giải bài toán khó

Phương Nam| 10/01/2020 06:51

(HNM) - Nhiều tuyến đường bộ tại khu vực Đông Nam Bộ đã và đang quá tải. Để giải bài toán về hạ tầng giao thông, nhiều địa phương ở Đông Nam Bộ như thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động xây dựng các tuyến đường mới nhằm giải tỏa ách tắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và toàn vùng...

Tình trạng ách tắc thường xuyên xảy ra trên quốc lộ 51, từ tỉnh Đồng Nai đi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Những con đường quá tải

Tuyến quốc lộ 51 từ tỉnh Đồng Nai đi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chiều dài hơn 100km với khá nhiều nút giao. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 51 lại diễn ra hằng ngày, đang là nỗi ám ảnh của giới tài xế... Tài xế Nguyễn Đăng Bảy (ngụ tại Long Thành, Đồng Nai) chuyên chở hàng từ Đồng Nai đi thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Tại tuyến quốc lộ 51, mật độ phương tiện giao thông qua lại rất đông. Chỉ cần một va chạm giao thông nhỏ cũng có thể tạo ra một vụ tắc đường cả tiếng đồng hồ…

Theo Công ty cổ phần Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BEVC), quốc lộ 51 được nâng cấp, mở rộng thành 8 làn xe từ tháng 4-2013 với lưu lượng thiết kế 10.000 lượt xe/ngày đêm. Sau 5 năm đưa vào vận hành, lưu lượng phương tiện qua đây đã vượt 4 lần công suất thiết kế, trung bình 40.000 lượt xe/ngày đêm. Lúc cao điểm, con số này lên đến 48.000 lượt xe/ngày đêm dẫn đến ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên. "Do ngân sách trung ương chưa bố trí được; nguồn vốn huy động lại gặp nhiều khó khăn nên tuyến quốc lộ này chưa được mở rộng, làm mới", Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết.

Tại quốc lộ 22, con đường “độc đạo” nối thành phố Hồ Chí Minh với Tây Ninh, tình hình cũng không khả quan hơn. Tuyến đường dài 58,5km, mặt đường cũ, nhỏ hẹp, lưu lượng phương tiện tăng đến 8% mỗi năm nên rất hay xảy ra ùn tắc. Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch thành phố Hồ Chí Minh Lê Trung Tính, đây là tuyến giao thông huyết mạch có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, quy mô hiện nay của tuyến đường không đáp ứng được nhu cầu thực tế, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. 

Theo UBND thành phố Hồ chí Minh, trong khi Bộ Giao thông - Vận tải chưa bố trí được vốn để mở rộng, nâng cấp quốc lộ 22, từ cuối năm 2016, thành phố đã từng đề xuất kêu gọi các nhà đầu tư theo hình thức xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT), mở rộng tuyến đường, kết hợp đường trên cao rộng 17,6m. Tuy nhiên, cũng trong năm 2016, Quốc hội ban hành nghị quyết chỉ cho phép kêu gọi đầu tư BOT giao thông trên các tuyến đường mới, không đầu tư, nâng cấp tuyến đường cũ, nên dự án đình trệ từ đó đến nay.

Chủ động liên kết làm đường

Tại tuyến giao thông phía Đông, UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thống nhất chủ trương huy động nội lực thực hiện Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, song song với quốc lộ 51, theo chủ trương Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1-3-2016 về quy hoạch phát triển đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. 

Theo đó, tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 14.956 tỷ đồng cho giai đoạn 1, trong đó kinh phí cho đoạn qua tỉnh Đồng Nai khoảng 12.166 tỷ đồng; đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 2.790 tỷ đồng. Phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của Nhà nước, thời gian hoàn vốn là 24,5 năm. 

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, tỉnh sẽ bán đấu giá đất, dồn nguồn lực để quyết tâm làm cho bằng được con đường này. Hiện đã có một số doanh nghiệp xin đầu tư theo hình thức BOT tuyến đường trên và tỉnh sẽ khởi công tuyến đường ngay khi Thủ tướng Chính phủ cho phép... Liên quan đến tuyến giao thông này, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết: Bộ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định phê duyệt dự án.

Tại tuyến giao thông phía Tây, để phá thế độc đạo của quốc lộ 22, phá điểm nghẽn huy động vốn đầu tư, UBND thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh đã thống nhất lập dự án xây dựng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài với quy mô dài 53,5km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 10.700 tỷ đồng. Công trình được đề xuất đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tập trung xây dựng tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Trảng Bàng (dài 33km, có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/giờ) và Trảng Bàng - Mộc Bài (dài 20,5km, 4 làn xe, tốc độ 80km/giờ). Giai đoạn hai sẽ làm 6-8 làn xe. Công trình dự kiến được khởi công trong năm 2021 và hoàn thành sau 4 năm xây dựng. Một tin vui là Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất này và giao UBND thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án.

"Dự án được tập trung triển khai, hy vọng sẽ hoàn thành đúng tiến độ để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nói. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Dương Văn Thắng cam kết làm tốt nhiệm vụ của tỉnh, triển khai dự án đúng tiến độ. Hai địa phương cũng đề xuất tự lo kinh phí bồi thường (phía thành phố Hồ Chí Minh khoảng 2.000 tỷ đồng, Tây Ninh 1.000 tỷ đồng); phần kinh phí xây dựng, đầu tư còn lại gần 8.000 tỷ đồng kiến nghị Chính phủ cho đấu thầu hoặc chỉ định thầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ: Chủ động giải bài toán khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.