Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đặt mục tiêu đến năm 2050, cả nước có hơn 9.000 km đường cao tốc

Theo Quang Toàn/TTXVN| 17/03/2021 20:58

Ngày 17-3, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, các đơn vị của Bộ tiếp tục họp bàn về Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ.

Đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương dài 61,9 km, khánh thành năm 2010 sau hơn 4 năm xây dựng, là tuyến cao tốc hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Anh Tôn/TTXVN

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Tư vấn lập quy hoạch cho biết, so với Quyết định 356/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì đến thời điểm này, về phát triển giao thông vận tải đường bộ, khối lượng vận chuyển, luân chuyển hàng hóa đạt 87%, riêng luân chuyển hành khách đạt 105%, luân chuyển hàng hóa đạt 100% so với quy hoạch.

Về kết cấu hạ tầng, hệ thống đường cao tốc đã hoàn thiện, đưa vào khai thác 1.046 km, đang thi công hơn 900 km, thực hiện được trên 90% so với quy hoạch. Một số dự án theo quy hoạch chưa thực hiện được như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc phía Tây đường Hồ Chí Minh, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc kết nối đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), các tuyến đường vành đai của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Hệ thống quốc lộ cơ bản đã đạt được cấp đường theo quy hoạch, trong đó, đã hoàn thành mở rộng quốc lộ 1, mở rộng đường ven biển.

Đánh giá về kết nối đường bộ với các phương thức vận tải khác, đại diện liên danh tư vấn cho biết, tính kết nối giữa hệ thống đường bộ quốc gia với các phương thức vận tải khác chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cảng biển, đặc biệt như cảng Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải chưa có cao tốc kết nối theo quy hoạch.

Các cảng, trung tâm đầu mối khác chỉ một số tuyến quốc lộ kết nối và đa phần là tuyến nội thị có quy mô và năng lực chưa đáp ứng yêu cầu. Đối với các phương thức vận tải khác như đường sắt, hàng không cũng trong tình trạng tương tự.

Về nguồn lực đầu tư, đơn vị tư vấn cho biết giai đoạn 2011-2020, nhu cầu của ngành giao thông là 1,4 triệu tỷ đồng; trong khi đó, thực tế huy động chỉ đạt khoảng 980 triệu tỷ đồng. Đối với đường bộ, giai đoạn huy động được nguồn vốn lớn nhất là giai đoạn 2011-2015 đạt gần 380.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2016-2020 chỉ huy động được 185.000 tỷ đồng và cơ cấu nguồn vốn huy động chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn vốn ngoài ngân sách có xu hướng giảm. Đây là một trong những khó khăn để thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách vào đường bộ.

"Trên cơ sở thực tiễn của ngành đường bộ, tư vấn đặt mục tiêu đến năm 2030 tập trung xây dựng các tuyến cao tốc liên kết vùng, kết nối với cảng biển, các trung tâm sân bay lớn, phấn đấu đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc và đến năm 2050 có trên 9.000 km đường cao tốc. Đối với quốc lộ, tập trung nâng cấp, cải tạo mặt đường, tăng cường hệ thống an toàn giao thông đối với các trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông chưa có cao tốc song hành", đơn vị tư vấn cho biết.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, trên cơ sở đánh giá khả năng kết nối, thị trường vận tải và dự báo trong tương lai để quy hoạch, việc tăng lên 32.000 km đường quốc lộ và 10 tuyến cao tốc để đảm bảo tính kết nối ngang và kết nối dọc cũng như việc kết nối với 4 lĩnh vực khác cũng được rà soát rất kỹ.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá, tuy còn nhiều vấn đề phải bổ sung nhưng quy hoạch đã có bước đột phá thể hiện ở việc kết nối đường bộ với các loại hình khác, hay mạnh dạn đặt mục tiêu đến năm 2050 có trên 9.000 km đường cao tốc.

Đối với dự báo lưu lượng vận tải, Bộ trưởng cho biết chủ trương là giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thủy và đường biển, phát triển vận tải biển thay thế vận tải đường bộ. Bên cạnh đó, tăng thị phần vận tải đường sắt, hàng không. Bộ trưởng yêu cầu tính toán, cơ cấu điều chỉnh cưỡng bức lại thị phần vận tải, trong đó quy hoạch giữa các lĩnh vực phải có sự thống nhất.

Cho rằng quy hoạch đã có đánh giá về kế hoạch đầu tư công đến năm 2030, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu có sự điều chỉnh đầu tư công, tăng đầu tư công cho một số lĩnh vực khác, giảm đầu tư công cho đường bộ, đáp ứng được thị phần vận tải giữa các lĩnh vực. Đồng thời, cần có định hướng rõ ràng, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, vượt quá nguồn vốn; đánh giá lại cả 5 lĩnh vực (đường bộ, đường hàng không, đường biển, đường sắt và đường thủy) để định hướng đầu tư công, điều chỉnh cưỡng bức lại thị phần vận tải.

Liên quan đến kết nối giao thông đường bộ với 4 lĩnh vực còn lại, Bộ trưởng yêu cầu phải đánh giá kỹ lưỡng việc kết nối, xác định được các nút thắt, các điểm nghẽn với các công trình, dự án trọng điểm quốc gia như cảng hàng không, trung tâm đường thủy nội địa, ga đường sắt. 

"Cục trưởng các Cục chuyên ngành khác nghiên cứu quy hoạch của đường bộ, xem xét kết nối đường bộ với lĩnh vực mình phụ trách, cần điều chỉnh, bổ sung gì để đảm bảo tính thống nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Về đánh giá hiện trạng thực hiện quy hoạch vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu đánh giá đúng thực trạng, những cái được, chưa được và làm rõ nguyên nhân. Lấy ví dụ từ việc không đạt được mục tiêu theo quy hoạch đến năm 2020 có 2.500 km đường cao tốc, Bộ trưởng cho rằng việc triển khai kế hoạch đầu tư công còn chậm, có nguyên nhân từ việc chậm giải phóng mặt bằng.

Đề cập đến cơ chế phát triển hạ tầng đường cao tốc thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, rút bài học kinh nghiệm giải phóng mặt bằng vừa qua, cần đề xuất cơ chế mới có tính đột phá. Về mục tiêu đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc, Bộ trưởng gợi ý cách thức triển khai, lựa chọn danh mục đầu tư, trình Chính phủ cho phép giải phóng mặt bằng sạch toàn bộ trước, sau đó lập dự án đầu tư toàn bộ 5.000 km đường cao tốc.

“Đánh giá thực trạng phải rõ ràng, vì sao không đạt được kế hoạch, nguyên nhân là gì, bài học ra sao. Cả 5 lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy cần nhìn nhận rõ vấn đề, tìm ra cách giải quyết để tháo các nút thắt, đột phá phát triển hạ tầng”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Đối với quốc lộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các tuyến tránh đô thị phải nâng cấp đúng chuẩn và bàn giao đường trong đô thị cho địa phương. Quốc lộ đi qua đô thị phải xây dựng đúng quy hoạch, có đường gom hai bên và được quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng phố hóa đường quốc lộ và làm thêm đường tránh thứ hai, thứ ba.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đặt mục tiêu đến năm 2050, cả nước có hơn 9.000 km đường cao tốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.