Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp nước an toàn, quản lý bền vững

Thúy Nga| 19/06/2015 07:05

(HNM) - Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, hệ thống cấp nước sạch khu vực ngoại thành Hà Nội ngày càng mở rộng cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, công tác quản lý vận hành khai thác còn một số hạn chế cần khắc phục để phát huy tối đa hiệu quả

Những năm qua, TP Hà Nội luôn quan tâm thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đến nay, khu vực nông thôn có 106 công trình cấp nước tập trung với tổng công suất thiết kế gần 57.100m3/ngày đêm, bảo đảm cung cấp nước cho khoảng 286.000 người dân ngoại thành. Cùng với nguồn lực của thành phố, chương trình còn có sự hợp tác, hỗ trợ của nhà tài trợ quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB).

Đưa nước sạch về cho người dân tại các vùng ngoại thành là rất cần thiết.



Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, sau hai năm (2013-2014) triển khai thực hiện chương trình tại 8 tỉnh Đồng bằng Sông Hồng do WB tài trợ, trên địa bàn thành phố có gần 9.200 hộ gia đình được sử dụng nước sạch, gần 4.630 hộ cải thiện điều kiện sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, 62.820 người được hưởng lợi từ các xã đạt vệ sinh toàn xã. Thực hiện hợp phần I (cải thiện điều kiện cấp nước), Sở NN&PTNT đang triển khai đầu tư 7 công trình cấp nước sạch liên xã tại các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức và Mê Linh. Còn hợp phần II (cải thiện điều kiện vệ sinh), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cải tạo, xây mới 12 công trình vệ sinh và nước sạch tại 12 trường học trên địa bàn các huyện Ứng Hòa, Hoài Đức, Phú Xuyên; Sở Y tế Hà Nội đã triển khai xây dựng mới 3 công trình vệ sinh, nước sạch tại các huyện Ứng Hòa, Hoài Đức, Thạch Thất và cải tạo, sửa chữa 2 công trình nhà vệ sinh, nước ở các huyện Phú Xuyên, Thạch Thất... Thực hiện hướng dẫn của chương trình, các sở đã mở nhiều lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý dự án, kỹ năng giám sát, đánh giá hoạt động chương trình và nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của nước sạch với sự sống, tác hại của việc sử dụng nước không sạch, phương pháp cải tạo nguồn nước, trữ nước sạch...

Kết hợp các nguồn lực đầu tư, kết thúc năm 2014, tỷ lệ người dân nông thôn Hà Nội được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92,21%, trong đó gần 33,8% dân số sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; 76% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; gần 70,2% số hộ gia đình chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; số trường học có đủ nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt gần 93,4%, số trạm y tế xã có đủ nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 97,3%, qua đó làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới...

Bộc lộ hạn chế, bất cập

Sau thời gian hoạt động, nhiều công trình cấp nước tập trung bị hư hỏng, xuống cấp do xây dựng đã lâu, công tác quản lý, vận hành không đúng kỹ thuật hoặc do nguồn thu tiền nước không đủ chi phí duy tu, bảo dưỡng... Mặt khác, hầu hết công trình cấp nước tập trung ở khu vực ngoại thành chưa chú trọng đến việc khử trùng, chưa chú ý đến việc kiểm tra và quản lý chất lượng nước. Có trạm chỉ phân tích, xét nghiệm mẫu nước 1 lần/năm, nhiều trạm không tiến hành kiểm tra. Ở những trạm có kiểm tra thì hầu hết chỉ kiểm tra một vài chỉ tiêu đơn giản. Tỷ lệ thất thoát nước hiện nay của các trạm cấp nước tập trung nông thôn khá cao, thấp nhất là 10%, cao nhất lên tới 70%, còn trung bình vào khoảng 30%. Nguyên nhân là do hệ thống đường ống không được đầu tư cải tạo, nâng cấp nên nhiều chỗ bị xuống cấp, bục vỡ. Theo đánh giá năm 2014 có 46/78 công trình cấp nước hoạt động bền vững (chiếm tỷ lệ 59%) và 32/78 công trình hoạt động không bền vững (chiếm tỷ lệ 41%)...

Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội, hiện khu vực ngoại thành có 4 mô hình (cộng đồng, HTX, UBND xã và doanh nghiệp) quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Ưu điểm của mô hình cộng đồng, HTX, UBND xã quản lý là đơn giá bán nước thấp nên phù hợp với thu nhập của người dân nông thôn. Tuy nhiên, mô hình này cũng bộc lộ nhiều hạn chế như tổ chức hoạt động dựa vào quyền tự chủ về tài chính không rõ ràng; quyền lợi và trách nhiệm của ban quản lý vận hành trạm cấp nước không cụ thể; kinh phí hoạt động không được hạch toán độc lập; hầu như công nhân quản lý, vận hành chưa qua đào tạo chuyên môn; thiếu công cụ và phương tiện kiểm tra, xử lý các sự cố xảy ra trong quá trình vận hành; mức lương thấp nên không gắn bó trách nhiệm, khuyến khích công nhân học tập nâng cao tay nghề...

Để khắc phục những hạn chế, cùng với việc đẩy nhanh đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn, trong đó có các dự án sử dụng nguồn vốn WB, cần lựa chọn mô hình phù hợp trong cấp nước an toàn, quản lý bền vững. Theo đó, tạo cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý ưu đãi đẩy mạnh mô hình kết hợp công - tư và các mô hình xã hội hóa khác đầu tư trong lĩnh vực nước sạch nông thôn, giảm bớt sự phụ thuộc trông chờ vào ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp nước an toàn, quản lý bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.